Nồng ấm không gian văn hoá đại ngàn

503

 

6.3.2

Bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa Tây Nguyên được giới thiệu, tôn vinh tại liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ 5-2013 khu vực Tây Nguyên được tổ chức tại Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) – Ảnh: Trần Thị Yến.

Lần thứ hai Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Tây Nguyên được tổ chức tại Kon Tum – vùng đất giàu truyền thống yêu nước, nghĩa tình và mang đậm văn hóa dân gian truyền thống. Lần đầu tiên – năm 2007, Liên hoan được tổ chức dưới mái nhà rông đẹp nhất tỉnh Kon Tum – nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum. Sáu năm sau, Kon Tum lại vinh dự được đăng cai tổ chức Liên hoan và được tỉnh chọn Măng Đen, huyện Kon Plông – một vùng đất huyền thoại được công nhận là danh lam di tích cấp Quốc gia 2000. Mới đây đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái đến năm 2030 để tổ chức. Đây là niềm vinh dự và là niềm vui lớn với cán bộ, nhân dân huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.

 

Với mục đích tìm kiếm, duy trì, bảo tồn và phát hiện những làn điệu dân ca, dân vũ nguyên thể, mang đặc trưng vùng đất Tây Nguyên để giới thiệu, quảng bá, góp phần bồi dưỡng và phát huy vốn dân ca cổ truyền của dân tộc, Liên hoan lần này đã gặt hái được nhiều thành công về số lượng và chất lượng nghệ thuật. Đặc biệt, tín hiệu vui trong Liên hoan năm nay đó là phần lớn các đoàn tham gia đều có đội ngũ nghệ nhân trẻ trình diễn những làn điệu dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ truyền thống một cách thành thạo.

 

Được diễn ra trong hai ngày (05 – 06/3), Liên hoan thu hút hơn 70 nghệ nhân đại diện cho các dân tộc ít người như: Ba Na, Chu Ru, K’ho, Xê Đăng, Gia Rai, Mơ Nông, Mạ, đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên là: Đăk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum .Các nghệ nhân đã lựa chọn, giới thiệu cho khán giả những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc mình thông qua 15 tiết mục gần như nguyên thể mang những nét đặc sắc riêng của mỗi dân tộc, với những làn điệu dân ca, hát ru, hát giao duyên, dân vũ và những nhạc cụ dân tộc độc đáo như: Hát giao duyên Buoi Pcam Ya (Đừng lo sợ) của đoàn nghệ nhân dân tộc Xê Đăng, làng Kon Kơ Lok, xã Đăk Ma, Đăk Hà, Kon Tum; hay Múa khiên trong lễ hội đâm trâu của các nghệ nhân dân tộc Gia Rai phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, Gia Lai; hay thổi khèn bầu trong lễ hội Mừng lúa mới của nghệ nhân L, Kel Ma Tham, dân tộc Chu Ru đến từ xã Tua Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng; Hòa tấu liên khúc Cing Kram (Chiêng tre) của dân tộc Ê Đê tỉnh Đăk Lăk; dân ca Mẹ yêu con của dân tộc Mạ tỉnh Đăk Nông;…

 

Liên hoan là dịp để các tỉnh Tây Nguyên giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế sự đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – di sản văn hoá truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Còn đối với Kon Tum với vai trò là đơn vị đăng cai thì đây là dịp để tỉnh quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ngoài ra, Liên hoan còn là động lực giúp chính quyền địa phương tiếp tục khôi phục, gìn giữ và bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc ít người trên địa bàn.

 

Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Đặng Xuân Thu cho biết: Khác với những liên hoan trước, Liên hoan lần này ngoài dân ca còn có thêm dân vũ, có nghĩa là không nhất thiết phải có tiết mục hát không mà có cả múa, cả chiêng, kể cả dàn dựng lại những tiết mục lễ phục cúng bái, lễ phục của đồng bào. Năm nay không có diễn viên chuyên nghiệp của các đoàn tham gia.100% là đồng bào anh em từng buôn, từng làng mình phát hiện, bồi dưỡng đưa tham gia lên hoan…

 

Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Tây Nguyên lần thứ 5 đã khép lại với nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Tây Nguyên là mái nhà chung của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Trong quá trình lao động, đồng bào nơi đây đã sáng tạo ra một kho tàng dân ca, dân vũ phong phú, tạo ra nét văn hoá rất riêng cho vùng đất cao nguyên bao la lồng lộng gió ngàn. Dẫu chịu sức ép của sự giao thoa, du nhập của nhiều nền văn hoá khác nhau nhưng đồng bào nơi đây vẫn gìn giữ những nét văn hoá mà cha ông để lại cho ngày nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau, để mảnh đất Tây Nguyên mãi là cái nôi của cồng, của chiêng, của rượu cần với những làn điệu dân ca, dân vũ cổ làm say đắm lòng người…

 

Bài: Sỹ Tiến

Đi đến nguồn bài viết