Du khách nước ngoài với Kon Tum

757


   



6.2.2016.dl2
Vợ chồng du khách Gaby Franco-người Đức thăm cầu treo Kon Klor

Chiều thứ bảy, chủ nhật, mọi người đến thăm, hóng mát và chụp ảnh lưu niệm trên cầu treo Kon Klor  tại địa bàn phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum nhiều hơn thường ngày. Không khí thật đông vui, tấp nập. Dừng bước, tựa vào thành cầu, ngắm cảnh hoàng hôn trên sông, vợ chồng chị Gaby Franco-người Đức không dấu vẻ hào hứng, thích thú. Bằng vốn tiếng Anh còn khá khiêm tốn, chị vẫn cởi mở cho hay, vợ chồng chị đã có dịp đến thăm không ít địa danh trong bản đồ du lịch Việt Nam.Nơi nào cũng có vẻ đẹp và ấn tượng riêng.Tuy vậy, chưa ở đâu, chị thấy tuy nhỏ, nhưng mang nét độc đáo và gần gũi như Kon Tum.Cầu treo Kon KLor nằm ở vị trí đẹp. Ngay đầu cầu, là ngôi nhà rông rất “bản sắc”, mà lần đầu tiên trong đời, chị nhìn thấy.Ở làng Kon Klor, vợ chồng chị còn được đến thăm nơi dệt thổ cẩm, chỗ đan sọt tre, được thưởng thức rượu cần… Cuộc sống ở đây tuy còn đạm bạc, song thật bình yên. 

Hơn 20 năm sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại, thành phố tỉnh lỵ nói riêng và vùng bắc Tây Nguyên nói chung đang từng bước đi lên trong xu thế phát triển và hội nhập. Kon Tum ngày càng trở thành điểm đến của lữ khách gần xa, trong đó, có không ít khách du lịch nước ngoài.Trong tổng số gần 100 điểm du lịch đã được quy hoạch và đưa vào khai thác của tỉnh, địa bàn thành phố Kon Tum là nơi tập trung 32 điểm du lịch về văn hóa – di tích lịch sử, 03 điểm du lịch về lịch sử cách mạng và một điểm du lịch sinh thái. Địa bàn các huyện có 36 điểm du lịch về văn hóa – di tích lịch sử, 07 điểm du lịch về lịch sử cách mạng và 19 điểm du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng. Theo đà phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, hoạt động trong lĩnh vực du lịch từng bước khởi sắc. Theo thống kê của ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh, giai đoạn năm 2011-2015, lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh tăng bình quân 7,4%/năm. Cùng với gần 682.000 lượt khách trong nước, 5 năm qua, còn có trên 350.000 lượt khách nước ngoài đến Kon Tum. Lượng khách quốc tế đến địa bàn tỉnh liên tục tăng, từ khoảng 53.700 người ( năm 2011), lên hơn 60.100 người (năm 2012), 66.400 người (năm 2013), hơn 78.600 người (năm 2014) và gần 92.000 người ( năm 2015).

 



6.2.2016.1dl
Du khách làm quen với cồng chiêng của người Ba Na

 

Trong khoảng thời gian ngắn, ở thành phố Kon Tum, những nơi du khách ghé thăm gồm Bảo tàng Kon Tum, Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, cầu treo Kon Klor… Với  các Tour “dài hơi” hơn, sự chọn lựa được mở rộng với  khả năng chiêm ngưỡng nét đẹp mới lạ của Khu du lịch sinh thái Măng Đen, khám phá cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, hay thăm vùng chiến trường Đăk Tô – Tân Cảnh xưa. Đặc biệt, thú vị không thể bỏ qua là được hòa mình với thiên nhiên, tham quan rừng, thác, sông suối  và trải nghiệm cuộc sống dân dã với đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng, thôn thuộc thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy, Sa Thầy, hay xa hơn là Tu Mơ Rông, Đăk Glei… Không xa cầu treo Kon Lor, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi và trải nghiệm cuộc sống cùng bà con dân tộc BaNa làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa. Ngày đi thuyền độc mộc trên sông ĐăkBla, đêm lễ hội cồng chiêng, hay đơn  thuần chỉ là một món ăn dân dã …cũng để lại cảm nhận khó quên. Rong ruổi thêm một chút, du khách cũng có thể đến làng Plei T’Nghia, Kon Rờ Bàng, làng Kon Drei, làng Plei RơHai, Kon H’Ra chót… để tìm hiểu  nét đẹp văn hóa nhà rông, nhà sàn của đồng bào bản địa.

 

Chiêm ngưỡng nét đẹp độc đáo của nhà thờ gỗ, tòa giám mục, vợ chồng bà Elisabet cùng đoàn du khách người Pháp không khỏi ngỡ ngàng và thích thú. Họ lưu lại khá lâu để tìm hiểu thêm về lịch sử của những công trình kiến trúc đặc sắc của tôn giáo gắn với mảnh đất và con người bên dòng Đăk Bla, và say sưa chụp  nhiều ảnh lưu niệm.

 

Cùng với quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, thời gian qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến và hợp tác khai thác du lịch đã được tỉnh Kon Tum quan tâm đẩy mạnh. Không chỉ tham gia hội thảo hợp tác phát triển khu lịch 3 tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình định, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2012-2017 giữa ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh và Kon Tum cũng đã được ký kết. Bên cạnh đó, các sự kiện  văn hóa quy mô như Liên hoan dân ca, dân vũ khu vực Tây Nguyên, Tuần lễ Văn hóa, Du lịch Măng Đen – Kon Plông được tổ chức đã thu hút nhiều du khách, trong đó có khách du lịch người nước ngoài, góp phần giới thiệu,quảng bá du lịch vùng bắc Tây Nguyên.

 

Cùng với loại hình du lịch sinh thái được xác định là chủ đạo trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum, hiện nay, các điểm du lịch văn hóa – lịch sử – làng nghề, và đặc biệt là du lịch cộng đồng… cũng nằm trong sự chọn lựa của du khách nước ngoài  đến với Kon Tum. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, đón trên 530.000 lượt khách, trong đó có khoảng 189.000 lượt khách quốc tế. Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, đê phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch sinh thái, ngoài điểm nhấn Du lịch sinh thái Măng Đen, không ít địa chỉ tiềm năng như rừng đặc dụng Đăk Uy, lòng hồ thuỷ điện Ya Ly, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia…cần được tập trung đầu tư, khai thác. Song song với yêu cầu quan tâm đúng mức đến bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa, thắng cảnh tự nhiên, làng cổ, làng nghề, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương; nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân liên kết, hợp tác với các công ty lữ hành trong và ngoài nước xây dựng các tour du lịch gắn với các điểm đến du lịch của tỉnh, các tuyến du lịch liên tỉnh, quốc tế chính là yếu tố quyết định khả năng phát triển ngành du lịch của tỉnh thời gian tới.

 

Để thu hút ngày càng nhiều du khách nước ngoài đến với Kon Tum, hiện nay, chương trình liên kết với các tỉnh Miền Trung-Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, phát triển du lịch với các tỉnh Nam Lào, Đông bắc Thái Lan nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây và khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tiềm năng cần được tỉnh Kon Tum quan tâm hướng tới bằng một lộ trình thực sự cụ thể và hiệu quả ./.

 

Bài, ảnh: Nghĩa Hà



Đi đến nguồn bài viết