Du lịch và tình hình kinh doanh du lịch tại Kon Tum

507


 

Nhận thấy rõ tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh nhà, UBND tỉnh Kon Tum đã thẩm định, phê duyệt nhiều đề án phát triển du lịch, cụ thể gần đây nhất là Quyết định 664 ngày 07/07/2008 về Dự án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2008 – 2015, định hướng đến năm 2020.



3.7.21
Nhà rông – văn hóa đặc trưng ở Kon Tum.

Ngành Du lịch Kon Tum đã có những chương trình chi tiết cho các khu du lịch văn hóa cộng đồng dọc bờ sông Đăk Bla với chương trình du thuyền trên sông, biến làng mạc dọc bờ sông là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi khám phá Kon Tum bằng thuyền độc mộc. Bên cạnh đó, dự án đã được chính phủ phê duyệt hiện đang triển khai là: “Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng Măng Đen”. Khi dự án này được đưa vào khai thác sẽ thu hút lượng lớn khách đến từ đồng bằng qua Quốc lộ 24. Ngoài ra, ngành Du lịch Kon Tum cũng đã quy hoạch nhiều điểm du lịch khác như: Đăk Uy – Đăk Hà, Chiến trường xưa, tuyến du lịch văn hóa, sinh thái Ya Chim hay Đăk Rơ Wa…

 



3.7.22
Những Biệt thự trong khu du sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng Măng Đen.

 

Với những tiềm năng về điều kiện tự nhiên và đặc thù đậm đà bản sắc văn hóa – nhân văn, du lịch Kon Tum có rất nhiều cơ hội và phát triển. Những năm gần đây, ngành du lịch đã có nhiều cố gắng đầu tư, nâng cấp, quan tâm phát triển nhiều mô hình mới để thu hút du khách. Du lịch Kon Tum đã vượt qua khó khăn và thách thức, khắc phục dần những hạn chế, huy động nội lực và tranh thủ một số nguồn đầu tư bên ngoài để nâng cao năng lực hoạt động, từng bước đạt được những thành tựu quan trọng, nhằm tạo nên một số mặt mới cho ngành, tạo đà để du lịch phát triển bền vững và ngang tầm với tiềm năng và điều kiện địa phương.

 

Đến với Kon Tum, ngoài đối tượng khách nội địa còn có khách quốc tế đa số là du khách đến từ Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, Canada, các nước trong khu vực Đông Nam Á. Họ đến theo nhiều mục đích khác nhau như: Tham quan, giải trí, nghiên cứu văn hóa, xã hội học, thăm người thân, hành hương, kinh doanh, du lịch…

 

Tình hình kinh doanh Du lịch Kon Tum

 

Du lịch Kon Tum trong thời gian qua có những bước tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên du lịch Kon Tum phát triển chưa tương xứng với tiềm năng du lịch tự nhiên và tiềm năng du lịch nhân văn, đặc biệt là chưa khai thác đúng mức các tiềm năng du lịch tự nhiên.

 

Những tồn tại của hoạt động du lịch Kon Tum: Thời gian lưu trú của du khách tại Kon Tum còn thấp, trung bình khoảng từ 1,5 – 2 ngày; Cơ cấu doanh thu: doanh thu lưu trú và ăn uống chiếm trên 65%, vận chuyển là 3%. Như vậy, chi cho lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của du khách. Trong khi đó, vận chuyển đa số là do các công ty kinh doanh khác đảm nhận; Môi trường kinh doanh du lịch đang có dấu hiệu thiếu yếu tố bền vững do cạnh tranh không lành mạnh. Điều đáng quan tâm là giá cả khách sạn chưa tương xứng với chất lượng. Chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ chưa cao, phong phú, chưa có ý thức giữ khác lâu dài. Những nguyên nhân đó đã không khuyến khích du khách tăng mức chi tiêu.

 

Điều đó do các nguyên nhân sau: Các điểm du lịch của Kon Tum hầu như khai thác dựa vào điều kiện sẵn có của tự nhiên, chưa có sự đầu tư đồng bộ tạo ra sản phẩm du lịch hoàn thiện, vì vậy chất lượng sản phẩm chưa cao; Quy hoạch tổng thể du lịch Kon Tum chưa có sự phối hợp trong quy hoạch du lịch của vùng Tây Nguyên. Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, chưa tạo ra sản phẩm đặc trưng cho du lịch Kon Tum; Chính sách thu hút vốn đầu tư du lịch của địa phương chưa thúc đẩy các thành phần kinh tế ở địa phương, trong nước và quốc tế tham gia mạnh mẽ; Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế; Hoạt động kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp lữ hành tại địa phương còn yếu. Khách du lịch đến Kon Tum phần lớn chỉ khai thác du khách nội địa, nối tour cho khách quốc tế từ các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch thiếu lành mạnh. Do đó chất lượng dịch vụ không thỏa mãn sự mong đợi của du khách…

 

Từ tình hình hoạt động và những tồn đọng trên, ngành Du lịch Kon Tum cần tập trung đa dạng hóa các loại hình du lịch, đầu tư khai thác tốt các loại hình văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, trên cơ sở lấy du lịch văn hóa làm cơ sở phát triển các loại hình du lịch khác. Tỉnh Kon Tum cũng đã chủ trương khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có bằng các nguồn vốn xã hội là chủ yếu, kể cả vốn nước ngoài với sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Nhà nước chỉ thực hiện đầu tư các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng chủ yếu bên ngoài các khu du lịch, phần xây dựng bên trong do chủ đầu tư thực hiện. Mục tiêu và định hướng phát triển của ngành Du lịch Kon Tum đã được đề ra là không ngừng nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các sản phẩm tạo sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Làm được như vậy là Kon Tum sẽ đưa ngành du lịch phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác, tạo công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về tham quan, du lịch; Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, nhằm tái đầu tư, phát triển ngành Du lịch Kon Tum theo hướng hiện đại hóa và văn minh./.

 

Yến Trân



Đi đến nguồn bài viết