Bước phát triển của các loại hình và sản phẩm Du lịch Kon Tum

1296

Với tiềm năng tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan, loại hình du lịch đặc trưng của Kon Tum là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch thể thao mạo hiểm kết hợp với tham quan, nghiên cứu…với những sản phẩm cụ thể như: Tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa Kon Tum-Tây Nguyên, hướng về cội nguồn các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Tham quan các di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội và sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc các nền văn minh, văn hóa các dân tộc ít người, các làng nghề truyền thống.

4.9.2014.1%20ttdl Khu dịch vụ du lịch Kon Tum – Khách sạn Đông Dương

 

Tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học như Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu du lịch Đăk Ui…Nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở các vùng cảnh quan như: Khu nước khoáng Đăk Tô, Vùng lòng hồ chứa nước Ya Ly, Khu du lịch Đăk Bla và khu du lịch sinh thái Măng Đen…

 

Những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối khá, trong giai đoạn 2008 – 2012 số lượt khách du lịch đến Kon Tum tăng bình quân 22%/năm, từ 85.895 lượt du khách năm 2008 tăng lên 186.041 lượt khách năm 2012. Lượng du khách nội địa của tỉnh tăng đều qua các năm. Năm 2012, lượng khách nội địa đạt 168.506 lượt người, tăng 45.459 lượt khách so với năm 2008. Bình quân giai đoạn 2008-2012 khách nội địa tăng 23,25%/năm. Nhìn chung khách nội địa đến Kon Tum chủ yếu với mục đích tham quan các di tích lịch sử và thưởng ngoạn các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch kèm công vụ… Lượng khách quốc tế đến Kon Tum qua các năm tuy có tăng nhưng không đáng nhiều và không ổn định, bình quân giai đoạn 2008-2012 tăng 13,25%, chủ yếu tới từ các nước Anh, Pháp và Thái Lan.

 

Một số nguyên nhân chính dẫn tới mức tăng trưởng cao được xác định là: Kết cấu hạ tầng của tỉnh đã từng bước được cải thiện, phát huy tác dụng của cửa ngõ phía Bắc Tây Nguyên và ngã Ba Đông Dương, làm tăng đáng kể khả năng tiếp cận của khách du lịch từ nhiều hướng khác nhau, với những loại phương tiện giao thông khác nhau. Một số dự án đầu tư du lịch đã đưa ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng cao hơn, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường hơn… Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch của Kon Tum, chứng tỏ ngành du lịch đang đứng trước những cơ hội rất thuận lợi để phát triển và cần phải nắm bắt cơ hội này để phát triển vươn lên, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình. 

  4.9.2014.2%20ttdl Khu tham quan di tích lịch sử và văn hóa Đăk Tô

 

Khách du lịch quốc tế đến Kon Tum bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chủ yếu là theo đường bộ từ Đà Nẵng – trung tâm du lịch của miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm phân phối khách lớn nhất của cả nước. Trong vài năm gần đây đã có một lượng khách du lịch quốc tế theo đoàn du lịch Caravan đến Kon Tum và đi ra khỏi biên giới Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y (Ngọc Hồi – Kon Tum). Thị trường khách quốc tế đến Kon Tum chủ yếu là thị trường khách du lịch Pháp và Anh, sau đó là thị trường Thái Lan và các thị trường khác.

 

Doanh thu ngành du lịch Kon Tum có mức tăng trưởng cao. Trong suốt giai đoạn 2009-2012 doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 17,67%, tăng từ 28.441 triệu đồng năm 2008 lên 46.330 triệu đồng năm 2012 (Niên giám thống kê Kon Tum năm 2013). Sở dĩ doanh thu của ngành du lịch tăng nhanh trong những năm qua là do sự tăng nhanh về lượng khách đến du lịch tại Kon Tum. Tuy nhiên, xét trên mức chi tiêu và số ngày lưu trú bình quân của du khách vẫn còn thấp. Năm 2011 mức chi tiêu bình quân một ngày của du khách chỉ hơn 254 ngàn đồng và số ngày lưu trú bình quân của du khách là 1,88 ngày (lưu trú bình quân của khách nộ địa là 2,09 ngày, cao hơn so với 1,58 ngày là số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế). Điều này chứng tỏ các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh còn khá đơn điệu, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, chưa đủ sức thúc đẩy du khách chi tiêu cũng như giữ chân du khách ở lại dài ngày hơn. 

  4.9.2014.3%20ttdl Khách sạn ở Măng Đen – Kon Plông

 

Về cơ sở lưu trú trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển. Năm 2006 toàn tỉnh có 21 cơ sở với 410 phòng, năm 2008 có 25 cơ sở với 553 phòng và đến năm 2011 có 51 cơ sở với 979 phòng. Số lượng ngày lưu trú của khách tại Kon Tum cũng tăng lên đáng kể, năm 2006 là 55.598 ngày, đến năm 2011 là 281.315 ngày tăng hơn 5 lần so với năm 2006. Bên cạnh đó, công xuất phòng bình quân cũng có xu hướng tăng, 69,5% năm 2011 so với 59,8% năm 2006. Đa số các cơ sở lưu trú tại Kon Tum mới chỉ đáp ứng được nhu cầu nghỉ của khách, còn trong và ngoài khách sạn thiếu các dịch vụ hỗ trợ du khách như các khu vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực hấp dẫn. Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế và nguồn nhân lực trong ngành thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa đáp ứng tốt được nhu cầu của du khách.

 

Mặc dù hoạt động khách sạn trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhưng hoạt động lữ hành vẫn là lĩnh vực còn khá mới mẻ. Năm 2011 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 03 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành, nên phần lớn lượng du khách đến Kon Tum đều phụ thuộc vào các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ngoài tỉnh.

 

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các trung tâm mua sắm với chất lượng hàng hóa, dịch vụ ngày càng được nâng lên, phong phú, đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã với nhiều loại hình và kênh phân phối, do vậy đã đáp ứng một phần nhu cầu của mua sắm của du khách. Tuy nhiên, các cơ sở này có qui mô nhỏ, khó có khả năng đón các đoàn khách lớn, các nhà hàng bài trí đơn giản, món ăn chưa phong phú và vấn đề vệ sinh thực phẩm cũng chưa được chú trọng đúng mức. Các cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí như công viên, sân thể thao, nhà thi đấu, nhà văn hóa…đã bước đầu được quan tâm đầu tư, nhưng nhìn chung các điểm vui chơi giải trí đều còn ở qui mô nhỏ, các loại hình sản phẩm đơn điệu, các phương tiện vui chơi giải trí, tham quan còn thiếu, chưa thu hút được du khách cũng như kéo dài thời gian lưu trú của khách.

 

Nguồn nhân lực làm du lịch ở Kon Tum có số lao động trong ngành du lịch tăng theo từng năm, năm 2006 chỉ có 755 người, đến năm 2008 tăng lên 862 người và đến năm 2011 số lao động trong ngành du lịch đã tăng lên 1.297 người, bình quân giai đoạn 2006-2011 tăng lên 11,43%. Tuy nhiên, phần lớn đều tập trung vào lực lượng lao động có trình độ từ cao đẳng, trung cấp trở xuống, còn lực lượng lao động có trình độ đại học và trên đại học còn thiếu, nhất là lao động có trình độ chuyên ngành về du lịch.

 

Trong thời gian qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Kon Tum được thực hiện bằng khá nhiều hình thức khác nhau như thông qua các website điện tử, các ấn phẩm, bản đồ du lịch, tham gia các hội thi và các ngày hội xúc tiến thương mại và du lịch…đã thực hiện việc cung cấp thông tin quảng bá tiềm năng du lịch địa phương trên website của chương trình kích cầu du lịch năm 2010 của Tổng cục Du lịch. Phát hành ấn phẩm Du lịch Kon Tum – Huyền thoại đại ngàn, cung cấp thông tin về du lịch của tỉnh để hỗ trợ Công ty SANTA xuất bản sách “Cẩm nang Du lịch Việt Nam 2010- VITRADI 2010”, cung cấp thông tin du lịch Kon Tum để Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Nam Biển Đông xuất bản cuốn sách “50 năm Du lịch Việt Nam-Thành tựu và phát triển”. Phối hợp tái bản sách “Trang vàng du lịch Việt Nam” nhằm giới thiệu về tiềm năng và triển vọng du lịch Kon Tum. Phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch cùng các doanh nghiệp du lịch tham gia Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh nhằm tuyên truyền quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ về du lịch của Kon Tum để phát triển ngành du lịch của tỉnh trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương và liên kết với khu vực, cả nước và quốc tế, tạo đà cho du lịch Kon Tum đạt được những kết quả to lớn hơn, góp phần phát triển kinh tế xã hội và tăng trưởng bền vững của tỉnh.

 

Trần Vĩnh (tổng hợp)

Đi đến nguồn bài viết