[Tin Kon Tum] – Một ngày đầu tháng ba, đã hơn bảy giờ tối, tại làng KonKơTu – Làng văn hóa người Ba Na thuộc xã Đăk Rơ Wa, cách thành phố Kon Tum 8km. Đến đây, tôi đã thấy có vài đoàn khách nước ngoài khác nhau đến tham dự đêm hội cồng chiêng do một công ty lữ hành trong tỉnh tổ chức. Tiếp chuyện với tôi là bà Christiane và ông Patrice Poirier, một cặp vợ chồng người Pháp, họ đang sống ở vùng ngoại ô Pari, đã nghỉ hưu, có mặt tại Kon Tum theo tour du lịch của hãng lữ hành Vidotour.
Vòng xoang ngày hội mừng nhà rông mới làng KonKlor, TP.Kon Tum – Ảnh: Khoa Điềm.
Để có tiền chi phí cho tour du lịch này, vợ chồng ông bà phải tiết kiệm trong nhiều năm. Điều mong muốn lớn nhất của vợ chồng ông bà khi đến Kon Tum là được đắm mình trong không gian huyền diệu của một đêm hội cồng chiêng. Sau hai ngày tham quan các làng văn hóa Ba Na, Ja Rai và đi bộ giữa khung cảnh hoang sơ của núi rừng rồi xuôi xuồng độc mộc trên dòng Đăk Bla thơ mộng.
Xuồng độc mộc trên dòng Đăk Bla.
Lúc này, Ông bà đang chờ đợi để được thưởng thức một loại hình văn hóa đặc sắc, được lột tả sống động, trong không gian chân thực, đúng nghĩa của nó.
Nói chuyện cũng khá lâu nhưng đội cồng chiêng vẫn chưa có mặt đầy đủ theo lịch thông báo của người hướng dẫn, ông bà có vẻ không hài lòng lắm về việc không khẩn trương nhanh chóng và đúng giờ theo quy định. Tôi hiểu được sự nôn nóng của ông bà liền giải thích một chút để ông bà hiểu và thông cảm cho sự chậm trễ này: “Đội biểu diễn cồng chiêng, múa xoang của làng là những người dân bình thường không phải là những người nghệ sĩ đặc biệt chỉ chuyên việc múa hát; ngày họ đi làm nương rẫy kiếm sống, tối về sau khi đã tắm giặt, lo chuyện cơm nước… thì họ mới có thời gian đến tham gia vào đêm hội cồng chiêng được”, đây là một thói quen xấu nhưng là thói quen dễ thương của họ, tôi nhấn mạnh thêm. Điều đó chứng tỏ rằng: “Việc diễn xướng cồng chiêng là thời gian tập trung sinh hoạt, vui chơi giải trí của cả cộng đồng khi họ rảnh rỗi hay tiết nông nhàn, với lại khái niệm giờ giấc của họ không giống như bây giờ nên họ chưa làm quen được với nhịp sống hiện đại…”. “Ngày nay, ngoài những lễ hội đặc biệt riêng của họ, biểu diễn cồng chiêng cho du khách xem là dịp để giao lưu, trao dồi, cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt, trao truyền cho thế hệ kế tiếp, chứ không hề thương mại hóa, làm qua loa chiếu lệ”.
Rồi trong cảnh tĩnh mịch của đêm tối, vài tiếng thử chiêng trầm bổng vang lên hướng chúng tôi về giữa khoảng sân rộng dưới mái nhà Rông cao vút. Họ lấy làm ngạc nhiên khi thấy bên ánh lửa bập bùng, rất nhiều người già rồi trẻ con đến xem biểu diễn và đặc biệt khoảng 15 người đàn ông đóng khố, cùng với khoảng 30 thiếu nữ xinh xắn trong bộ váy áo truyền thống nền đen nhưng không kém phần sặc sỡ với những họa tiết cách điệu sống động, duyên dáng, e thẹn nép vào nhau khi thấy đoàn khách lạ. Nhưng chỉ sau vài tiếng cồng, tiếng chiêng cất lên, tất cả ai nấy đều vào vị trí. Những nghệ nhân của làng chào đón du khách qua bài đầu tiên với âm thanh thật trong trẻo, rộn rã như tiếng suối chảy, tiếng chim hót trong rừng thẳm.Thỉnh thoảng họ lại đồng loạt cất tiếng hú nghe rất hoang dại giữa đêm bao la, họ đang gọi mời Thần linh về tham dự lễ hội cùng với họ đêm nay. Sau một lúc ngỡ ngàng lặng đi vì xúc động, với bước chân còn ngại ngùng ông bà Poirier cùng hòa vào vòng xoang, xoay theo nhịp cồng, tiếng chiêng với sự vui vẻ, thích thú…
Đội cồng chiêng làng văn hóa KonKơTu.
Trong lúc các nghệ nhân nghỉ giải lao, họ được các thiếu nữ Ba Na mời đến vị trí trung tâm, nơi đặt những ché rượu dành riêng cho từng đoàn, lần đầu tiên được thưởng thức cang rượu cần cay ấm, họ phấn khích đặt ra khá nhiều câu hỏi, người hướng dẫn từ tốn giải đáp hết những thắc mắc của họ. Quay sang tôi họ nói: “ở Pháp không có nhiều người biết đến văn hóa cồng chiêng trước khi UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Tôi rất ngưỡng mộ những người dân ở đây, họ đã cho chúng tôi biết là họ đã chơi cồng chiêng như thế nào, chúng tôi có lẽ không bao giờ còn được sống trong không gian tuyệt vời như hôm nay, giữa một không khí cộng đồng thật đầm ấm hạnh phúc như thế này…”.
Tôi rất mừng khi thấy họ đã hiểu ra vấn đề cốt lõi của cồng chiêng Tây Nguyên và đang sống trong khoảng không khí thật sự của nó. Biết họ không ở được đây lâu, tôi tranh thủ giới thiệu thêm văn hóa cồng chiêng – di sản đặc biệt này cho họ hiểu: “Mọi hoạt động văn hóa của các dân tộc trên Tây Nguyên đều có sự hiện diện của cồng chiêng. Gắn bó đặc biệt với mỗi con người từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc chết đi, tiếng chiêng luôn đi theo dìu dắt, đưa linh hồn về cõi Mang Lung. Cồng chiêng của mỗi dân tộc, thậm chí mỗi nhóm địa phương, mỗi làng có ngôn ngữ riêng. Thông qua nó người dân đã giãi bày được nỗi buồn, niềm vui của dân tộc mình, nghe âm thanh vang lên từ loại cồng chiêng nào, bài chiêng nào là dân làng, các cộng đồng láng giềng hiểu rằng có việc gì đang diễn ra ở nơi có tiếng chiêng đó…”. Họ chăm chú lắng nghe từng lời tôi nói và luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với câu: “Thật là tuyệt diệu…”!
Tiếng cồng chiêng lại trầm bổng vang lên, các thiếu nữ Ba Na đã kéo họ hòa vào vòng xoang uyển chuyển. Nhìn những người nước ngoài tay chân ngượng nghịu, cố bắt chước những động tác nhịp nhàn của đội xoang, thỉnh thoảng có vài tiếng cười giòn tan, chắc ai đó thấy mình vừa đi sai nhịp bước.
Tôi đang định hòa mình vào không khí rộn rã, tươi vui, đoàn kết ấy, bỗng nghe câu hỏi của người khách ngoại quốc: “Có phải bạn là người bản địa ở đây phải không?. Đó cũng là du khách Pháp, tôi thấy ông từ đầu đến giờ bấm hình lia lịa, như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với đủ loại ống kính kích cỡ khác nhau trên lưng.
Không chờ câu trả lời của tôi, ông nói tiếp: “Đây là lần thứ ba tôi đến với các buôn làng ở Kon Tum. Tôi đã đi qua nhiều nơi, đã nhiều lần chứng kiến các đoàn ở các tỉnh kế cận biểu diễn cồng chiêng cho du khách xem nhưng tôi không cảm nhận được không khí tình cảm như ở đây. Họ làm một cách qua loa, chiếu lệ, thấy thương mại lắm nên tôi không cảm nhận được cái hồn trong ấy”. “Tôi cũng đã chứng kiến người dân đánh cồng chiêng trong các buổi lễ thật sự như: Lễ đặt tên cho con, mừng đám cưới rồi hôm qua tôi lại may mắn được thấy họ diễn tấu trong lễ bỏ mả của người Ja Rai”. “Thật là kỳ lạ tiếng chiêng ở nơi đây như từ xưa vọng về khiến lòng tôi thổn thức. Nó làm tôi cảm thấy tâm trạng mình buồn hay vui theo mỗi bài chiêng, của từng loại chiêng mà thực chất tôi không hiểu được ngôn ngữ họ đang nói gì” “Bạn là người bản địa ở đây chắc hiểu hết ngôn ngữ ấy phải không?”. Rất vui khi nghe ông chia sẻ sự cảm nhận của mình về văn hóa cồng chiêng, “nhưng tôi cũng như ông không được may mắn sinh ra trong môi trường văn hóa cồng chiêng, tự nhiên nghe tiếng chiêng cất lên là thấy mê say đến lạ, rồi đâm nghiện cái âm tiết đơn giản nhưng lôi cuốn lạ kỳ, mỗi khi biết đâu có lễ hội là tôi lại đến để được chiêm ngưỡng vẻ mộc mạc, chất phác của các nông dân chân lấm tay bùn nhưng lúc chơi cồng chiêng họ như những người nghệ sĩ thực thụ; có lúc họ đánh theo những bài chiêng cổ nhưng đến lúc cao trào, họ tự mình diễn xướng những khúc chiêng bày tỏ nỗi lòng của mình… để làm được điều đó thì người đánh trống đi đầu giống như một nhạc trưởng của dàn giao hưởng, mọi thay đổi nhịp điệu tiết tấu là do ông điều khiển theo nhịp trống…”. Tôi đã cảm ơn ông về tình yêu của ông dành cho Kon Tum, nhất là những nhận xét xác đáng của ông về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đã đến lúc chia tay trở về thành phố, sau những bài hát giao lưu bằng những ngôn ngữ khác nhau của các đoàn để đáp lại tình cảm của dân làng Kon KơTu. Xe đã nổ máy chờ từ lâu mà mãi họ vẫn chưa rời bước. Cảm nhận được sự bịn rịn không muốn chia tay dù họ mới gặp nhau chỉ vài tiếng đồng hồ, chưa kịp trao đổi cho nhau những thông tin cần thiết, thậm chí vẫn còn ngập ngừng khi gọi tên nhau vì bất đồng ngôn ngữ giữa các dân tộc. Riêng tôi hiểu vì sao họ có thể lưu luyến như những người thân hay bạn bè lâu năm không muốn lìa xa, đó chỉ có thể là thứ âm thanh diệu kỳ “cồng chiêng” đã làm nên điều kỳ diệu đó. Vượt trên cả những ngôn ngữ nói thông thường, người dân làng KonKơTu đã tặng họ những tình cảm chân thành hiếm có… đó chính là điều họ mong muốn kiếm tìm trong chuyến hành trình du lịch trải nghiệm của mình. Trước khi chia tay, họ nắm tay tôi nói: “ Cảm ơn bạn và dân làng đã dành cho chúng tôi tình cảm thân thiện, hiếu khách, chúng tôi sẽ quay lại khi có thể…”.
Tôi biết trong tương lai không xa, chắc chắn sẽ có nhiều du khách nước ngoài tiếp tục đến Việt Nam, Tây Nguyên và Kon Tum để được tìm hiểu, thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên. Điều này đang đặt ra cho các ngành chức năng, đặt biệt là Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cơ hội và cả những yêu cầu thách thức mới. Như lời người du khách Pháp nhận xét trên vùng văn hóa Tây Nguyên, sự thật văn hóa cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Biểu hiện đầu tiên chính là sự thu hẹp của không gian văn hóa làng, nhiều làng hiện không còn giữ được nét đặc trưng của một làng dân tộc thiểu số truyền thống. Những ngôi nhà xây được xây dựng theo hình thức cư trú của người Kinh nằm đang xen, lộn xộn giữa những ngôi nhà sàn truyền thống, đã phá vỡ nét kiến trúc hài hòa vốn có gây phản cảm cho du khách. Đấy là chưa nói tới cái mai một bên trong không dễ gì khắc phục được: Đó là các nghi lễ truyền thống theo phong tục, tập quán của từng cộng đồng dân tộc mà ở đó cồng chiêng giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, vấn đề đặt ra trong lúc này chính là việc lựa chọn giải pháp nào bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.
Thiết nghĩ, song song với việc triển khai kế hoạch bảo tồn “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, các ngành chức năng cũng cần xây dựng một “chiến lược”, để giới thiệu văn hóa cồng chiêng với bạn bè thế giới, đặc biệt là những du khách nước ngoài trực tiếp đến với “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, chấm dứt hẳn tình trạng giới thiệu một cách tự phát, mang mục đích thương mại không có hồn, sai lệch di sản vô cùng quý hiếm này của nhân loại. Có lẽ đây cũng có thể được coi là một trong những kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa này.
Mong các cấp, ngành tích cực chung tay bảo vệ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” mãi mãi xứng đáng với danh hiệu: “Kiệt tác văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.
Tường Lam