Hai chúng tôi, một người từ Đà Nẵng, một từ Sài Gòn, hẹn gặp nhau ở Đắk Mil (Đắk Nông) rồi cùng chạy xe khám phá góc nhỏ của Tây Nguyên.
Một thoáng Tây Nguyên lắng đọng trong những chuyến đi
So với các địa danh khác trên bản đồ du lịch Việt Nam, Tây Nguyên đại ngàn (ngoại trừ Đà Lạt) là vùng đất hay bị lãng quên bởi lữ khách. Nơi này bao gồm năm tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, với những cánh rừng nguyên sinh và những nông trường chè, cacao, cà phê trứ danh. Cùng với đó là những nụ cười rạng ngời và tấm lòng hiếu khách của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở đây.
Chúng tôi không hy vọng đi hết Tây Nguyên trong khoảng thời gian vài ngày. Cả hai chạy xe chỉ để ngắm nhìn sự bao la rộng lớn của núi rừng, đi qua những buôn làng và những con đường không có tên trên bản đồ.
Tôi xuất phát từ Sài Gòn, ra Phan Thiết rồi theo hướng Quốc lộ 28 lên Di Linh, tới Gia Nghĩa rồi đến điểm hẹn Đắk Mil. Trời đổ mưa trộn với đất đỏ làm cho con đường trở nên gian khó hơn nhiều nhưng cảm giác cuối ngày khi chinh phục được nơi này thì không có gì sánh bằng.
Sau một đêm nghỉ ngơi ở Đắk Mil, sáng hôm sau thưởng thức cà phê bên hồ Tây, chúng tôi bàn thảo có nên đi con đường 14C như đã định hay không vì trời lúc này khá âm u và nhiều khả năng đổ mưa.
Đây chính là con đường chúng tôi muốn chinh phục nhất trong hành trình lần này không chỉ vì độ khó của nó mà thêm nữa là rất ít thông tin về nơi đây. Và khi trời đổ mưa thì, đường gần như không thể đi vì bùn lầy, đất đỏ. Nhưng sự quyết tâm của cả hai không lay chuyển, tự nói với nhau rằng “Thôi đi được đoạn nào hay đoạn đó, không đi được nữa thì quay trở về điểm ban đầu”. Xuất phát với tinh thần như vậy, cả hai vừa đi, và tâm niệm may mắn và thầm cầu nguyện mong trời đừng đổ mưa.
Với suy nghĩ như thế, chúng tôi chậm rãi đi vào quốc lộ 14C, không biết trước những khó khăn mà nó mang lại cho mình.
Tiến vào địa phận Đắk Lắk. Quốc lộ 14C nối Đắk Nông và Đắk Lắk. Con đường đất đỏ rất ma mị với rừng hai bên nhưng làm hao tổn sức lực ghê gớm.
Sau gần 150 km với đất đỏ và những đoạn đường tưởng chừng như không thể vượt qua, chúng tôi rẽ về quốc lộ 19 hướng về Pleiku trong ánh hoàng hôn tuyệt đẹp của Tây Nguyên. Một lưu ý là vì đây là con đường nằm trong khu vực biên giới nên có những đồn biên phòng dọc theo. Do đó khi đi chúng ta cần mang giấy tờ tùy thân đầy đủ (chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu) để khai báo với đồn biên phòng.
Pleiku nổi tiếng với nhiều điểm tham quan nhưng vì hạn hẹp thời gian nên chúng tôi ghé Biển Hồ và núi lửa Chư Đăng Ya. Trời nắng nhẹ với những đám mây ở phía trên cùng với mặt nước phẳng lặng như gương làm cho hồ trở nên vô cùng quyến rũ.
Sau Biển Hồ, chạy thêm 30 km nữa, chúng tôi ghé núi lửa Chư Đăng Ya. Đây là ngọn núi lửa đã tắt. Xung quanh núi là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, kết quả của phun trào nham thạch.
Sau đó, tôi và bạn đồng hành chạy ngược lên Kon Tum để đi Măng Đen nhưng cơn mưa lớn buộc hai đứa phải quay về thị xã An Khê. Sáng hôm sau, chúng tôi chạy lên đèo An Khê, nối Gia Lai và Bình Định.
Từ đó, chúng tôi xuyên về Ayun Pa, dự tính đi Đà Lạt nhưng những cơn mưa nặng buộc chúng tôi phải thay đổi lộ trình, hướng ra Quốc lộ 1A về nhà để kịp thời gian làm việc, kết thúc sớm hành trình Tây Nguyên. Gần 1.500 km là quãng đường không dài nhưng đã cho chúng tôi những ấn tượng khó phai về vùng đất của sử thi, đại ngàn và những nụ cười trẻ thơ ở các buôn làng đi qua.
Không đi hết những điểm ban đầu trong kế hoạch nhưng cũng chính vì thế chúng tôi cùng hẹn nhau sẽ quay lại vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ này trong một ngày không xa.
Theo Lê Quốc Khánh/Zing news