Kon Tum: Tiềm năng và cơ hội đầu tư

573

Điều kiện tự nhiên:

Nằm ở vị trí quan trọng trong Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, có Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, các quốc lộ 40, 24, 14 đi qua tỉnh nối khu kinh tế của khẩu này với thành phố Kon Tum và khu kinh tế Dung Quất cùng với cảng ở miền Trung và với các tỉnh khác. Vị trí này tạo điều kiện để tỉnh Kon Tum trở thành khu vực khởi đầu hội nhập, một địa điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế và thương mại quốc tế nối từ Mianma – Đông Bắc Thái Lan – Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Đây là một trong các tuyến hành lang kinh tế và thương mại Đông – Tây ngắn nhất thông qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

 

Kon Tum còn là nơi đầu tư nguồn sinh thủy của các hệ thống sông lớn chảy xuống vùng Duyên hải miền Trung, nơi có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng nhất của thủy điện Yaly – thuộc lưu vực sông Mê Kông. Vì vây, Kon Tum còn có vị trí rất quan trọng về bảo vệ môi trường sinh thái, không những của Kon Tum mà cả vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Hạ Lào và Campuchia.

 

Nguồn tài nguyên, tiềm năng và lợi thế cho hoạt động xúc tiến đầu tư:

 

Tài nguyên đất: Tổng diện tích tự nhiên gần 9.700 km­­­­­­­2. Trong đó: đất nông nghiệp 856.646,23 ha, đất phi nông nghiệp 42.754,53 ha, đất chưa sử dụng 69.559,88 ha. Đất đai của tỉnh Kon Tum rất thuận lợi cho hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng hóa, nhất là cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến như cao su, cà phê, bột giấy…; phát triển chăn nuôi đại gia súc và mô hình trang trại nông lâm kết hợp.

 

21.12.12 Thác Pa Sỹ (Kon Plông)

 

Tài nguyên rừng: Kon Tum là một trong 5 tỉnh có diện tích rừng lớn của cả nước, độ che phủ rừng (không tính cây công nghiệp lâu năm) trên 66,6%, với tổng trữ lượng khoảng 54 triệu m2 gỗ các loại. Rừng là thế mạnh của Kon Tum và có nhiều loại gỗ quí hiếm và dược liệu quí…Rừng Kon Tum có khoảng hơn 300 loại thực vật thuộc nhiều thể loại khác nhau như: trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, gụ, bạch trùng, thông hai lá, dẻ, pơmu, đỗ quyên…Đặc biệt vùng núi Ngọc Linh có những loại dược liệu quí như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, hà thủ ô, quế…với trên 100 loại thú, 350 loài chim, trong đó có nhiều động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy có diện tích trên 56.000 ha, với hơn 50.000 hệ động vật phong phú… lợi thế cho việc đầu tư về lĩnh vực du lịch sinh thái.

 

Tài nguyên nước: Kon Tum có hệ thống sông Sê San là một nhánh của sông Mê Kông chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Tổng tiềm năng thủy điện trên sông Sê San 2.500 MW. Trên hệ thông sông Sê San đã hoàn thành, đưa vào phát điện các công trình thủy điện: Yaly (720 MW); Sê San 3 (260MW); Sê San 3A (100MW), Plei Krông (110 MW). Một số công trình thủy điện khác như Sê San 4 (330MW); Thượng Kon Tum (220MW). Ngoài ra, Kon Tum còn có tiềm năng rất lớn về thủy điện vừa và nhỏ, có khả năng xây dựng 120 công trình, trong đó 49 công trình có công suất từ  01 MW đến 70 MW.

 

21.12.11

Nuôi cá Tầm ở Kon Plông

 

Kon Tum có các hồ thủy điện và hồ thủy lợi với diện tích hồ Yaly do Kon Tum quản lý khoảng 4.450 ha, Plei Krông 11.080ha và các hồ thủy điện khác như như: Đăk Bla 9.750 ha, Đăk Ne 510 ha và các hồ thủy lợi như Đăk Hniêng, Đăk Uy. Đây cũng là các hồ giữ nước trong mùa khô cho tưới tiêu phục vụ sản xuất, vừa triển khai nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát triển các dịch vụ du lịch, đặc biệt các ao, hồ ở huyện Kon Plông với độ cao tuyệt đối 1.100 mét rất thích hợp cho việc kinh doanh phát triển cá nước lạnh như cá Hồi, cá Tầm… Ngoài ra, Kon Tum còn có suối nước nóng trên 550c như suối Ram Phia, suối Kon Nit…là những suối chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả.

 

Nguồn nước ngầm tỉnh Kon Tum được phân bố ở độ sâu khoảng 10-25m, lưu lượng khoảng 1-3 lít/s, chất lượng nước tốt. Các nguồn nước này phù hợp với như cầu sử dụng nước đơn lẻ.

 

Tài nguyên khoáng sản: Khá đa dạng, phong phú là tiền đề cho phát triển công nghiệp khai khoáng. Theo kết quả điều tra, tỉnh Kon Tum có 214 mỏ và điểm quặng và khoáng hóa, có 40 loại với các loại hình nguồn gốc khác nhau từ khoáng sản nguyên liệu hóa, gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ (đất sét, cát xây dựng, đá ốp lát, cao lanh, Fenspat, Fenzeit, đôlomit, silimmit, diatomít…) đến khoáng sản đá quý hiếm như vàng, bạc, đá quý và bán quý (rubi, saphia, ô pan, granat, tectic)…khoáng loại luyện kim (wolfram, molipden sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm…), xạ hiếm (Uran, thori, đất hiếm).

 

21.12.13 Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

 

Tài nguyên du lịch: Kon Tum có tiềm năng du lịch đa dạng và cảnh quan thiên nhiên (68 điểm du lịch về văn hóa – di tích lịch sử, 10 điểm về du lịch lịch sử cách mạng, 21 điểm du lịch về sinh thái nghỉ dưỡng) hấp dẫn kết hợp với các lễ hội dân tộc, lịch sử, sinh thái nghỉ dưỡng mang tính đặc thù của Tây Nguyên như: Các di tích lịch sử đã được xếp hàng quốc gia: Ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei; những địa danh nổi tiếng như đồi Charlie, Đăk Tô -Tân Cảnh, đường mòn Hồ Chí Minh…; những công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc  cổ như Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, chùa Bác Ái…nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp với sông, hồ, thác, núi hùng vĩ còn đậm vẻ hoang sơ; các khu bảo tồn thiên nhiên đầy giá trị như Vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng đặc dụng Đăk Uy; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Sa Thầy)…

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm qua của tỉnh Kon Tum liên tục đạt mức tăng trưởng khá cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng và thương mại – dịch vụ. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng và đạt mục tiêu đề ra. Một số khu, cụm công nghiệp bước đầu hình thành và đã đi vào hoạt động. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư xây dựng. Thành phố tiếp tục được chỉnh trang, nâng cấp. Văn hóa-xã hội có bước tiến bộ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao./.

Bài, ảnh: A Khăm

Đi đến nguồn bài viết