Nhà rông là kiến trúc văn hóa đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên. Nhà Rông là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của buôn làng như: lễ mừng lúa mới, hội làng, cưới hỏi, họp hành. Nhà Rông của mỗi dân tộc có kiến trúc riêng, nhưng dẫu kiến trúc có như thế nào thì nhà Rông vẫn là ngôi nhà đẹp nhất, to nhất và có vị trí đẹp nhất làng.
Nhà Rông chỉ có ở những buôn làng Bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Mỗi buôn, làng dựng một ngôi nhà sàn lớn được trang trí đẹp ở giữa buôn làng gọi là nhà Rông. Nhà Rông là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng: lễ tết, hội làng, đám cưới, lễ cầu nguyện và là nơi hội họp của cả buôn làng già, trẻ, trai, gái… Nhà rông của mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn. Nhìn chung nhà Rông vẫn là ngôi nhà to nhất, thường gấp ba, gấp bốn nhà thường, có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cột cây to, thường là tám cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc; mái nhọn lợp bằng lá gianh, phơi kỹ cho đến khi vàng óng.
Trên những vì kèo được trang trí những hoa văn có màu sắc rực rỡ mang tính tôn giáo thờ phụng, những sự tích huyền thoại của dũng sĩ thuở xưa, những thú vật được cách điệu, những vật, những cảnh sinh hoạt gần gũi với cuộc sống buôn làng. Nổi bật trong trang trí nhà Rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng. Nhà Rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.
Chùa Bác Ái
Tọa lạc tại góc đường Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Gia Thiều, thành phố Kontum, chùa Bác Ái xây dựng năm 1932, được vua Bảo Đại sắc phong “Sắc tứ Bác Ái tự”. Đến với chùa Bác Ái Du khách không những tham quan cảnh đẹp, mà còn khám phá nhiều điều thú vị về đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Nhà Mồ Tây Nguyên
Theo quan niệm của người Bana thì tượng nhà mồ là để đưa tiễn người sang thếgiới bên kia. Khi chết đi, con người vẫn tiếp tục cuộc sống ở một thế giới khác. Họ có kiếp sống của sinh thành, giao hoan, có giải trí và cả súc vật mang theo. Tượng nhà mồ hiện lên sống động, thể hiện một nền nghệ thuật cổ. Có thể xếp vào 3 nhóm tượng: thếgiới con người; những con vật gần gũi với con người như voi, chó, trâu, bò… và những sinh hoạt cộng đồng như thể thao, săn bắn. Lệ phá chòi, dựng nhà được làm vào mùa xuân (mùa khô) và được coi như một lễ hội (lễ Bỏ Mả). Mọi người tập trung ngoài nghĩa địa cùng với rượu, thịt và các đồ cúng lễ với ý nghĩa cùng hưởng thụ với người đã khuất.
Tổng hợp