Du lịch ngã ba biên giới Ngọc Hồi

608


Nằm ở trung tâm tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, ngã ba biên giới, Ngọc Hồi có vị trí quan trọng trong bản đồ phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên. Gắn với yêu cầu phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh này là nỗ lực cần được tăng cường.

Sau đêm mưa, buổi sáng, đường lên cột mốc ngã ba “Một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”, không khí thật dễ chịu. Cột mốc nga ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia nằm cách khu trung tâm cửa khẩu quốc tế Bờ Y không xa. Xe ô tô vào đến chân đồi, sau đó, đi bộ hơn một trăm bậc gạch xây, đến  đỉnh đồi đặt cột mốc.Cột mốc được xây dựng trên đỉnh đồi có độ cao 1086m so với mặt nước biển là công trình kiến trúc mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao sâu sắc của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Cột mốc hình trụ tam giác làm bằng đá hoa cương, cao 2m, ba mặt quay về ba phía. Ngày 18/1/2008, cột mốc chính thức được khánh thành. Phía Việt Nam, cột mốc quay về hướng huyện Ngọc Hồi. Đứng ở đây, phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh khu vực ngã ba biên giới. Đến  thăm ngã ba biên giới và Khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Cột mốc ngã ba biên giới chính là sự lựa chọn không thể thiếu trong hành trình khám phá của nhiều du khách.

 



27.8.2015.1 ttdl

Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia

 

Ở trạm Kiểm soát liên hợp Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, không khí người xe qua lại khá tấp nập. Một người quen ở Kon Tum buôn bán lâu năm  tại tỉnh Attapư (Lào) cho hay, trước đây, sau tết nguyên đán là thời điểm tập trung những chuyến hàng đi lại giữa Kon Tum và Attapư, để tránh mùa mưa, đường xá đi lại khó khăn. Tuy vậy, kể từ khi quốc lộ 18B của nước bạn được hoàn chỉnh, giao thương thuận lợi quanh năm, áp lực không còn đổ dồn trước mùa mưa như trước. Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Bờ Y đã được xây dựng khang trang, bề thế. Khu vực làm thủ tục hải quan thoáng mát được trang bị các phương tiện kiểm tra hiện đại. Từ trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y,đi khoảng hơn 1 cây số  đến trạm cửa khẩu quốc tế Phu Cưa … Trạm Cửa khẩu thuộc địa phận tỉnh Attapư của nước bạn Lào cũng được xây dựng khang trang, to đẹp. Trong khu vực cửa khẩu, một số hàng, quán  đã mọc lên,  chủ yếu bán các nông, đặc sản của phía bạn. Thời gian ngắn dừng chân ở đây, mọi người có thể thưởng thức các món ăn truyền thống hấp dẫn của nước bạn Lào như xôi nếp, dế chiên, nai một nắng… Lúc tạm biệt, không quên mua về ít đặc sản dân dã mà độc đáo.

 



27.8.2015.2 ttdl
Thị trấn Plei Kần trên đường phát triển

 

Là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, Ngọc Hồi  là nơi có đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại, là ngã ba Đông Dương nối liền ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm trên trục hành lang kinh tế Đông-Tây và kết nối Kon Tum với các nước trong khu vực ASEAN. Vị trí quan trọng của Ngọc Hồi trong bản đồ phát triển du lịch của tỉnh  Kon Tum và  khu vực Tây Nguyên đã được xác định.

 

Ngoài Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi được biết đến là nơi có tiềm năng du lịch khá dồi dào và đa dạng. Đó, trước hết, huyện biên giới không chỉ là quê hương của  đồng bào các dân tộc tại chỗ (Brâu, Xê Đăng, Giẻ – Triêng), mà còn là nơi hội tụ hơn 10 dân tộc  thiểu số anh em  từ các phía bắc đến lập nghiệp. Mỗi dân tộc đều có nét đẹp truyền thống riêng, song hấp dẫn và lôi cuốn nhất là không gian văn hóa cồng chiêng và các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc. Ở Ngọc Hồi, việc ghi dấu các di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia cùng với các điểm du lịch sinh thái, văn hóa – lịch sử đang từng bước được hình thành và phát triển… cũng tạo thành những điểm đến thu hút khách du lịch trong hành trình khám phá mảnh đất ngã ba biên giới.

 

Trong  số nhiều điểm đến có ý nghĩa ở huyện Ngọc Hồi, làng Đăk Răng (Xã Đăk Dục) là một điểm đến đầy thú vị. Ở đây, đội cồng chiêng – xoang của những người Dẻ-Triêng đã nổi tiếng, trở thành niềm tự hào của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng bắc Tây Nguyên. Đội cồng chiêng do già BRôl Vẻ – Nghệ nhân đa tài và một số “ lão làng” tâm huyết tổ chức và duy trì. Điều đặc biệt là hầu hết các nhạc cụ dân tộc phục vụ cho hòa tấu các bài dân ca Dẻ-Triêng đều được chế tác từ những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân địa phương. Trong bộ trang phục màu đỏ có hoa văn rực rỡ và những chiếc khăn đội đầu đặc trưng, các nghệ nhân trông có vẻ huyền bí mà quyến rũ. Những khúc hát, điệu múa dân gian hay giai điệu hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc của họ thật mộc mạc, đơn sơ nhưng cuốn hút kỳ lạ.

 



27.8.2015.3 ttdl
Độc đáo chiêng Tha của người Brâu

     

Ở địa bàn xã biên giới Bờ Y, nằm trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, làng Đăk Mế của người Brâu còn mang nét sinh hoạt cổ xưa của một trong hai dân tộc ít người nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong kho tàng văn hóa cổ truyền khá phong phú của đồng bào nơi đây, độc đáo nhất là bộ Chiêng Tha. Chiêng Tha chỉ gồm hai chiếc: chiêng vợ và chiêng chồng. Chiêng Tha không chỉ là nhạc cụ, mà được coi là thần linh, là tổ tiên của người BRâu. Bộ chiêng  luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong lúc diễn xướng và cất giữ. Bộ chiêng cũng có cách sử dụng rất đặc trưng, không giống bất cứ cách đánh chiêng phổ biến nào. Hai chiếc chiêng được treo lên một giá đỡ, đặt trước mặt hai người ngồi đối diện. Âm thanh được cất lên từ 4 chiếc dùi (2 dùi đực, 2 dùi cái) gõ vào mặt chiêng.

 

Trong xu thế hội nhập và phát triển, những năm qua, Ngọc Hồi và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã trở thành điểm đến của các du khách gần xa, để lại ấn tượng trong lòng mọi người. Tuy vậy, để tiềm năng du lịch vùng biên thực sự được phát huy, trước mắt, vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, chủ động xây dựng và thu hút nguồn lực để triển khai Đề án phát triển du lịch huyện Ngọc Hồi giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2025 là nỗ lực cần thiết./.

Thanh Như



Đi đến nguồn bài viết