Người đẽo tượng bên cầu treo Kon Klor

634

Sinh ra và lớn lên ở TP. Kon Tum, Đỗ Ngọc Bảo (SN 1976) con một gia đình nông dân nghèo quanh năm sống bằng nghề làm vườn, lại được “trời phú” cho đôi bàn tay khéo léo đưa anh đến con đường nghệ thuật. Bỏ học từ năm lớp Tám vì nhà nghèo, Bảo đã cùng gia đình nặng gánh mưu sinh bên con sông Đăk Bla thơ mộng. Và cũng chính tại nơi này, Bảo đã hội ngộ được nghệ thuật điêu khắc Tây Nguyên bằng tính kiên trì và tâm hồn lãng mạn của người nghệ sỹ đã gửi hết lòng mình trên con đường sáng tạo…

1.4.4.2014 Đỗ Ngọc Bảo với các công trình nghệ thuật của mình tại Khách sạn Kon Klor (TP. Kon Tum).

 

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ lụp xụp, tồi tàn bên bờ sông Đăk Bla, cách chân cầu treo Kon Klor không xa mấy. Trong con hẻm heo hút, cây cối rậm rạp, ngôi nhà của Bảo như lọt thỏm giữa quạnh quẽ, cô độc. Thấy tôi đến, vợ Bảo- một phụ nữ gầy gò, bế đứa con trai chừng hai tuổi, mặt mày lem luốt vì bụi đất ra cửa đon đả mời tôi vào nhà. Bảo đi vắng, trong khi chờ chị gọi Bảo về, tôi quan sát căn nhà Bảo. Ngoài bộ “sa lon” rách te tua thiếu ghế và chiếc bàn “độ” bằng miếng đá cũ kỹ, một chiếc tủ bằng tre sập xệ sát góc nhà, chiếc ti vi xỉn màu vì thời gian, tuyệt nhiên không còn một thứ nào có giá trị khác hiển diện trong ngôi nhà này.

 

Khoảng 10 phút sau, tiếng nổ chiếc xe Win như máy xay gạo đỗ xịch trong sân. Một người đàn ông chừng 38 tuổi bước vào với khuôn mặt hồ hởi. Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Bảo, có lẽ Bảo là một người dễ gần và hiền lành…

 

Học hết lớp Tám, Đỗ Ngọc Bảo buộc phải nghỉ học vì nhà quá nghèo. Bảo theo cha mẹ và các anh, chị làm vườn, ra sông kiếm cá. Thế rồi Bảo tìm đến con đường nghệ thuật như một cơ duyên được thiên phú. Năm 22 tuổi, trong một lần “lang thang” ngoài bờ sông Đăk Bla, anh nhặt được hai khúc gỗ bị con nước dạt vào. Bảo đem về nhà và tự mày mò, chỉ bằng con rựa cùn và cây sắt sáu đập dẹp, Bảo đã gọt đẽo thành hai bức tượng con nai, cao lớn đến nỗi đứa trẻ có thể ngồi lên cỡi được. Hai bức tượng con nai đó Bảo đem bán  được 60 ngàn đồng. Thời bấy giờ, 60 ngàn đồng cũng có giá trị lắm, Bảo không biết tiêu gì nên đưa tiền cho mẹ chạy chợ. Tôi hỏi: “Bảo đi học ở đâu mà biết đẽo tượng?” Bảo cười hiền lành và đáp: “Em chẳng được học ở đâu cả, lúc đó trong đầu có ý tưởng để phác họa ra con nai, em bèn gọt đẽo theo ý tưởng đó và thành tượng con nai.”

 

Thấy tượng nai bán được tiền, Bảo tiếp tục ra sông tìm kiếm những khúc gỗ mục trôi dạt về, bỏ phần ngoài lấy phần lõi bên trong. Phàm những khúc gỗ này tuy bên ngoài bị mục nhưng toàn gỗ quý nên lõi bên trong cứng và chắc lắm. Trong vòng một tháng, Bảo tiếp tục đẽo được 7 bức tượng về cuộc sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên như bức tượng “ngồi buồn”, “mẹ cõng con”, “người chống đò”, bức nào cũng cao khoảng 80cm. Những bức tượng này Bảo đem bán được 300 ngàn đồng, tiền phụ cho mẹ trang trải gia đình…

 

Không biết ai đồn thổi, mà “tiếng tăm” của Bảo về năng khiếu tạc tượng cũng được gió lành đưa xa. Có nhiều người mê nghệ thuật và mua bán tượng đến đặt hàng anh, trong đó có một tay lái buôn người Thái gốc Việt đến đặt hàng anh mỗi lần vài chục tượng. Vì số lượng hàng đặt nhiều nên Bảo phải đi vào các làng người dân tộc tìm mua những khúc gỗ có hình thù khác nhau, mà muốn tượng đẹp thì phải chọn những khúc gỗ mục trôi sông hoặc những gốc cây đã bị chết lâu năm trong rừng…Số tiền bán tượng Bảo cũng không giữ riêng cho mình mà đưa hết cho mẹ để lo bữa ăn trong gia đình.

 

1.4.5.2014

 

Năm 2009, con đường sáng tạo của Bảo lên tới đỉnh cao khi lái thương đến đặt hàng nhiều và cũng là thời điểm cơn lũ số 9 đem rất nhiều khúc gỗ mục với nhiều hình thù khác nhau đổ về sông Đăk Bla. Bảo tha hồ tìm lấy hoặc mua lại của những người dân đi vớt để tạc tượng. Đỗ Ngọc Bảo nhẩm tính, chỉ trong năm 2009, anh đã tạc được 45 bức tượng lớn, nhỏ khác nhau như “đi côn” (vác cuốc, rựa đi rẫy), “săn bắt”, “gùi củi”, “giã gạo”, “tắm rửa cho con”, “lễ hội”, “uống rượu cần”, “mừng nhà rông”…bức tượng cao nhất cũng khoảng 1,5m, thấp nhất cũng 80cm. Anh Bảo cho biết, 45 bức tượng này anh cũng bán cho tay buôn tượng tên là Ba với giá 16 triệu đồng. Cũng từ đó đến nay, “tiếng lành đồn xa”, tài năng của Bảo trên con đường đam mê nghệ thuật và tạc tượng Tây Nguyên đã được đền đáp. Tại TP. Kon Tum, một số người đã thuê Bảo làm công tạc tượng ăn theo sản phẩm như ông Mạnh ở đường Nguyễn Huệ, ông Giáp (quán cà phê Adam và Eva), cứ một bức tượng cao khoảng 80cm trở lại thì Bảo được trả 250 ngàn đồng/tượng.

 

Bảo tâm sự: “Do không có vốn để mở cơ sở nên em mới đi làm công cho người ta, có ngày làm được 3 tượng, làm tiên tục theo nhu cầu của chủ thuê nên có hôm tay bị đau, tối về phải bó gừng.” Đỗ Ngọc Bảo còn cho biết thêm: Ngoài việc tạc tượng, Bảo còn có năng khiếu tạo dựng nhà rông theo mô hình, làm nhà sàn…nói chung là các hình ảnh phản ánh đời sống, lao động sản xuất, nét văn hóa của người DTTS Tây Nguyên. Mới đây, vào năm 2013, một số khách sạn như Khách sạn Kon Klor, thuê Bảo trang trí cảnh vật bên ngoài khuôn viên. Trong vòng một tháng trời ròng rã, Bảo đã sáng tác 43 bức tượng cho khách sạn này gồm “mừng nhà rông”, “uống rượu cần”, “giã gạo”, “múa xoang”…và các lồng đèn trang trí, với giá tiền 40 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn làm các giỏ đựng rác, bàn điện thoại…bằng chất liệu tre rừng nhưng đẹp và chắc chắn không khác gì các đồ mỹ thuật khác.

 

 Bảo tâm sự: “ Mình không có vốn, ai thuê gì làm nấy. Khi đã làm thì mình đem hết khả năng để sáng tạo, vì nó là đứa con tinh thần của mình, vì mình lấy việc đam mê nghệ thuật là chính.”

 

 Suốt 16 năm trời theo đuổi đam mê sáng tạo nghệ thuật văn hóa Tây Nguyên, từ năm 22 tuổi đến nay 38 tuổi, Đỗ Ngọc Bảo đã sáng tạo gần 1.000 bức tượng lớn, nhỏ phản ánh những nét văn hóa của người Tây Nguyên, nhưng trong ngôi nhà nhoe bên bờ sông, chủ nhân vẫn không giữ nổi cho mình một bức tượng đẹp để làm kỷ vật. Bởi vì, tượng anh tạc ra đều được bán hết, có chăng còn lại là những bức chủ hàng chê nên anh mới giữ lại để làm kỷ niệm….

 

16 năm trời tạc tượng, gia sản của anh chỉ là ngôi nhà nhỏ tồi tàn, 3 dứa con nhỏ dại (đứa lớn nhất mới 8 tuổi) và đau ốm triền miên. Bảo bùi ngùi: “ Em làm cũng có tiền lắm, nhưng tiền vào cửa trước rồi lại đi ngõ sau. Con cái đau ốm triền miên, đứa thứ hai mới đi phẫu thuật trong TP. Hồ Chí Minh vừa xong. Với lại, cha mẹ cũng già rồi, cũng đau yếu luôn, mình phải có trách nhiệm lo cho cha mẹ nữa…”

 

Vừa theo đuổi nghệ thuật, Bảo vừa tìm cho mình một “truyền nhân”, anh đã đem hiểu biết và đam mê của mình dạy cho các em nhỏ ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi), nhưng theo anh thì chẳng có ai đam mê và theo đuổi nghề của anh cả. Bảo cho biết: “ Mặc dù các tác phẩm của em không phải là tượng nhà mồ Tây Nguyên, nhưng các tác phẩm của em cũng ít nhiều mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên. Nguyện vọng lớn nhất của em là truyền nghề lại cho thế hệ mai sau nhưng không có ai đam mê cả. Em hy vọng mai này những đứa con của em theo và giữ được nghề của bố nó…”

 

Mặc dù chưa có bất cứ một cơ quan chuyên môn nào đánh giá về tính nghệ thuật các bức tượng của Đỗ Ngọc Bảo, nhưng những gì mà thành quả lao động của Bảo trong suốt 16 năm qua với gần 1.000 bức tượng gỗ về Tây Nguyên, là một sáng tạo nghệ thuật đáng kể. Tài năng và sự đam mê con đường nghệ thuật – con đường văn hóa dân gian Tây Nguyên và những khát vọng vươn tới đỉnh cao trên con đường sáng tạo của anh là sự thật. Mong rằng những khát khao của Bảo như những cánh chim đại bàng vươn tới những khoảng trời bao la của đại ngàn hùng vĩ…

 

Bài và ảnh: Dương Đức Nhuận

Đi đến nguồn bài viết