Tuyến đường tránh phố núi Pleiku có dốc dựng đứng bao quanh bởi khung cảnh xanh mướt là điểm chụp ảnh của nhiều du khách.
Con đường dốc thuộc một phần tuyến tránh của TP Pleiku, Gia Lai đi Kon Tum, thuộc địa phận xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Đoạn đường trải dài khoảng 1 km, với những cây muồng đen trổ hoa vàng hai bên đường. Muồng đen và muồng vàng là các loại cây được nhìn thấy nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên, có tác dụng che bóng, chắn gió cho các vườn chè, cà phê.
Đây là ảnh của tác giả Chu Thế Dũng (Gia Lai), sau khi chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của du khách.
Trên đoạn đường tránh này có nhiều cảnh quan thơ mộng xung quanh, trong đó có nông trường chè Bàu Cạn thuộc huyện Chư Prông.
“Lang thang vào sớm mai, du khách có thể bắt gặp cảnh công nhân hái lá chè trên nông trường giữa khung cảnh yên bình, bầu không khí trong lành và đầy tiếng chim kêu, mang tới cảm giác sảng khoái”, anh Dũng cho biết.
Cảnh xe vận chuyển lá chè sau khi hái về nhà máy chè Bàu Cạn.
Đồi chè Bàu Cạn là một trong những địa điểm được du khách yêu thích tham quan khi đến Gia Lai, với những đồi chè xanh mướt rộng lớn vào mùa xuân và mùa hạ. Vào mùa thu, mùa đông nơi đây còn được điểm xuyết bởi những cây muồng vàng và các khóm hoa dã quỳ.
Phía xa là cánh đồng lúa mới cấy được trồng ở vùng đất thấp, trên vùng đất cao hơn được người dân trồng cà phê.
Vườn cà phê mênh mông đang giai đoạn nuôi trái non tại huyện Ia Grai.
Ngoài nông trường chè, vào thời điểm này du khách có thể bắt gặp các cánh đồng trồng cây ăn trái xanh tươi như mít (ảnh), bưởi hay bơ.
Chủ vườn đang chăm sóc cây cà phê, với những chùm trái xanh trĩu cành. Nhờ đặc điểm thổ nhưỡng là đất đỏ bazan màu mỡ, Gia Lai trở thành một trong những “thủ phủ cây cà phê” ở Tây Nguyên.
Còn nếu du khách muốn ngắm mùa hoa cà phê trắng muốt, thì nên đi vào mùa hoa từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, mỗi đợt kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Trên đoạn tuyến tránh, du khách bắt gặp ngã tư, một hướng đi thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai và một hướng đi TP Pleiku. Trong ảnh là Thiền viện Trúc Lâm Gia Lai được nhìn từ khu vực núi Đá, cách ngã tư đường tránh Pleiku khoảng 6 km.
Núi Đá cao khoảng 830 m, phía trên có địa hình thoai thoải, có thể quan sát được bốn phía, hồ nước trong xanh giữa các ngọn đồi và các khu rừng thông xanh tươi trải dài đến huyện Ia Grai.
Một cặp đôi đang tận hưởng không khí trong lành tại khu vực núi Đá. Đây là địa chỉ ngắm cảnh và chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách.
Một đoạn dốc khác trên tuyến tránh TP Pleiku, thuộc địa phận xã Gào, vùng ven tây nam Pleiku, đi ngang qua các khu rừng thông và tràm.