Đặc sản Măng le Kon Tum

1042

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Măng le, sau khi hoàn tất việc làm cỏ, bón phân trên rẫy cho cây lúa, cây sắn. Người dân trong các làng của huyện Kon Rẫy và Đăk Tô và các làng gần thành phố Kon Tum lại rủ nhau vào rừng kiếm Măng đem bán. Công việc không đến nỗi vất vả mà số tiền bán Măng thu được sau mỗi ngày giúp người dân mua gạo, mua thức ăn cho cả gia đình. Ngoài ra, họ cũng hy vọng từ số tiền bán Măng dư ra mỗi ngày nếu gom từ đầu đến cuối vụ, nhiều nhà cũng sẽ sắm được mấy bộ đồ mới, cái cặp, đôi dép cho con chuẩn bị vào năm học mới như mọi năm.

Giống như mọi người dân trong làng KonJơRi (xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum), vợ chồng Chị Phiêu vào những ngày này cũng lên rừng lấy Măng mang ra chợ bán. Chị chia sẻ thực tế một ngày đi “ăn Măng”: “Hai vợ chồng mình đi ngược lên trên thượng nguồn sông Đăk Bla, chỗ rừng trên đó còn Măng nhiều, mỗi ngày mình đào cũng được hơn chục ki lô Măng tươi. Hôm nào về sớm là vợ chồng mình mang Măng ra phố bán cho được giá còn bữa nào về muộn thì mình bán luôn cho mấy người thu mua đợi ở bến sông hay thỉnh thoảng mình đem luộc rồi hôm sau mới bán. Tính trung bình vợ chồng mình cũng kiếm được gần 150  ngàn đồng mỗi ngày đi”.

Măng được bà con lấy từ rừng ra gồm nhiều loại như: Măng nứa, sâm lũ… nhưng phổ biến nhất vẫn là Măng le. Có nhiều cách, nhiều món ăn có thể chế biến được từ Măng và khá “khoái khẩu” nên chính vì vậy mà Măng le trong nhiều năm qua chưa hề khó bán bất kể đó là Măng tươi mới lấy từ rừng hay là Măng đã được sấy khô.

Nộm măng và tôm thịt
Nộm măng và tôm thịt
Thịt gà kho măng
Thịt gà kho măng
canh ghẹ nấu măng chua
Canh ghẹ nấu măng chua
măng chua xào tôm và sa tế
Măng chua xào tôm và sa tế
Miến măng gà
Miến măng gà
Nấm kho măng
Nấm kho măng
Đậu phụ xào măng
Đậu phụ xào măng
Thịt gà xào măng tươi
Thịt gà xào măng tươi
Măng khô hầm xương
Măng khô hầm xương
Măng xào thịt lợn
Măng xào thịt lợn
Sườn kho măng
Sườn kho măng
Chân giò hầm măng
Chân giò hầm măng

 

Măng tươi chưa luộc, người dân bán với giá 9.000 – 10.000 đồng, còn đối với Măng đã luộc, giá là 12.000 đồng/kg. Những làng có nhiều đầu mối mua Măng sau khi thu mua sản phẩm Măng tươi, họ dựng nên những lò thủ công  hoạt động cả ngày lẫn đêm để sấy Măng tại chỗ như làng Đăk Mong, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô hay các làng trên xã Đăk Ruồng, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Để ra thành phẩm 01kg Măng khô không phải là điều đơn giản, nó cần gần tới 15 kg Măng tươi và nhiều công đoạn… tốn công khác. Chị Huệ, một Chủ lò sấy Măng làm ăn lâu năm trên địa bàn huyện Đăk Tô cho biết: “Mùa Măng cũng là mùa mưa nên phải chuẩn bị nhiều lò sấy hoạt động cả ngày đêm để cứu Măng khỏi hư. Vì Sau khi thuê nhân công gọn, tỉa, luộc rồi chị cho người mang xuống chợ bỏ mối nhưng phần lớn là chẻ Măng rồi sấy tại chỗ, mà công đoạn sấy này cực lắm phải trông coi cả ngày đêm để Măng đủ độ lửa, vừa khô, không giòn quá mất độ thơm tự nhiên hay dẻo quá còn nước là dễ bị mốc không để được lâu…”.

“Miếng ngon” Măng le không còn giới hạn cho cư dân trong vùng. Từ lâu nó đã trở thành món “quà quý” gửi cho gia đình, cho bạn bè bốn phương của những người dân Kon Tum. Ai đã có dịp đi nhiều, thưởng thức nhiều món Măng ở các nơi mới cảm nhận hết được sự thú vị và hương vị rất riêng của Măng le. Chính điều này đã khiến cho Măng le mặc dù chưa có một “thương hiệu” chính thức song không hề rẻ so với nhiều loại thực phẩm khác. Năm nay, ngay tại những lò thủ công tại thời điểm chính vụ, Măng khô được bán với giá phổ biến 190.000 đồng/kg, còn ở tại thành phố Kon Tum giá Măng khô ngon không dưới 200.000 đồng/kg.

Chị Huệ, Chủ lò sấy cũng cho biết thêm “dân mình chuộng Măng le lắm. Sấy ra tới đâu bạn hàng cũng lên lấy hết mang về thành phố bán. Măng le ngon vì nó đặc ruột, có vị ngọt, bùi chứ không đắng, chát…”.

Cho tới thời điểm hiện nay chưa có một cá nhân nào trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đầu tư xây dựng lò sấy Măng le nhằm khắc phục những nhược điểm mà lò thủ công đang gặp phải, như tốn công, tốn củi, tốn thời gian mà chất lượng không cao. Cũng như chưa một cá nhân nào nghĩ tới việc trồng Măng le để phát triển kinh tế gia đình. Trong khi Măng Bát bộ, Điền trúc … thì đã có nhiều người làm và cũng không ít người hao tài tốn của song hiệu quả thu được không đáng kể.

Liệu có chủ quan khi nói rằng: trong quá trình đưa giống mới vào sản xuất nông lâm nghiệp, bà con nông dân và cả các ngành chức năng thường quan tâm nhiều hơn tới những loại giống mới, còn những cây bản địa ít được nghiên cứu thử nghiệm. Từ chuyện cây Măng le – Một đặc sản hiện chưa có thương hiệu chính thức, chúng ta cũng cần đầu tư, quan tâm nhiều hơn đến sự phát hiện, phát huy tiềm năng sẵn có của tỉnh không chỉ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Nếu làm được điều này, biết đâu Măng le Kon Tum lại có thể xây dựng cho mình một “thương hiệu” riêng giúp người dân sống được từ rừng. Chỉ có như vậy người dân mới thấy được lợi ích từ rừng để tham gia bảo vệ rừng tốt hơn.

Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết