Men rừng – Thông tin du lịch

639

 

Trong chuyến công tác về xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, tôi được ông A Khiết – Chủ tịch HĐND xã Đăk Rơ Nga giới thiệu: Đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng ở phía bắc Tây Nguyên đang gìn giữ một bí quyết độc đáo, không cần lên men, ủ nguyên liệu, chỉ vài tiếng đồng hồ là người dân có thể kiếm được vài chục lít rượu. Loại rượu này nhâm nhi với thịt rừng khô, nấm mối nướng ống lồ ô thì “quên cả lối về”.

 

31.5.203152011 16131

Già A Hvoi là người có kinh nghiệm bậc nhất của làng Đăk Dé, xã Đăk Rơ Nga biết lấy nước từ thân cây long krê và vỏ cây t’ve từ trong rừng sâu làm rượu, dẫn đầu cả đoàn gồm 8 người lên núi. Già A Hvoi chỉ mang theo con dao đi rừng, chiếc gùi chứa một ít vỏ cây t’ve. Đoạn đường từ trụ sở UBND xã Đăk Rơ Nga đến dãy núi Ngok Tăng khoảng 5km, đường gập ghềnh, khúc khuỷu.

Vượt qua vách núi dựng đứng, tay quẹt mồ hôi đang nhễ nhại trên khuôn mặt, bà Y Ngheo trú tại làng Đăk Dé, xã Đăk Rơ Nga – cho biết: “Hàng chục năm qua, đây là lần thứ 2 trong cuộc đời của mình, già được leo lên đỉnh Ngok Tăng. Mệt, nhưng vui lắm”. Tôi hỏi: “Thế già có leo lên cây lấy rượu không?”. “Lấy rượu chỉ có đàn ông, thanh niên thôi. Mình là phụ nữ, đàn bà mà lấy rượu là Giàng phạt, không cho cây ra nước nữa” – bà Y Ngheo giải thích. Hành trình của đoàn tiếp tục vượt qua quãng đường dài gần 1km ken kín bởi lau, lách, lồ ô, nứa…

 

Ông A Dăm đột ngột dừng lại, dùng chiếc xà gạt (dao đi rừng-NV) ngắm nghía chọn 2 cây lồ ô, thân xanh, ống to, chặt làm 4 đoạn, mỗi đoạn 2 mắt lồ ô. Sau đó, A Dăm dùng thân cây gỗ đục xuyên qua mắt ở giữa. Thấy lạ, người cùng đi trong đoàn thắc mắc: “Già lấy thân lồ ô làm gì?”. “Ồ, chút nữa có thứ mà mình đựng rượu chứ, rượu chứa trong ống lồ ô còn tươi thì giữ được mùi thơm, giữ được hương vị lâu. Rượu rừng chứa trong can nhựa không ngon đâu”.   

 

31.5.213152011 16217

Chuẩn bị ly uống rượu.

 

Quy trình lấy rượu

 

Trước mắt chúng tôi khoảng 7 cây long krê, tất cả các cây này đều có thể chiết lấy rượu. Cây long krê hình dáng giống như họ dừa, mọc cheo leo bên vách núi đá dựng đứng. Muốn có được loại rượu t’ve nguyên chất, đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, xã Đăk Rơ Nga trải qua một quá trình tìm tòi, thử nghiệm khá công phu.

 

Cây long krê khoảng 10 năm thì trưởng thành, bắt đầu trổ buồng, kết trái. Người dân dùng những thân cây lồ ô bắc thang leo lên phần ngọn của thân cây long krê. Ban đầu, người dân lựa chọn buồng cây long krê cho nước vì không phải buồng nào cũng có nước, cắt hai phần ba buồng lấy chiếc máng làm từ bẹ cây nứa hứng từng giọt, từng giọt nước rỉ ra từ thân cây cho chảy vào ống lồ ô buộc dọc theo thân cây. Để bảo quản rượu ngon, cứ khoảng 1 tháng người dân thay ống lồ ô chứa rượu. Nước rỉ ra từ thân cây long krê uống mát lạnh, vị ngọt.

 

Vượt qua một đoạn đường đèo dốc, uống khoảng 2 cốc nước long krê (cốc làm bằng nứa-NV) hoà quyện với không gian mát lạnh của núi rừng Tây Nguyên, sẽ cảm thấy sảng khoái, khoẻ khoắn. Nước được chiết xuất từ thân cây long krê vốn dĩ đã đậm đà, song bỏ vỏ cây t’ve vào lên men thì hương vị càng đậm đà, ngây ngất. Muốn có được loại vỏ cây t’ve, người dân phải vào mãi tận rừng sâu của dãy Ngọc Linh tìm kiếm, bóc toàn bộ vỏ, sấy khô trên bếp lửa nhà sàn.

 

31.5.223152011 16310

Chắt chiu từng giọt rượu.

 

Chị Y Nghi – người dân tộc Xê Đăng trú tại thôn Đăk Man, xã Đăk Rơ Nga, được người dân trong làng tôn vinh là “kiện tướng nông dân” bởi tài sản trong tay có gần chục hécta caosu, mấy hécta càphê… tự hào khoe: “Minh từng uống nhiều loại bia nhưng rượu t’ve thơm hơn, ngon hơn. Chỉ cần uống vài cốc rượu t’ve là có thể xoang bên bếp lửa đến sáng”.     

 

Lộc của Giàng

 

Ở Tây Nguyên, có lẽ xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum là địa phương duy nhất có loại cây long krê và người dân tộc thiểu số Xê Đăng nơi này biết làm rượu t’ve. Trước cơn bão số 9, cả xã Đăk Rơ Nga chỉ có 2 làng là Đăk Man và Đăk Dé, khoảng trên 10 hộ gia đình có hàng chục cây long krê.

 

Bước vào mùa lấy rượu t’ve, từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, người dân tổ chức cúng Giàng, lễ vật gồm rượu, gà, khấn cầu ông trời phù hộ cho dân làng mạnh khoẻ, lúa rẫy tốt tươi. Đến lưỡi dao dùng để lấy rượu phải chính người dân trong làng rèn, luyện thép, không được sử dụng vào bất cứ việc gì, nếu không sẽ bị Giàng phạt, cây long krê không tiết nước nữa. Rượu t’ve là sản vật của Giàng ban tặng nên đồng bào nâng niu, rót từng giọt đãi khách quý. Ông A Khiết cho biết: “Tại lễ hội ẩm thực toàn tỉnh được tổ chức đầu năm 2009, rượu t’ve cùng với món lá rừng nướng ống nứa đoạt giải ba”.

 

MINH TOÀN

Theo laodong.com.vn

Đi đến nguồn bài viết