Đường đến làng văn hóa du lịch KonJơRi

1022

 

Đường đến làng văn hóa du lịch KonJơRi

Làng văn hóa KonJơRi, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum

Làng văn hóa KonJơRi nằm bên bờ Nam sông Đăk Bla, thuộc xã Đăk Rơ Wa, cách trung tâm thành phố Kon Tum chỉ hơn 6km. Nếu muốn thăm làng bằng ô tô hoặc xe máy thì khá đơn giản, từ trung tâm thành phố đi theo đường Bắc Kạn vượt qua cầu treo Kon Klor, rẽ trái thêm khoảng 10 phút là đã đến nơi. Nhưng nếu ai yêu thiên nhiên và muốn tìm hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa của người dân bản địa nơi đây thì hãy chọn những con đường đất nhỏ, băng qua những thửa ruộng, những ngọn đồi và nhất là được đi qua những ngôi làng cổ như Kon Tum K’Nâm, Kon Tum K’Pơng, Kon Rơ Wang, Kon Klor…chắc chắn với chương trình tour một ngày đi bộ như chúng tôi, quý khách sẽ tìm được những nét văn hóa đáng yêu chỉ có ở nơi này.

Đúng 8h00 sáng theo lịch trình báo trước, chúng tôi “tập kết” tại Khách sạn Đăk Bla, nơi gần cửa ngõ vào thành phố. Sau khi kiểm tra lại những nhu yếu phẩm cần thiết cho một cuộc dã ngoại, chúng tôi bắt đầu xuất phát đến KonJơRi trong tâm trạng vui vẻ dưới những ánh nắng mai mát dịu của ngày hè, bầu trời Cao Nguyên trông thật quang đãng sau một đêm mưa.

 

1536486384 25 Đường đến làng văn hóa du lịch KonJơRi Nhà Thờ Tân Hương, đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum

 

Từ khách sạn, chúng tôi đi theo đường Nguyễn Huệ, trên đường đi các bạn tôi không quên ghé vào chụp hình Nhà Thờ Tân Hương (1886), thuộc địa phận làng Gò mít, Tổng Tân Hương xưa và Nhà Thờ Gỗ (1913), là  ngôi Thánh đường nổi tiếng dành cho các dân tộc ít người ở Kon Tum, đến nay cũng đã gần 1 thế kỷ. Đối với du khách thì gọi là Nhà Thờ Gỗ và Nhà Thờ Tân Hương, còn chúng tôi đã đặt tên hai Nhà lớn này một cách gần gũi theo kiểu của lũ học trò tinh nghịch là “Nhà Thờ Sôcôla đen và Nhà Thờ Sôcôla trắng” để chỉ lên hai màu sắc đặc trưng khác nhau của hai Nhà Thờ từ xưa đến nay và kiến trúc mang đậm phong cách của Châu Âu (quê hương của những thỏi Sôcôla nổi tiếng).  

 

Bên cạnh Nhà Thờ Gỗ là làng Kon Tum K’Nâm, ngôi làng cổ này đã định cư ở đây từ rất lâu, không ai biết là thành lập từ khi nào. Chỉ biết trước năm 1800, khi các thương gia người Kinh lên Kon Tum giao thương trao đổi hàng hóa thì đã thấy người dân sống rất sung túc, vui vẻ bên một cái đầm lớn (nay là ruộng lúa). Cùng với làng Kon Tum K’Pơng đã tạo nên tên gọi Kon Tum ngày nay (Kon: làng; Tum: ao, đầm, hồ nước), Kon Tum có nghĩa là Làng bên cạnh hồ nước. Nhắc đến đây ta nhớ lại truyền thuyết kể về lòng quả cảm với trái tim yêu chuộng hòa bình, bản chất thích sự tự do phóng khoáng của hai chàng trai tên là JơRôngUông đã tự lặng lẽ tách khỏi cộng đồng hiếu chiến liên miên của mình để đến làm nhà ở bên cạnh hồ nước thuộc khu vực làng ngày nay. Đất đai ở đây màu mỡ lại thuận lợi cho việc đánh bắt nên càng ngày lại có nhiều gia đình đến để định cư, dần dần đã tạo nên một làng lớn.

 

Để đến được với làng Kon Tum K’Pơng, chúng tôi đã băng qua những ruộng lúa đang thời kì mạ non xanh ngăn ngắt một màu. Một con đường rất nhỏ chỉ một lối đi được dân làng dùng hàng ngày để đi ra Giọt nước. Giọt nước là nơi dân làng tụ họp hàng ngày, là phần thứ hai quan trọng của làng sau Nhà rông. Nước róc rách chảy suốt ngày đêm. Mỗi sáng mai các cô gái mang bầu, chai ra lấy nước về nấu cơm và để uống. Mỗi chiều người lớn ra tắm giặt còn lũ con nít vừa cười  nói vang động cả làng.. Người đi rẫy, qua núi, qua sông gì rồi cũng về giọt nước tắm rửa rồi mới lên nhà.

 

1536486384 538 Đường đến làng văn hóa du lịch KonJơRi Một bé gái người Ba Na đang chuẩn bị đi lấy nước

 

Mặc dù ngày nay, ở các buôn làng đã có nhiều nhà có giếng nước nhưng hầu như là họ để tắm giặt vào mùa khô. Còn bình thường họ vẫn đến giọt nước này hàng ngày như thói quen tự bao đời ăn sâu trong tâm trí mà muốn từ bỏ không dễ dàng gì. Vì thế, hàng năm làng tổ chức lễ hội máng nước rất long trọng. Đây là “bến” nước mà dù ở đâu vẫn luôn cháy bỏng trong dòng nhớ của mỗi người dân.

 

Chúng tôi tiếp tục men theo con đường nhỏ để đến làng Kon Tum K’Pơng, con đường dốc nhỏ này thật đẹp, một bên là cánh đồng ruộng bao la và bên kia là hàng Phượng nở đỏ rực cả bầu trời, những cánh phượng đỏ rơi xuống ngập cả lối đi làm chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến thời học sinh mới đó mà đã qua.

 

Phía bên kia đường là làng Kon Tum K’Pơng, một mặt quay ra đường Bắc Kạn. Đã hơn 10 năm nay, làng được biết đến là làng có nghề đan lát thủ công, cung cấp cho thị trường Kon Tum và ngoài tỉnh một số lượng lớn những giỏ lớn dùng đựng rau và hoa quả, điều này đã tạo nên thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

 

Chúng tôi lại chọn con đường đất đi xuyên qua làng đến làng Kon Rơ Wang, đi đến cuối làng là làng Kon Klor. Mỗi nơi chúng tôi đều ghé lại tham quan ghi hình những ngôi nhà sàn và trò chuyện cùng với người dân…Thật thú vị khi thấy những người phụ nữ chăm chỉ chịu khó ngồi hàng giờ trước khung cửi thủ công để dệt nên những vật dụng cần thiết cho gia đình. Họ tỉ mỉ đến từng chi tiết và đôi tay của họ thật tài hoa đã tạo nên những hình mẫu cách điệu sống động, đẹp một cách huyền bí.

 

Vậy mà đã hơn 11h00 trưa, chúng tôi vội vã băng qua cầu treo Kon Klor, rồi đến làng Kon Klor 2, đi thêm khoảng 10 phút là nhà của những em mồ côi. Đến đây nếu có thời gian, quý khách có thể tìm ghé thăm và hiểu một chút về đời sống của các em.

 

Chúng tôi rảo thêm vài trăm mét là đến một rừng cây Khộp và bên cạnh đó là vườn của một gia đình chuyên trồng hoa quanh năm, khu vườn có rất nhiều cây trái. Đặt biệt trong khu vực này có một rừng cây Điều rộng cả héc ta, nếu đi vào tiết tháng 3,4 là mùa cây Điều cho hoa và quả. Quả Điều sai lủng lẳng đỏ, vàng trông rất xinh xắn mà lại có mùi rất thơm, hoa của cây Điều cũng có mùi thơm nhẹ dễ chịu… Chúng tôi tiếp tục băng qua khu rừng Khộp, nghỉ ăn trưa bên một đập nước khá rộng, xung quanh hồ là những cây Dã quỳ xanh um đang vươn mình ra mặt nước. Tôi đang tưởng tượng nếu vào đầu Thu hoa Dã quỳ sẽ nở vàng rộm cả bốn phía hồ và trong tiết Thu se lạnh thì mặt hồ sẽ trở nên… tuyệt biết chừng nào. Ôi chao!… tôi thầm hứa sẽ trở lại nơi này. 

 

1536486384 623 Đường đến làng văn hóa du lịch KonJơRi

Du khách đang sử dụng ống nhòm để quan sát

những chú chim đang ẩn mình trong vòm lá – Ảnh minh họa

 

Sau bữa trưa, chúng tôi ngồi nghỉ và “tám chuyện” dưới gốc cây rừng, không gian quá yên tĩnh chỉ có thể nghe tiếng côn trùng và tiếng chim lúc thanh lúc nhặt… Trong lúc này chúng tôi đã hoàn toàn bỏ mặc những ồn ào phố thị sau lưng…

 

Thấy mặt trời đã chếch sang hướng Tây, chúng tôi hối nhau thu dọn hành lý để tiếp tục cuộc hành trình. Vòng qua hồ nước, chúng tôi băng qua những đồi sắn và rẫy lúa của bà con. Đang mùa làm cỏ bón phân để chuẩn bị đón đòng, nên mọi người phải tập trung làm nhanh nếu không cỏ sẽ “nuốt hết lúa”. Thật vui khi biết trong nhóm thanh niên trẻ trung ấy là những người bạn cùng làng họ đi làm đổi công cho nhau, hết công việc của nhà này thì lại nhanh chóng làm cho nhà kia. Tôi thật ngạc nhiên vì chỉ nghe mẹ kể chuyện vần công hay đổi công ngày xưa, hôm nay chứng kiến tôi vỡ rất nhiều điều …trong đó có tình cảm của người nông dân thông qua lao động sản xuất…

 

Tạm biệt những chàng trai, cô gái người Ba Na chúng tôi tiếp tục chọn con đường mòn nhằm hướng làng KonJơRi thẳng tiến. Đoàn chúng tôi đã xuống đồi đi qua những thửa ruộng bậc thang, chuẩn bị leo lên một đồi nhỏ kế tiếp, vậy mà bên tai vẫn nghe văng vẳng tiếng cười đùa khúc khích của các đôi trai gái bên kia đồi bởi những ngọn gió lớn đưa sang.

 

Chúng tôi tiếp tục leo lên quả đồi và bắt gặp nhiều điều thú vị khác… cứ như thế vừa đi vừa nghỉ và nói chuyện với người dân …đến khoảng gần 4 giờ chiều chúng mới đến được KonJơ Ri.

 

Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngôi Nhà Rông vừa mới xây, có rất nhiều hình ảnh trang trí sống động: như mặt trời, mặt trăng, rồi biểu tượng những xâu thịt nướng được cắm trên đỉnh mái như lúc nào cũng sẵn sàng dâng lên Yàng những món ngon nhất trong lễ hiến tế; rồi đến những hình ảnh cách điệu nhiều màu sắc của cây cỏ, núi rừng trông thật huyền bí. Đặc biệt có biểu tượng của đôi chim Chơ Rao trên đỉnh nhà rông làm chúng tôi rất chú ý. Bởi người Ba Na tin rằng chim là con vật nối trung gian giữa thần linh và con người. Nếu Thần muốn nhắn nhủ gì với con người sẽ cho chim xuống báo, còn dân làng nếu có tổ chức lễ hội hay cầu khẩn gì cũng đều nhờ chim chuyển đến Thần linh…

 

Đến làng KonJơRi nếu không ra bến sông có lẽ là một thiếu sót lớn. Ở bên trái nhà rông có con đường nhỏ, dốc thẳng đứng là đường ra giọt nước của làng, từ đây nhìn thẳng qua con đường lộ có con đường dẫn ra bến sông. Cứ chiều chiều ra bến sông sẽ bắt gặp những hình ảnh người dân đi làm trở về trên những con thuyền độc mộc nhỏ xíu. Trong gùi của họ lúc nào cũng có mớ rau rừng, buồng chuối hay ít măng tươi…Bến sông ở đây rất nhộn nhịp, ngoài những đứa trẻ ra ngóng ba mẹ đi làm về và nhân thể chúng bày ra đủ trò nhào lộn hay nghịch cát, những thiếu nữ tranh thủ ra tắm giặt … Và lúc nào cũng bắt gặp những người buôn đến tận bến sông ngồi đợi để thu mua những thực phẩm như hoa chuối, chuối, măng tươi…để hôm sau ra chợ bán lại…

 

Chúng tôi cứ đứng nhìn đến chiếc xuồng độc mộc cuối cùng trở về làng. Tất cả xuồng được buộc chung vào một vài cái cọc, trông xa xa giống như những chiếc quạt khổng lồ xòe rộng hướng ra sông…, và chúng đều được chủ nhân khóa lại bằng những ổ khóa nhỏ xíu, chủ yếu là để cho khỏi trôi nếu nhỡ gặp nước xuống lớn nếu có mưa trên thượng nguồn vào ban đêm.

 

Mặt trời đã khuất trên mái nhà rông, chúng tôi đành tạm biệt khung cảnh thơ mộng, mộc mạc và đầm ấm này trong sự hối tiếc vì e sẽ trở về thành phố muộn. Lúc về chúng tôi có thể gọi xe ôm hoặc Taxi đến đón nhưng giải pháp này không được nhất trí vì chúng tôi vẫn còn lâng lâng với cảm giác thanh bình, không muốn phá vỡ nó nên đã quyết định cùng đi bộ về thành phố theo con đường trải nhựa dài 6km trong niềm vui rộn rã cười đùa mà không đề cập đến chuyện sẽ mệt vào ngày hôm sau hay không. Nhưng có một điều chúng tôi biết rất rõ là đã thấy được nhiều điều thú vị về cuộc sống quanh mình.

 

Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết