Mặt khác, huyện Đăk Tô nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Kon Tum, có đường giao thông đi lại thuận lợi, là tiền đề tốt để liên kết phát triển du lịch với các huyện bạn, tỉnh bạn và khu vực Nam Lào, Đông Bắc Campuchia theo tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Con đường hữu nghị”.
Tuy nhiên, những năm qua du lịch của huyện phát triển còn chậm; chưa tương xứng với tiền năng và lợi thế hiện có.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động du lịch chưa được quan tâm đúng mức; vai trò tham mưu của cơ quan, ngành chức năng chưa phát huy đầy đủ, sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ. Ý thức cộng đồng về du lịch chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn là khâu yếu kém. Điều kiện kinh tế của huyện còn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn, nhằm phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Trước thực trạng trên, ngày 20 tháng 02 năm 2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Tô khóa XV đã ra Nghị quyết số 01-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020, đây là một bước ngoặc để mở ra hướng phát triển du lịch ở địa bàn nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Vềdự báo xu hướng phát triển du lịch, trong những năm tới, theo định hướng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ hình thành các tuyến du lịch gắn kết với địa bàn huyện như: tuyến Kon Tum – Đăk Hà – Đăk Tô (Ngục Kon Tum, các danh thắng ở thành phố Kon Tum – Rừng đặc dụng Đăk Uy, Đăk Hà – di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và các danh thắng ở Đăk Tô); tuyến Kon Tum – Đăk Hà – Đăk Tô – Ngọc Hồi (Cửa khẩu quốc tế Pờ y); tuyến Kon Tum – Đăk Hà – Đăk Tô – Đăk Glei (Ngục Đăk Glei, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh); tuyến Kon Tum – Đăk Tô – Sa Thầy (vườn quốc gia Chư Mom Ray); tuyến Kon Tum – Đăk Tô – Tu Mơ Rông (Di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum); tuyến Bắc – Nam đi qua đường Hồ Chí Minh (qua Đăk Tô); tuyến Kon Tum – Đăk Tô – Tu Mơ Rông – đường Đông Trường Sơn – Tam Kỳ, Quảng Nam; tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” đi qua các tỉnh Tây Nguyên và nối nào tuyến “Con đường di sản” đến các tỉnh miền Trung qua “Con đường huyền thoại, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh”…sẽ mở ra một tiềm năng lớn về du lịch trên địa bàn trong tương lai, là tiền đề, là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện.
Quan điểm phát triển Du lịch ở địa bàn huyện Đăk Tô đó là: đẩy mạnh phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lí, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, kết cấu hạ tầng, bản sắc văn hóa truyền thống, lịch sử…Phát triển du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực;
Đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch; huy động các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch;
Phát triển du lịch bền vững, đặt trong mối liên kết, quan hệ liên ngành, liên vùng, trong tỉnh, khu vực, cả nước và quốc tế. Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ giá trị tài nguyên du lịch, không làm biến dạng, phá vỡ cảnh quan chung;
Phát triển du lịch phải gắn liền với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục và phát huy bản sắc văn hóa tốt đệp của cộng đồng các dân tộc anh em chung sống trên địa bàn.
Về mục tiêu, bằng nhiều biện pháp tích cực, thúc đẩy du lịch huyện nhà phát triển nhanh và bền vững; tăng thu nhập cho xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; tăng tiềm lực kinh tế, quốc phòng – an ninh của huyện; góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Phát triển du lịch nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ và là động lực bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao trình độ dân trí.
Cổng vào suối nước nóng Đăk Tô – Ảnh: Kim Sơn.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 phấn đấu xây dựng được từ 2 – 3 điểm du lịch, gồm: cụm tượng đài chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, nhà Rông (khu trung tâm huyện); di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khu suối nước nóng Kon Đào – Thác Đăk Lung, từ đó hình thành nên 01 tuyến du lịch hoàn chỉnh với thời gian tham quan từ 2 ngày trở lên và kết nối với các tuyến du lịch của tỉnh.
Từ năm 2016 trở đi, theo nhu cầu phát triển của huyện và tình hình phát triển của ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và của huyện Đăk Tô nói riêng sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, khai thác thêm các điểm du lịch trên địa bàn huyện, dự báo như sau:
Các điểm du lịch lịch sử: Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring (xã Diên Bình); trận địa pháo Lữ đoàn 40 pháo binh, Mặt trận B3 (thị trấn Đăk Tô); Khu tập kết xe tăng của Lữ đoàn tăng 273, Mặt trận B3 (xã Đăk Trăm) trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh.
Các điểm du lịch sinh thái: Thác Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ; suối Đăk Na, xã Pô Kô; rượu đót Đăk Manh, xã Đăk Rơ Nga; rừng thông sinh thái phía Đông thị trấn Đăk Tô.
Điểm du lịch văn hóa: Làng văn hóa truyền thống gắn với làng nghề truyền thống dân tộc Xê Đăng (làng Tê Pên, xã Văn Lem).
Trên cơ sở các điểm du lịch, khảo sát hình thành các tuyến du lịch trên địa bàn huyện gắn kết với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch chung về phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum.
Để thực hiện mục tiêu, cần triển khai các nhiệm cụ và giải pháp sau: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu rõ và thống nhất xác định du lịch là một trong những lợi thế, một trong những ngành kinh tế của huyện, mang tính tổng hợp, tính liên ngành, tính vùng và tính xã hội hóa rất cao; du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu thị trường và động lực để lôi kéo, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, từ đó phát huy đúng mức ý thức, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong huyện trong việc tham gia phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Khẩn trương hoàn thành xây dựng Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; trên cơ sở đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cụ thể ở các khu, các điểm du lịch, bảo đảm phát triển hài hòa các lợi thế của huyện.
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng với những sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc sắc của địa phương, trên cơ sở khai thác tối đa những lợi thế của huyện về du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa…, khuyến khích phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ như: vui chơi, giải trí, một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Xê Đăng, Rơ Ngao; sản xuất các mặt hàng lưu niệm: dệt thổ cẩm, đan lát thủ công truyền thống, đồ mỹ nghệ, các loại hình dịch vụ khác… nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết với thành phố Kon Tum và các huyện bạn, hình thành các tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn để thu hút du khách.
Thu hút đầu tư xây dựng mới ít nhất 01 khách sạn tiêu chuẩn 2 sao, 20 phòng với đầy đủ các dịch vụ lưu trú tại trung tâm thị trấn Đăk Tô để phục vụ khách du lịch theo tuyến và khách vãng lai trên địa bàn huyện.
Kêu gọi đầu tư xây dựng mới 01 siêu thị quy mô cấp 2 để phục vụ nhân dân địa phương và nhu cầu mua sắm của du khách.
Tiến hành quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch trên cơ sở tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện để từng bước hình thành các điểm, tuyến, khu du lịch. Trước hết, khẩn trương làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh để sớm trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh để có cơ sở triển khai thực hiện vào năm 2013; hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang khuôn viên tượng đài chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
Hàng năm, ngoài việc bố trí các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần tranh thủ các nguồn vốn huy động khác để tập trung đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống hạ tầng, trước hết là giao thông tại các điểm, tuyến, khu du lịch; điện, nước; viễn thông; các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao; siêu thị, chợ…
Hết sức coi trọng nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng môi trường an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách. Có kế hoạch tích cực bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên. Tăng cường các biện pháp nhằm giữ gìn môi trường luôn xanh, sạch, đẹp; xử lý kịp thời và kiên quyết mọi trường hợp gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan; tăng cường các biện pháp quản lý trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, giá cả thị trường, kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.
Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch. Không ngừng nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử của huyện, tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của huyện trên các kênh truyền thông của tỉnh; nâng cao chất lượng và tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, các hoạt động lễ hội trên địa bàn để thu hút du khách.
Tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chính đáng của các đối tác đến tìm hiểu, khảo sát để đầu tư; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, gắn với thường xuyên tăng cường theo dõi, kiểm tra quá trình triển khai, thực hiện, quá trình hoạt động của các dự án du lịch.
Đặc biệt coi trọng xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đủ số lượng, giỏi về nghiệp vụ. Trước hết bồi dưỡng những kiến thức liên quan đến văn hóa, lịch sử của địa phương; văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ du khách và cư dân vùng du lịch trước khi các điểm du lịch đi vào hoạt động.
Tăng cường đúng mức công tác quản lý Nhà nước về du lịch; ban hành các quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch, nhất là làm rõ trách nhiệm giữa ngành với địa phương; quy định về quản lý khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và kiến trúc xây dựng…; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời những lệch lạc, thiếu sót xảy ra trong hoạt động du lịch hoặc làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh để thẩm định chất lượng và xếp hạng các điểm, tuyến, khu du lịch.
Đăk Tô là một huyện hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Phát triển du lịch không chỉ khai thác các lợi thế so sánh của huyện, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương mà còn góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, giúp chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện giao lưu về kinh tế – văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ huyện đã đề ra./.
Kim Sơn