Từ thành phố Kon Tum, chúng tôi phải đi tiếp hơn 100 cây số nữa mới tới trung tâm thị trấn huyện Đăk Glei. Con xe nóng rực vì những đoạn dốc quanh dãy núi Ngọc Linh. Ngọn núi này cao hơn 2.600 mét, biểu tượng cho sự hùng vĩ của miền đất Tây Nguyên và ý chí kiên cường của đồng bào Xê Đăng, Giẻ Triêng, Hrê. Bạt ngàn rừng cây xanh mướt cùng hương hoa cà phê thơm ngát trên nương rẫy từ phía xa…
Con đèo xoáy Măng Khen và nhà tù gắn với nhà thơ Tố Hữu
Trước khi lên tới Đăk Glei, đoàn xe phải vượt qua một con đèo bám sát làng Măng Khen (xã Đăk Choong). Người ta đặt tên cho nó là đèo Lò Xo vì chỉ dăm phút lại có một khúc cua tay áo đi lên. Đèo dài tới 20 cây số và ở độ cao ngàn mét. Không ít xe tải lớn đã bị bốc cháy khi xuống đèo vì dùng chân phanh liên tục mỗi khi chuyển vòng cua.
Nhiệt độ quá nóng đã phát nổ mô tơ và bình xăng bốc lửa. Con đèo này có tên “t ử t h ầ n” là vì thế. Vậy mà trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, con đèo này chính là huyết mạch trên đường mòn Hồ Chí Minh để quân đội ta chuyển vận tiếp tế lương thực vũ khí đạn dược vào mặt trận phía Nam. Trước kia thời Pháp thuộc, đèo Lò Xo cũng chính là những ổ phục kích trên núi tấn công giặc của đồng bào Tây Nguyên. Con đèo này là mồ chôn thực dân Pháp trong những năm kháng chiến từ đầu thập niên 40.
Để làm con đường 14 kéo dài từ thành phố Kon Tum lên Đăk Glei, thực dân Pháp đã bắt những người dân tộc đi vác đá làm đường (từ 1927 đến 1930). Từ những đồn bốt cao trên Đăk Glei, chúng có thể án ngữ những cung đường từ Quảng Nam lên và quốc lộ từ Lào sang.
Đèo Lò Xo khúc cua tay áo.
Núi non nơi đây hiểm trở với thú dữ rình rập nhưng còn ẩn chứa những nguy cơ khi bị du kích tấn công hết sức bất ngờ. Vậy bằng mọi cách chúng phải làm đường để đưa xe pháo lên núi cao. Hàng ngàn phu phen tạp dịch phải làm suốt ngày đêm. Ai không chịu đi làm sẽ bị bắt nhốt vào trại giam trên đỉnh đèo Lò Xo. Đầu tiên chỉ là lán giam nhỏ. Sau số lượng người bị giam tăng lên, giặc Pháp xây hẳn những ngôi nhà to. Nhà tù Đăk Glei được hình thành từ đó (1932).
Nhưng giặc Pháp không ngờ, phong trào kháng chiến ngày càng mạnh mẽ từ 1936 đến 1940. Những đội quân du kích xuất hiện ngày càng nhiều. Lực lượng cách mạng trưởng thành ở khắp nơi. Giặc Pháp ra sức đàn áp bắt bớ những chiến sĩ cách mạng. Chúng đã phải xây thêm ngôi nhà chắc chắn bằng đá để giam giữ những người bị án chung thân. Đó có thể coi là những tù nhân chính trị đầu tiên ở Đăk Glei.
Trong số đó có những người lãnh đạo phong trào như Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Chu Huy Mân, Lê Văn Hiến, Trần Văn Trà và đặc biệt có nhà thơ Tố Hữu. Nhưng để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa của Việt Minh, nhà thơ Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã được mọi người bí mật tổ chức cho vượt ngục (2-1942).
Trải qua 20 ngày đêm, nhà thơ đã được người dân tộc che chở nuôi dưỡng, dẫn đường trốn thoát khỏi đại ngàn bao la. Năm 1973, nhà thơ Tố Hữu đã có dịp đi công tác, quay lại Kon Tum và lên thăm chiến địa xưa. Ông đã làm bài thơ “Nước non ngàn dặm”, trong đó có những câu thơ nhớ lại những người dân tộc Xê Đăng và Giẻ Triêng đã giúp đỡ mình.
Ông viết: “Ôi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy/ Thương em cô gái sông My/ Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng…”. Sau này ngục tù Đăk Glei còn được đồng bào dân tộc Tây Nguyên đặt cho cái tên: “Nhà tù Tố Hữu”.
Người hùng Đăk Glei
Chính cánh rừng đại ngàn mà nhà thơ Tố Hữu được bà con bảo vệ che chở đã làm nền cho Nguyễn Trung Thành (nhà văn Nguyên Ngọc) sau này viết thiên truyện ngắn “Rừng Xà Nu” (1965). Nhân vật già Mết là biểu tượng cho một anh hùng có thực ngoài đời (ông A Met) ở làng kháng chiến Xốp Dùi (Đăk Glei).
Câu chuyện có hư cấu và thay đổi tên làng và những gì liên quan bởi lẽ khi đó làng vẫn còn trong sự kiểm soát của giặc Mỹ. Ngay đến cả tên cây như Xà Nu cũng được thay cho cây thông ba lá ở tại căn cứ địa kháng chiến. Nếu đứng trên ngục Đăk Glei nhìn xuống ta cũng thấy bạt ngàn rừng thông xanh điệp trùng trước mắt.
Những câu chuyện của anh hùng A Met ngỡ huyền thoại vậy. Bởi cách đánh giặc Pháp của ông rất kỳ lạ và táo bạo. A Met (người Xê Đăng) tên thật là Đinh Môn (1913-2000), người đã đứng ra vận động dân làng Xốp Dùi vùng lên kháng chiến chống lại giặc Pháp từ rất sớm.
Những trận phục đánh giặc càn của đội quân A Met chỉ toàn giáo mác, cung nỏ. Vậy mà từ những ụ nấp trên đỉnh dốc hay đặt bẫy dưới thung lũng các nghĩa sĩ đã tiêu diệt nhiều toán giặc mò vào làng. Tài bắn cung nỏ rất chuẩn xác của các chiến sĩ đã hạ gục hàng chục tên mà không tốn bao công sức. Riêng tay cung A Met bắn đâu trúng đó. Phát nào cũng trúng con mắt giặc.
Thuốc độc ngấm nhanh vào người, bọn giặc chết cứng đổ vật xuống đất. Từ đó các dũng sĩ đoạt được vũ khí và đạn dược của giặc Pháp gom về dùng dần. Sự xuất quỷ nhập thần của A Met làm giặc điên đầu. Chúng không hề biết mặt A Met nên treo giải lớn cho ai bắt được ông, hoặc nộp thủ cấp A Met cũng trọng thưởng.
Có hôm một người mặc áo sĩ quan ngụy vào đồn Pháp nói dẫn đi bắt A Met để nhận thưởng. Người này khoe biết chỗ A Met ẩn nấp. Đội quân giặc Pháp rùng rùng kéo nhau đi. Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào gần hang núi thì người sĩ quan kia quay lại hô to: Tao là A Met đây! Rồi biến mất sau tảng đá lớn. Không ngờ đó chính là hiệu lệnh.
Tên, đạn bắn ra tới tấp. Giặc Pháp quay đầu cũng không được nữa vì rơi vào bẫy chông của A Met. Hơn chục tên mũi lõ gục chết trong tức khắc. Lại có lần chính A Met bị sốt rét nằm vật dưới đường ở làng bên. Giặc Pháp đi tuần qua thấy vậy chỉ ngỡ là một người Xê Đăng đã chết chứ biết đâu đó chính là tên A Met mà chúng đang lùng kiếm.
Gian trưng bày miêu tả cảnh giam cầm chiến sĩ cách mạng tại ngục Đăk Glei.
Dân làng bị giặc bắt khênh xác người này ném vào hang núi cho hổ ăn. Hôm sau mọi người đi qua nhìn lên hang thấy A Met đang ngồi cuốn thuốc lá hút. Họ hoảng hốt tưởng là hồn ma báo oán nên bỏ chạy. Ông hô lớn: Tao là A Met đây, không phải là ma. Ông vỗ ngực rồi ha hả cười vang động cả rừng núi.
Tới năm 1949, đồng chí Trần Kiên lúc đó lên tận Xốp Dùi kết nạp A Met vào Đảng rồi cho thành lập đội du kích có võ trang. A Met còn được phân công làm Huyện đội trưởng Đăk Glei. Với biệt tài chỉ huy, A Met đã tổ chức cho đội quân bố trí nhiều trận đánh đồn làm giặc hoang mang lo sợ.
Năm 1954, A Met được cử ra Bắc học tập và nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến. Trở về ông làm Bí thư chi bộ xã Xốp Dùi. Ngay cả giặc Mỹ sau này cũng không thể nào vây bắt được ông. Mỗi lần xuất trận là A Met đem lại chiến công bất ngờ. Nhiều vùng đồng bào Xê Đăng và Hrê được tự do. Giặc không dám bén mảng đến.
Đến năm 1972, A Met còn được bầu làm Bí thư Huyện ủy H30 (Đăk Glei). Ông lại tiếp tục góp công chỉ huy các đoàn quân đánh giặc Mỹ cho đến ngày toàn huyện Đăk Glei được giải phóng (16-5-1974). Sau này A Met được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự tôn vinh xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với người anh hùng của rừng núi Kon Tum
Điệu ru Xê Đăng
Cánh rừng nguyên sinh Ngọc Linh luôn vang lên tiếng chim kêu vượn hót. Một bài ca thiên nhiên tưng bừng khi bình minh lên. Những vòm mây tan dần làm lộ ra những tán cây xanh um. Con thác trên đèo Lò Xo chảy từ trên cao càng trở nên trong vắt và bụi nước trắng xóa cả một vùng. Những phút tĩnh lặng của gió bắt đầu khi tiếng ru của người mẹ trẻ Xê Đăng bên cánh võng.
Có lẽ họ sẽ quên đi bước chân hối hả dẫn đường cho những chuyến xe đi trong đêm. Họ có thể quên đi những ngày vác đạn đến mặt trận và những đêm tập kích đồn giặc trên đỉnh đèo… Những người mẹ lại trở về với bài hát ru con của mình.
Bản làng ngọt ngào trong lời ca: “Em ơi em ngủ cho ngoan. Ngoài rừng xa cha đang đi hái măng non. Ngủ ngoan hỡi em ơi. Nơi xa mẹ tìm được ngọn rau non. Đừng khóc nữa hỡi em ơi” (dân ca Xê Đăng). Đúng vậy! Đăk Glei chỉ cần có thế. Bình yên và Hạnh phúc.