Ngán ngẩm vì Đà Lạt đông khách quanh năm, nhiều du khách ưa thích du lịch nghỉ dưỡng lựa chọn Măng Đen là điểm đến yêu thích tiếp theo.
Tiết trời se lạnh, không khí trong lành, kiến trúc mang hơi thở thời Pháp là 3 điều lóe lên trong đầu du khách khi nhắc đến Đà Lạt. Du khách tới lui tấp nập, hàng quán mọc lên như nấm khiến Đà Lạt mất dần vẻ đẹp nguyên bản trong mắt du khách ưa thích nghỉ dưỡng.
Ngao ngán giữa biển người
Là một thành phố nằm trên cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng), năm 2022, Đà Lạt thu hút 7 triệu lượt du khách, tăng 340% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Lượng khách ồ ạt vào các dịp trong năm, nhất là mùa cao điểm như lễ, Tết, các dịch vụ vui chơi giải trí, hàng quán tại đây trở nên quá tải. Du khách gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trải nghiệm lưu trú.
Chia sẻ với Zing, Ngô Thúy Quyên (23 tuổi, Nha Trang), du khách vừa trở về từ Đà Lạt vào tháng 2, cho biết những địa điểm công cộng như chợ Đà Lạt vẫn đông người mặc dù không phải mùa cao điểm.
Quán cà phê Thúy Quyên muốn trải nghiệm trước đó khi đến cũng cần phải xếp hàng đợi chụp hình. Khi tới lượt, bạn trẻ này không còn hứng thú để chụp ảnh nữa. Trải nghiệm kỳ nghỉ cũng không suôn sẻ như dự tính.
“Đợt lên Đà Lạt vừa rồi tôi cất công diện váy áo nhưng lại không được chụp ảnh nhiều do đông người quá, đành uống hết cốc nước rồi về”, người này trải lòng.
Quyết định gỡ gạc vào buổi tối, Thúy Quyên đến chợ Đà Lạt để ăn uống nhẹ rồi chụp hình. Nhưng một lần nữa cô lại đối mặt với dòng người tấp nập.
Nhiều du khách chen nhau ngồi tại bậc thang, kín cả lối đi, vừa ăn vừa trò chuyện. Thúy Quyên và bạn đành nép tạm vào một góc, đứng ăn vài trái bắp nướng mỡ hành, uống một ly sữa đậu nành, sau đó ngậm ngùi ra về, từ bỏ ý định chụp ảnh.
“Vượt đèo từ Nha Trang lên Đà Lạt hơn 130 km nhưng tôi chỉ ăn uống qua loa rồi về, khá thất vọng về chuyến đi lần này”, Thúy Quyên than thở.
“Miền đất hứa” mới
Đối diện với một Đà Lạt ngày càng “bê tông hóa”, nhiều bạn trẻ quyết định chuyển hướng, lên Măng Đen du ngoạn, thậm chí không ít người chọn lập nghiệp nơi đây.
Măng Đen là thị trấn huyện lỵ của huyện Kon Plông (Kon Tum). Nhờ sự phát triển cây cối bạt ngàn, nơi đây trở thành địa điểm thu hút du khách trong vòng một năm trở lại đây.
Chia sẻ với Zing về lượng khách tại Măng Đen, Nguyễn Thúy Trinh, chủ cơ sở lưu trú Ở Nhà homestay, cho biết du khách ghé thăm Măng Đen ngày một tăng, nhưng không ồ ạt như những nơi khác. Số lượng du khách thuê homestay có dấu hiệu tích cực.
“Homestay của tôi khá ổn về lượng khách, chủ yếu khách thuê phòng dorm để ở tập thể. Du khách đến đây kết nối với nhau và cùng sinh hoạt”, Thúy Trinh kể.
Cũng chung quan điểm với Thúy Trinh, Hoàng Tấn Long, hành nghề dịch vụ taxi tour tại Măng Đen, cho biết 3 tháng đầu năm du khách có nhu cầu tham quan các địa điểm thiên nhiên núi rừng ở Măng Đen tăng cao.
“Trước đây tôi chủ yếu đưa du khách tham quan ở Buôn Ma Thuột, nhưng năm nay du khách đặt vấn đề về Măng Đen rất nhiều. Họ yêu cầu tham quan cả Măng Đen và Buôn Ma Thuột”, Long nói với Zing.
Người trẻ chọn Măng Đen đa phần mang trong mình tình yêu mãnh liệt với cây cỏ. Họ đam mê hít thở sự tinh khiết của sương mai, lọt thỏm giữa cao nguyên để cảm nhận sự hùng vĩ của núi rừng, và đặc biệt là không thích sự xô bồ của thành thị.
Đà Lạt cũng từng mang lại cho du khách những trải nghiệm như vậy, nên có không ít người gọi Măng Đen là “Đà Lạt thứ 2”. Tuy nhiên, nhiều người dân ở Măng Đen cho rằng nơi đây hoàn toàn khác so với Đà Lạt.
“Người dân ở đây họ không thích gọi là ‘Đà Lạt thứ 2’ đâu, nhưng vì kiểu thời tiết giống với Đà Lạt nhiều năm trước, nên người ta ví von như vậy để du khách dễ mường tượng về Măng Đen”, Thúy Trinh bộc bạch.
Thủy Bùi, một trong những cổ đông của công ty du lịch Măng Đen Discovery, cũng có chia sẻ tương tự. Người này phân tích 2 nguyên nhân Măng Đen sẽ không là “Đà Lạt thứ 2”:
Cây xanh và hàng thông đang được chính quyền và người dân ở đây bảo vệ rất khắt khe. Thông ở Măng Đen được đánh dấu và kiểm tra thường xuyên.
Thứ hai, Măng Đen quy hoạch theo từng cụm, khu biệt thự, khu dân cư và khu công nghệ cao, người dân nơi khác đến đây khai thác đất làm du lịch phải thông qua sự kiểm duyệt từ chính quyền. Đây là một trong những điều kiện giúp Măng Đen hạn chế việc thay đổi cảnh quan, tránh nạn xâm chiếm đất rừng làm của riêng.
Thúy Trinh chia sẻ thêm bên cạnh yếu tố thiên nhiên, con người cũng là một nguyên do khác khiến Măng Đen thu hút du khách. Đồng bào các dân tộc tại thị trấn Măng Đen mộc mạc, hòa đồng. Du khách đến ngày càng nhiều một phần vì sự chu đáo của người làm du lịch.
Tường Vi
https://zingnews.vn/nguoi-tre-tim-ve-mang-den-vi-da-lat-dong-duc-post1416752.html