Nằm lăn lóc hay khuất lấp ở một nơi nào đó, nhưng khi được tìm thấy và nâng niu, những hòn đá, viên sỏi vô tri vô giác bỗng trở nên đẹp xinh và gần gũi lạ thường. Cũng như thiên nhiên và cuộc sống, hồn đá được tạo nên bởi chính tình yêu con người gửi gắm. Với một niềm đam mê giản dị, hơn 16 năm nay, anh Đoàn Quốc Sơn ở Tổ 4, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum đã lặng lẽ tìm kiếm và sưu tầm.
Mỗi hòn đá, phiến đá gắn liền với một địa danh, một vùng đất của Kon Tum
Cơ duyên của Đoàn Quốc Sơn đến với đá thật tình cờ. Đó là năm 1998, khi anh nhận công tác tại Truyền tải điện Kon Tum, thường xuyên lái xe chở công nhân đi lắp đặt, kiểm tra đường dây trên tuyến 500kv Kon Tum – Gia Lai. Đến địa điểm tập kết, lúc anh em tập trung người nào việc nấy với chuyên môn của mình là thời gian Sơn rảnh rỗi, loanh quanh thăm thú những vùng đất mới. Một lần, những bước chân mải miết men theo con suối vắng thuộc địa bàn Xã Đăk Tre, Huyện Kon Rẫy đã đưa Sơn đến một bãi đá nhỏ nằm ở vị trí xa khuất. Vô cùng bất ngờ trước vẻ đẹp hoang sơ của tạo hóa, anh một mình cặm cụi chọn nhặt những hòn đá nhỏ với những hình thù xinh xắn, đẹp mắt mang về làm kỷ niệm. Thú vị nhất, là một hòn đá nhám trắng ngà có hình khuôn mặt người phụ nữ đứng tuổi ở góc nghiêng, có cái nhìn xa xăm. Sau này, Sơn đặt tên là “ Bà mẹ Việt Nam”. Sau lần đáng nhớ ấy, người lái xe chuyên đi vùng sâu vùng xa nảy ra ý nghĩ tìm đến với đá. Thế là, trong mỗi chuyến đi, lần nào cũng vậy, trong khi mọi người chuyên chú với công việc của mình, Sơn lại rảo bước đến từng ngóc ngách núi rừng, suối khe với niềm hứng khởi và hy vọng tìm được những hình mẫu đẹp…
Thấm thoát, năm nay đã là năm thứ 16, Đoàn Quốc Sơn làm quen với thú chơi “ ngoạn thạch” tao nhã nhưng không kém công phu này. Căn nhà nhỏ ở Tổ 4, Phường Nguyễn Trãi là nơi anh lưu giữ, nâng niu hàng trăm phiến thạch, hòn đá. Đến thăm nơi này, cảm nhận đầu tiên là khoảng sân thoáng đãng trước nhà đã được “sắp đặt” một cách ấn tượng và đẹp mắt bằng những nét tạo hình “nên thơ”, từ …đá. Căn phòng khách 35 m2 của gia đình cũng dành để trưng bày … đá. Với Sơn, mỗi phiến đá, hòn sỏi đều là một kỷ niệm gắn với những chuyến công tác đến từng địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, đến với cả những vùng đất mới lạ của đất nước.
Đoàn Quốc Sơn và tảng đá kỷ niệm
Tảng đá mang hình Lân, Long đối mặt kê ở góc sân là kỷ niệm đáng nhớ của Sơn trong một lần đi công tác ở vùng sâu biên giới thuộc địa bàn xã Bờ Y (Huyện Ngọc Hồi). Tình cờ phát hiện một phần phiến đá lộ trên mặt đất, cảm nhận là đá lạ, anh cất công đào bới, tỷ mẩn giữ cho phiến đá không bị va đập, hư sứt. Đó là phiến đá dạng đá lũa nặng hơn 1,5 tạ, được tạo hình Lân với khoảng đầu rõ nét kéo dài ra một phần thân. Riêng phần đầu Lân chạm với hình đầu Rồng tạo thành thế đối mặt khá lạ. Thú ý hơn, cũng phiến đá này, khi được dựng lên và nhìn ở phiá sau, lại mang hình dáng chữ S của đất nước thân yêu.
Người chơi đá cảnh quan niệm “ đá vô ngôn” nhưng “ ngôn vô bất tận” quả là sâu sắc. Được chiêm ngưỡng bộ sưu tập khiêm tốn với hàng trăm hiện vật của Đoàn Quốc Sơn, có thể thấy rõ sự mô phỏng, thể hiện trên đá những gì hiện hữu trong thiên nhiên, con người và đời sống… Tự nhận là không chuyên nghiệp như những người chơi đá cảnh “tiền bối” và những người “ngoạn thạch” nổi tiếng trong nước, song trong bộ sưu tập nhỏ của mình, Sơn cũng đã để lại ấn tượng với những hiện vật thuộc hàng quý hiếm, như đá lũa mang hình phong cảnh di sản thiên nhiên Hạ Long, đá trơn, đá sần mang hình đôi nam nữ, hình chân dung con người, hình thiếu nữ trong các tư thế đứng, hình voi, hình hổ… Cũng như những người có thú chơi tao nhã này, Sơn luôn tôn trọng nguyên tắc cơ bản là tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên của đá, giữ gìn sự độc đáo khi giữ nguyên hình dạng của đá tìm được. Tuy vậy, đôi khi, để có được những hòn đá, khối đá mang tính tạo hình như ý, anh cũng dày công cạo vôi, đặc biệt là “sắp đặt” lại một chút trong không gian bài trí.
Những hòn đá được “sắp đặt”
Đam mê kiếm tìm và nâng niu, gìn giữ, với Đoàn Quốc Sơn, trước hết, mỗi hòn đá, phiến đá đều gắn liền với một địa danh, một vùng đất của tỉnh Kon Tum, nơi bước chân anh và những người lính truyền tải điện đã từng qua cũng như được làm quen, được tìm hiểu thêm về những nét sinh hoạt, đời sống của người dân ở đó. Chính vì vậy, sự cảm nhận về thiên nhiên và cuộc sống qua đá càng trở nên thú vị. Ngay trong 1 hòn đá, phiến đá, sự cảm nhận về hình thù, vóc dáng nào đó cũng rất phong phú, đa dạng chứ không hề đơn điệu, khô khan… Cảm nhận đó như làm giàu thêm trí tưởng tượng, đem đến những cảm xúc nhiều sắc màu về thiên nhiên, cuộc sống…
Gắn bó với đá, Đoàn Quốc Sơn nhận ra rằng đá đơn sơ, thô ráp nhưng ẩn chứa ý nghĩa nhân hòa khi ta gửi gắm chính hồn người vào trong đó. Đá chứa đựng cuộc sống đa sắc, đa diện, song không phải ai cũng dễ dàng nhận ra những điều thú vị trong từng hình hài, vóc dáng của đá, nếu không phải là người yêu đá, có tâm và có duyên với đá. Chính nhân duyên lặng lẽ đã giúp anh không chỉ kiếm tìm được những cục đá như ý, mà nhiều khi còn tình cờ được bổ sung vào sưu tập nhỏ của mình nhiều hòn đá từ những vùng đất xa xôi trên mọi nẻo đường quê hương, đất nước…./.
Thanh Như