Hoa dã quỳ nhuộm vàng núi lửa Chư Đăng Ya

312

Theo người dân địa phương, Chư Đăng Ya trong tiếng Jrai, Chư có nghĩa là núi, Đăng Ya là củ gừng dại. Từ lâu, núi lửa Chư Đăng Ya được mệnh danh là thiên đường của hoa dã quỳ. Khi đến với địa điểm này, du khách sẽ được chìm đắm trong cảnh hoang sơ, quyến rũ của hoa dã quỳ và vẻ kỳ thú của ngọn núi lửa Chư Đăng Ya mang lại.

Vào mùa này, sắc vàng của hoa dã quỳ xen kẽ với màu xanh của nương rẫy, tạo nên vẻ đẹp đầy cuốn hút cho vùng cao nguyên. Những bông hoa dã quỳ rực rỡ ở vùng núi lửa giống như những mặt trời vàng khiến du khách đều phải dừng lại để chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.

Chị Nguyễn Thị Sương (TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Dù là người dân ở Gia Lai nhưng cứ vào tháng 11 hàng năm là tôi cũng sắp xếp công việc để ra núi lửa ngắm hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ ở đây mọc tự nhiên, bao trùm lấy ngọn núi lửa. Màu hoa vàng đẹp, tựa như hoa hướng dương.

“Tôi mong muốn chính quyền tiếp tục tuyên truyền, bảo vệ nét đẹp hoang sơ mà hoa dã quỳ và núi lửa Chư Đăng Ya ban tặng. Nhờ tiềm năng này, chúng ta có thể quảng bá thêm sản phẩm văn hóa, đồ thủ công mỹ nghệ như: Thổ cẩm, đan lát cho bà con nơi đây”, chị Sương cho biết thêm.

Nhằm thuận tiện cho du khách đi lại tham quan, UBND huyện Chư Păh đã xây dựng những con đường vòng quanh chân núi, dẫn lên đỉnh núi lửa. Khi du khách đứng ở đỉnh núi lửa có thể chiêm ngưỡng vô số cây hoa dã quỳ đang đua sắc, xen kẽ là ruộng khoai lang thẳng tắp của bà con bản địa trồng.

Nằm trong chuỗi các hoạt động Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023, tối 10/11, UBND huyện Chư Păh đã khai mạc Lễ hội hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đăng Ya năm 2023. Lễ hội  diễn ra trong 3 ngày (từ 10/11 đến 12/11) tại khu vực nhà rông làng Ia Gri ngay dưới chân núi Chư Đăng Ya.

Trong khuôn khổ lễ hội, có nhiều hoạt động đặc sắc để du khách trải nghiệm như biểu diễn cồng chiêng, phục dựng nghi lễ cúng lúa mới, trình diễn đan gùi, dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ, chế tác nhạc cụ, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, trưng bày ẩm thực địa phương, hoạt động chinh phục đỉnh núi Chư Đăng Ya.

Hoa dã quỳ nhuộm vàng núi lửa Chư Đăng Ya - 10

Trong khuôn viên lễ hội, UBND huyện Chư Păh, Gia Lai bố trí nhiều gian hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu để du khách du lịch như cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô… Những sản phẩm này đều là nông sản của các hộ dân hoặc hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Hoa dã quỳ nhuộm vàng núi lửa Chư Đăng Ya - 11Hoa dã quỳ nhuộm vàng núi lửa Chư Đăng Ya - 12

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, cho biết: “Từ lâu, ngọn núi lửa Chư Đăng Ya đã gắn liền với hoa dã quỳ. Phát huy tiềm năng này, mỗi năm huyện đều tổ chức lễ hội Núi lửa Chư Đăng Ya, hoa dã quỳ.

Lễ hội nhằm tôn vinh hoa dã quỳ, loài hoa mang vẻ đẹp dung dị, thuần khiết, rực rỡ giữa cao nguyên đại ngàn. Lồng ghép vào lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian, thể thao và quảng bá du lịch, phiên chợ nông sản an toàn. Qua đó tạo tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Chư Păh nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung”.

Từ 11/11 đến 19/11, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai 2023. Trong đó, có sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng diễn ra ngày 11 và 12/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết với chủ đề “Gia Lai – Những sắc màu văn hóa”.

Đây sẽ là một cuộc trình diễn đầy âm thanh và màu sắc của trên 1.000 nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Gia Lai có 17 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố với trên 870 nghệ nhân và 140 nghệ nhân của 4 đoàn thuộc các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng.


Nguồn bài viết:
https://dantri.com.vn/du-lich/hoa-da-quy-nhuom-vang-nui-lua-chu-dang-ya-20231111162154883.htm