Rau rừng xào tỏi
Mùa mưa trên Kon Tum kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, đó cũng là mùa của rau rừng. Những cơn mưa rả rích ngày này qua tháng khác đã thấm đẫm đất đai, đánh thức mầm rau vươn lên, trồi cái thân màu tím bóng, ngọn mập mạp, lá non xanh mơm mởn. Sinh trưởng nơi núi rừng nên rau rừng rát sạch, bạn không lo phải thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu,… Thành phần trong rau rừng gồm: axit béo (AB+)10%, Vitamin C 12%, amoniacid 12, cho nên rau rừng còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mạnh, tốt cho mắt, tốt cho những người bị bệnh cao huyết áp, giúp giảm hàm lượng mỡ trong máu và có thể ăn thoải mái mà không lo tạo ra chất dư xấu trong cơ thể. Loại rau này thường mọc trên rừng, lan tràn trên bờ suối, hốc cây, thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát. Đồng bào miền núi sau khi đi nương rẫy về thường tranh thủ hái nắm rau rừng, ít quả cà đắng, vài con cá suối cho vào gùi mang về để chế biến món ăn cho gia đình. Đến thời kỳ chiến tranh, bộ đội thiếu thốn cái ăn, cũng học theo đồng bào dân tộc, ăn loại rau này, lạ miệng mà rất ngon lành. Thế rồi, rau rừng cứ thế lan tràn xa rộng, trở thành món ăn đặc sản của núi rừng.
Canh cua rau rừng
Trót mê mệt vị ngon của loài rau núi rừng, tôi lân la hỏi thăm người đầu bếp của nhà hàng Thủy Tạ (Thi Sách, TP. Kon Tum), được ông tiết lộ những món ăn chế biến từ rau rừng: rau rừng luộc, rau rừng xào tỏi, rau rừng xào thịt bò, canh cua rau rừng, cầu kì thì có rau rừng muối chua, rau rừng bóp gỏi gà,…Món luộc hoặc hấp đơn giản nhất nhưng xem ra lại là món có thể cảm nhận vị ngon của rau rừng một cách trọn vẹn nhất. Rau rừng khi còn tươi không có mùi vị gì đặc biệt, chỉ khi chế biến xong mới có vị thanh mát, giòn sần sật, rất dễ ăn. Đóng “cặp bài trùng” của rau rừng phải kể đến mắm cua muối (làm từ cua đồng giã nát, lọc xác, lấy nước rồi đem muối vài ngày). Gắp một cọng rau xanh mượt, chấm đẫm mắm cua màu vàng óng, thơm lừng, thật khó có món rau cao cấp nào vượt qua được vị ngon này. Nếu không có mắm cua, bạn có thể thay thế bằng mắm sặc (một loại mắm được từ thịt ba chỉ xắt nhỏ chưng với mắm cá, hương vị rất đạm đà). Chỉ một dĩa rau rừng và chút mắm cá sặc cũng làm nên bữa ăn ngon lành. Món canh cua rau rừng cũng ngon không kém, phải tìm đúng loại cua đồng, mà những người đồng bào dân tộc thiểu số hay bán dạo ở các tuyến đường Trường Chinh, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ,… Loại cua này nhỏ nhưng nhiều gạch, và vị ngọt đậm đà, còn loại cua mang từ Bình Định lên tuy lớn nhưng xác chứ không ngọt, bát canh không thơm. Giã cua xong bạn lọc bỏ bã, đun sôi nước cốt cua lên, cho gạch vào để lửa nhỏ liu riu cho gạch cua đông lại thành tảng. Sau đó nhẹ nhàng thả nắm rau rừng vào, khoảng 3 phút sau tắt bếp, bạn có ngay bát canh cua rau rừng ngon lành, mát ruột.
Trước đây, rau rừng chỉ có thể tìm thấy ở những cánh rừng hoặc bờ suối trên huyện Đăk Glei, Kon Rẫy, Kon Plông. Nhưng trước nhu cầu lớn của thị trường, rau rừng đã được đem về thành phố, trồng đại trà ở trong vườn. Lên thành phố Kon Tum, bạn sẽ thưởng thức đặc sản rau rừng ở nhà hàng Cơm niêu (đường Lý Thường Kiệt), Thủy Tạ (đường Thi Sách), Hiệp Thành (đường Nguyễn Huệ),.. Bạn cũng có thể mua rau rừng chưa chế biến tại chợ Duy Tân (đường Duy Tân), hoặc những sạp rau củ ở chợ Lớn (đường Trần Hưng Đạo),…Tuy nhiên, hình như thiếu “khí trời” nên rau được trồng cũng không được xanh mướt, và kém đi vị đậm đà, ngon ngọt như rau ở trong rừng.
Hà Oanh