Kon K’tu – Bình yên bên dòng Đăk Bla

638

Cách trung tâm thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum hơn 10 km về hướng Đông, phía thượng nguồn sông Đăk Bla, làng Kon K’tu của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na đẹp như một bức tranh với hài hòa sông nước, núi đồi. Bất cứ ai đến Kon K’tu cũng đều ấn tượng về sự mến khách của người dân trong làng, đặc biệt là sự thanh bình ở đây. Để duy trì sự thanh bình ấy, người dân Kon K’tu đã phát huy tốt vai trò của mỗi cá nhân trong việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự cộng đồng. Đây chính là yếu tố quan trọng để Kon K’tu là điểm sáng giữ gìn an ninh trật tự của xã Đăk Rơ Wa, của thành phố Kon Tum nhiều năm qua.

 

20.12.13 Nhà rông của làng văn hóa Kon K’tu

 

Từ nhiều năm qua, cứ vào mỗi sáng sớm ngày thứ hai đầu tuần, người dân Kon K’tu lại tập trung trước Nhà rông thực hiện nghi thức chào cờ tổ quốc.

 

Sau lễ chào cờ, thôn trưởng phổ biến nhanh tới bà con tình hình lao động sản xuất trong tuần và những thông báo mới của chính quyền xã.

 

Một nội dung không thể thiếu trong các buổi chào cờ đầu tuần là tình hình trật tự an ninh của làng. Tại đây, những việc tốt của từng cá nhân được già làng, thôn trưởng biểu dương. Gia đình nào để xảy ra chuyện vợ chồng cãi vã, rượu chè say xỉn được nhắc nhở. Nhờ thường xuyên duy trì hình thức này, làng Kon K’tu đã xây dựng được ý thức tự giác của mỗi thành viên  trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự nông thôn. Ông A Đưng, Bí thư chi bộ làng Kon K’tu cho biết: “Buổi chào cờ vào sáng thứ hai, thôn phó và tổ an ninh nhân dân thôn đều tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền đến bà con nhân dân về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn của thôn. Từ đó bà con nhân dân nhận thức được và tham gia với tổ an ninh để mà bảo vệ tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn của thôn”.

 

Để bảo vệ tài sản của người dân trong làng, duy trì trật tự an ninh thôn xóm, làng Kon K’tu thành lập 4 tổ an ninh, mỗi tổ từ 10 đến 12 người. Những tổ an ninh này có nhiệm vụ luân phiên canh gác, tuần tra trong đêm, làm nhiệm vụ duy trì trật tự mỗi khi làng có khách du lịch tới thăm và khi làng tổ chức hội họp hay lễ hội.

 

Ông A Dơl, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Đăk Rơ Wa, một thành viên làng Kon K’tu cho biết: Phát huy truyền thống người lính cụ Hồ, 8 hội viên cựu chiến binh của làng là những gia đình tham gia tích cực nhất trong việc giữ gìn an ninh thôn xóm. Cùng với việc chỉ đạo con cháu tham gia các tổ an ninh của làng, bản thân các cựu chiến binh tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân làng không nghe, không tin lời kẻ xấu. Dân làng ai cũng hiểu tin lành Đề Ga hay tà đạo Hà Mòn đều là phản động, đều là thâm độc muốn lừa mị, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Ông A Dơl, chia sẻ: “Tuyên truyền vận động bà con thường xuyên bảo vệ làng, bảo vệ dân. Đảm bảo không để kẻ xấu xúi dục, lôi kéo, không ai theo tà đạo Hà Mòn. Con em cựu chiến binh phải là đầu tàu gương mẫu cho thanh niên”.

 

Phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình người Ba Na, chị em làng Kon K’tu rất chú trọng đến việc dạy bảo con cái tự giác chấp hành hương ước của làng, pháp luật của Nhà nước thông qua những việc làm cụ thể, như đi xe máy ra đường phải đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu, không tụ tập đàn đúm hay có những hành vi khiếm nhã với người lạ. Chị Y Thúy, một người dân trong làng cho biết:“Chị em phụ nữ thôn KonK’tu nuôi dạy con trong gia đình tốt và bảo chồng con không uống rượu chè say sưa. Khi có người lạ thì kịp thời báo cho công an viên, hoặc là chính quyền ở xã. An ninh trật tự ở thôn Kon K’tu rất tốt”.

 

Nhờ kết hợp các biện pháp giáo dục, thuyết phục, sử dụng dư luận cộng đồng để thay đổi hành vi, một số cá nhân trong làng Kon K’tu trước đây thường rượu chè say xỉn, không làm chủ được hành vi của mình giờ thay đổi rõ rệt, điển hình như A Kan, A Bối.

 

Sau nhiều năm duy trì các tổ, nhóm tự quản, an ninh thôn và xây dựng được ý thức tự giác của mỗi thành viên cộng đồng làng trong việc duy trì trật tự thôn xóm. Giờ đây, người dân làng Kon K’tu mỗi khi lên nương, đi rẫy không cần phải khóa cửa nhà. Xe máy và các vật dụng có giá trị ban đêm không cất cũng không lo mất trộm.

 

Cùng với khung cảnh đẹp, nhiều bản sắc văn hóa của người Ba Na, như cồng chiêng, lễ hội ăn trâu, mừng lúa mới… còn được người dân Kon K’tu gìn giữ, một đặc sản nữa cũng rất riêng có của Kon K’tu khiến ai cũng phải ngỡ ngàng khi đến đây, đó chính là trật tự làng xóm với những con người mộc mạc dễ mến. Cô giáo Nguyễn Thị Hợp, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình cho biết: “Khi nhà trường phân vào làng Kon K’tu tôi rất thích mặc dù là đi xa. Đi xa có thể gấp đôi, gấp ba trường chính nhưng vẫn thích vào đây bởi nề nếp, trật tự an ninh ở đây đảm bảo. Học sinh ở đây cũng rất qúy thầy cô. Các làng khác thanh niên còn hay đến các điểm trường để nghịch, các cô giáo rất vất vả giữ trật tự nhưng riêng làng Kon K’tu thì không có tình trạng trên. Ngay như các lễ hội dân làng tổ chức các cháu cũng không ra để nghịch”.

 

Với trên 100 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu, hầu hết theo đạo thiên chúa cùng phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước” và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng, Kon K’tu thành điểm sáng của xã Đăk Rơ Wa, của thành phố Kon Tum trong phong trào quần chúng bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn. Làng đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh ngay từ đợt công nhận đầu tiên của tỉnh Kon Tum. Ghi nhận thành tích của làng trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chính quyền các cấp và ngành chức năng tặng nhiều Giấy khen và Bằng khen cho làng.

 

Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết