Già làng và tục phạt vạ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum

1283


Trong đời sống của các dân tộc thiểu số trước kia ở tỉnh Kon Tum, hình ảnh già làng luôn là biểu tượng của sự công bằng, sự hiểu biết sâu rộng và là người có quyền lực nhất, già làng cũng là người phán xét mà dân làng phải phục tùng một cách tuyệt đối. Vào các lễ hội cũng như luật tục trong cộng đồng, già làng luôn luôn là nơi để dân làng tìm đến bày tỏ khúc mắc, những sai phạm đã mắc phải để được giải quyết. Theo tục lệ từ ngày xưa, mỗi buôn làng đều có qui ước riêng và già làng đảm nhiệm việc phân xử, là người tiếp thu truyền lại lời nói của thần linh (Yàng). Phong tục phạt vạ của người dân tộc thiểu số cũng nằm trong qui định đó.

 20.12.11

 

Có rất nhiều hình thức mà già làng đưa ra khi xử lý một vụ việc, sự phán xét của già làng là tối thượng, ngay cả cha mẹ người bị phạt cũng phải tuân thủ. Mỗi dân tộc bản địa đều có các cách xử phạt riêng biệt đối với người nào vi phạm, họ cho rằng làng nào xảy ra chuyện xấu mà chưa làm lễ phạt thì thần linh sẽ trừng phạt, làm rẫy sẽ bị mất mùa, buôn làng sẽ bị bệnh tật, đói rét quanh năm, có làng (dân tộc Ba Na) họ không dám đi làm vào tháng 3, tháng 4 vì đây là tháng mà được cho là thần linh nhìn thấy rõ nhất. Họ duy trì niềm tin gần như tuyệt đối vào Yàng và trong nhiều vụ kiện phức tạp, theo phong tục tập quán của đồng bào, kết quả phân xử thắng – bại chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố may – rủi do Già làng phán xét và theo họ đó chính là ý Yàng.

 

Quan hệ hôn nhân của các dân tộc bản địa ở Kon Tum hầu như được xác lập vững chắc bởi chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Trường hợp vợ chồng mà ly hôn thì theo lệ của làng bị phạt rất nặng, chẳng hạn như dân tộc Xê Đăng cư trú tại huyện Ngọc Hồi nếu khi vợ chồng ly hôn thì cả 2 người đều bị phạt và nếu người chồng mà bỏ vợ dẫn đến vợ chồng ly hôn thì sau 6 năm người chồng đó mới được lấy vợ khác hoặc khi vợ hoặc chồng có người chết trước thì người còn lại sau 3 năm mới được kết hôn. Nếu vi phạm các quy định này cũng bị phạt. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều nghiêm cấm người đã có vợ, có chồng ngoại tình. Ai vi phạm vào điều cấm này sẽ bị phạt vạ, tuỳ từng dân tộc mà mức phạt vạ là khác nhau, ví dụ như phạt heo và rượu để cả làng cùng uống… Luật tục trong hôn nhân nghiêm cấm những người trong cùng dòng họ lấy nhau, đặc biệt đối với người Jẻ-Triêng đây là điều cấm kỵ, một vài dân tộc khác thì phải cách nhau vài thế hệ, chẳng hạn như với người Xê Đăng là 3 đời… Để tiến đến hôn nhân, cả nam và nữ đều có quyền tự do tìm hiểu lẫn nhau. 

 

 20.12.12

 

Trong cuộc sống hằng ngày mỗi người trong gia đình đều lấy luật tục làm chỉ dẫn cho hành động của mình, mọi người căn cứ vào luật tục để giám sát lẫn nhau. Thành viên nào vi phạm luật tục gây mất trật tự buôn làng thì đều bị chính luật tục trừng trị mà Già làng là người trực tiếp phán xét chứ không phải cha mẹ. Người Xê Đăng ở một số nơi có hình thức phạt gà, heo và rượu cho làng uống đối với 2 người có hành vi đánh lộn gây mất trật tự buôn làng hoặc phạt bồi thường 2 con gà… Bên cạnh đó, các thành viên của buôn làng đều được quyền bình đẳng như nhau trên cơ sở tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu người nào vi phạm những điều cấm trên thì tuỳ theo tính chất, hoàn cảnh kinh tế giàu nghèo sẽ bị phạt: trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng Thần (Yàng) xin tha tội. Luật tục xử phạt là qui định có thể hạn chế được những tệ nạn như ngoại tình, tội xúc phạm người già, tội xúc phạm người đứng đầu làng, tội cố ý làm lây bệnh trong buôn làng, tội lười biếng, tội giết gia súc của người khác…cá biệt có những trường hợp tội nặng bị đuổi khỏi làng, những luật tục như vậy mang tính chất răn đe, đủ làm người muốn phạm tội phải chùn bước.

 

Trong phong tục của người Ba Na trước đây, nếu chồng bỏ vợ hoặc ngược lại thì bị phạt trâu bò, ruộng đất, thấp nhất là từ 3-4 con trâu và 5 sào đất để đền bù cho người bị bỏ rơi. Với người chửa hoang thì bị làng phạt rất nặng, bởi người Ba Na quan niệm, khi người con gái đã chửa hoang rồi, thì sau này người ta sẽ không lấy được chồng, nên người bị phạt là người gây ra “hậu quả” của cái thai đó. Khi người đàn ông đã quan hệ với người con gái thì bắt buộc người đó phải cưới làm vợ, tuy nhiên nếu lỡ có con trước (tội pơ-t’ra chan) thì phải tiến hành lễ cúng thần trước khi trỉa lúa, vào khoảng đầu tháng 4, Già làng bắt người con trai phải có lễ vật là một con dê và người con gái phải chịu một con heo (tùy điều kiện có thể heo lớn, nhỏ). Người dân quan niệm các trường hợp vi phạm này đã làm ảnh hưởng đến thần đất, thần lúa nên buộc phải tiến hành lễ cúng phạt trước khi trỉa lúa nếu không dân làng sẽ mất mùa, đói kém. Vào ngày tổ chức nghi lễ, những con lợn, con dê lễ vật được giết thịt lấy máu trộn với nhau, đôi trai gái phạm tội phải lần lượt mang thứ máu trộn đó bôi vào ngón chân cái của từng người tham gia trong buổi lễ, vừa bôi vừa xin lỗi mọi người xin đừng nhớ, xin bỏ qua chuyện xấu, cũng là lời nhắn nhủ mỗi gia đình cần dạy dỗ con em mình và đặc biệt là hình thức răn đe những người trẻ luôn nhớ lấy để không được theo bước chân ấy.

 

Một tội khác (người Ba Na) mà bị phạt rất nặng đó là tội người cùng một dòng họ lấy nhau được cho là trái với đạo đức, khiến thần linh nổi giận gây ra các tai họa để trừng phạt con người như cháy làng, dịch bệnh, mất mùa… Dòng họ nào để xảy ra chuyện đó sẽ phải chuẩn bị đủ 3 con trâu, 3 con dê, 3 con gà và 3 ché rượu để cúng thần nhà Rông, thần nước để giải hạn cho dân làng và chính hai gia đình đó. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng là Già làng đọc lời cúng mời Yàng về ăn uống và dân làng buộc đôi trai gái bị phạt lấy một ít tiết của con vật hiến sinh hòa với rượu, đổ vào vỏ bầu mang đến từng nhà trong làng, dùng cành cây tre nhúng vào quả bầu đựng nước rồi quết lên chân cầu thang với ngụ ý xua đuổi, tẩy uế mọi rủi ro tai họa, mong Yàng đừng bắt tội dân làng… Trước kia, những trường hợp mắc tội loạn luân như thế này người vi phạm sau khi làm lễ cúng tạ tội còn bị lột trần truồng và bị buộc phải ăn thức ăn trong máng heo với sự chứng kiến của dân làng. Một tội được cho là hủ tục lạc hậu xưa là khi người chồng chết chưa rõ lý do, dân làng phạt người vợ bò, heo, dê, rượu để cúng thần linh xua đuổi cái xấu làm hại buôn làng.

 

Các dân tộc thiểu số của Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Kon Tum nói riêng, có một tội vô cùng xấu hổ đó là tội trộm cắp, trong mọi hoàn cảnh đều bị dân làng ghẻ lạnh, coi thường, tuỳ theo mức độ mà người ăn cắp vật dụng gì, nếu ăn cắp một bắp ngô, thì phải đền 10 bắp ngô, ăn cắp vật dụng trong lao động sản xuất, trong gia đình… có làng phạt gấp từ 7-10 lần. Trong ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số họ không có từ “mua” và “bán”, chỉ có “lấy” của người này “chia” cho người kia hoặc “trao đổi” lẫn nhau, thể hiện sự đoàn kết, anh em rất khắng khít, bởi vậy khi lấy một vật gì mà không được sự cho phép của chủ thì đó cũng là một tội. Trong cộng đồng làng, tuy rằng họ sống bình đẳng nhưng vẫn phải tôn trọng lẫn nhau, và người tự ý lấy đồ vật của người khác thì dân làng coi đó như một sự xúc phạm, tội này cha mẹ phải gánh chịu. Tùy theo mức độ, cha mẹ đích thân đến gia đình bị mất cắp, mời Già làng phân xử cùng một số người thân trong dòng họ chứng kiến. Thường trong buổi lễ bắt buộc phải có con gà và ché rượu cần do cha mẹ người có lỗi cung cấp, Già làng yêu cầu người có tội tự nhận lỗi, mong được tha thứ và hứa lần sau không được tái phạm, sau đó đến cha mẹ cũng phải xin lỗi gia đình đó, khi người “bị hại” chấp nhận tha thứ thì lúc đó hai gia đình cùng bắt tay nhau, bỏ qua chuyện cũ. Người mắc lỗi châm nước vào ghè rượu mời già làng uống trước, sau đó mời người đã tha thứ cho mình và lần lượt từ đầu đến cuối người phạm lỗi phải phục vụ cho hết buổi lễ.

 

Những tập tục trong cộng đồng người dân tộc thiểu số luôn gắn với tín ngưỡng tâm linh, có thể có rất nhiều hình thức, nhưng chung qui lại là muốn đem đến điều tốt đẹp cho dân làng, muốn cho mùa màng được xanh tươi, cuộc sống của họ lúc nào cũng được thần linh che chở. Tục phạt vạ là “tập quán pháp” do chính họ tạo ra, được truyền từ đời này sang đời khác để đảm bảo bình yên cho buôn làng, qui ước là sức mạnh của làng mà Già làng chính là linh hồn truyền tải, áp dụng sức mạnh đó.

 

Thế Phiệt (tổng hợp)



Đi đến nguồn bài viết