Bếp lửa trong đời sống người dân tộc thiểu số Kon Tum

713

Giữa đêm đông lạnh giá, bếp lửa vẫn bập bùng trong những ngôi nhà sàn, tỏa ra ánh sáng ấm áp, bất chấp gió mưa, che chở cho dân làng qua mùa đông lạnh lẽo. Là nơi để nấu cơm, sưởi ấm, nơi người già kể chuyện, người trẻ học những câu chuyện cuộc đời, nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, nơi tụ hội cho những câu hát, giao duyên, khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa. Bếp lửa đối với người dân tộc thiểu số Kon Tum không chỉ là không gian sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình mà còn mang ý nghĩa tâm linh cao cả.

23 7 2013 1 dulich Ngọn lửa trong đêm lễ hội

 

Lửa trong đời sống tâm linh

 

Từ xa xưa, đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum đã gắn liền với ruộng rẫy, rừng rú nên cần thiết vai trò của lửa hơn bao giờ hết. Bắt đầu từ trong đời sống tâm linh, lửa đóng một vai trò quan trọng trong ngày lễ hội của dân tộc. Theo quan niệm cổ truyền, người đồng bào dân tộc luôn tin tưởng vào Thần Lửa – vị thần hiện thân cho may mắn phù hộ cho người cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thần Lửa có mặt trong mọi lễ hội của gia đình như lễ mừng thọ, lễ thổi tai, đón mừng năm mới, cúng lúa mới…họ đem rượu cần mang ra, lửa nổi lên, nhảy múa xung quanh bếp lửa bập bùng. Cứ đến ngày đầu năm mới, mỗi gia đình cử 1 người đi rước Thần Lửa từ nhà rông về nhà mình, trang trọng châm vào bếp, lửa đỏ bừng đón mừng ngày đầu năm mới, lửa cháy sáng đem đến niềm tin được mùa no đủ, gia đình an vui sung túc, con trai, con gái khoẻ đôi vai, dẻo đôi chân. Buổi lễ cúng gọi thần Lửa đã được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, đến đêm hành lễthì dân làng tụ tập đầy đủ dưới khoảng sân trước Nhà rông. Khi tù và cất lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu, toàn thể dân làng hướng về già làng, lắng nghe tiếng cầu khấn của già làng cũng là tâm nguyện của cả cộng đồng. Sau lời khấn, chính tay già làng giết gà, trâu, heo hoặc dê hiến tế, dùng máu con vật hiến sinh bôi lên những ngọn đuốc đã chuẩn bị chờ sẵn và cọ hai thanh tre vào nhau để phát ra ngọn lửa. Ngọn lửa sáng lên giữa đêm trường núi rừng, thắp sáng mọi ngõ ngách tối tăm, ngọn lửa được chia về với từng bếp lửa cộng đồng.

 

23 7 2013 2 dulich Người Giẻ Triêng thưởng thức rượu cần bên bếp lửa – Ảnh: Nguyên Kol

 

Mỗi dân tộc đều có tục thờ Thần Lửa nhưng quan niệm khác nhau: Người Cờ Ho cũng có lễ tục cúng thần lửa vào đầu năm mới, ngọn lửa thiêng ấy được giữ gìn suốt năm; Người Ca Dong thờ bếp thiêng ở trong buồng kín, được giữ gìn cẩn thận, xem thần lửa như người chăm lo cho sự sống gia đình; Người Êđê và Mnông xem lửa là vị thần may mắn, phù hộ cho cuộc sống sung túc; Người Xê đăng thường tổ chức lễ lấy lửa trong lễ hội máng nước vào mùa xuân. Người Cơ Tu sinh sống trong những ngôi nhà dài gồm nhiều thế hệ, bếp là không gian sinh hoạt chính của đồng bào. Bên phía trên bếp, chủ nhà thường treo các đầu lâu của nai, con mang, hươu, bò rừng,…với cầu mong Giàng luôn phù hộ cho gia đình họ săn bắt được nhiều thú rừng. Đối với người Giẻ Triêng, bếp luôn được chủ nhà bảo vệ hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt; trẻ em không được nghịch lung tung, gây xáo trộn bếp. Khách đến nhà được chủ nhà trân trọng mời ngồi quanh bếp lửa tiếp chuyện, nhưng không được lấy đũa hoặc cây củi gạt cời bếp, gõ vào bếp vì theo quan niệm làm như vậy là làm tổn hại đến thần lửa, thần nổi giận gây xấu cho gia đình chủ. Khi một gia đình xây nhà, việc đặt bếp cũng được chú ý, phải xem xét kĩ vì mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Sau khi thực hiện các nghi lễ liên quan, chủ nhà tổ chức giết heo, gà để cúng thần lửa trước khi các thành viên vào nhà ở, sinh hoạt, nấu nướng.

 

Trong đời sống sinh hoạt thường ngày

 

Với cuộc sống còn nặng tính săn bắt, ít có trao đổi thị trường nên việc để dành thức ăn là tất yếu, và bếp lửa chính là nơi lưu trữ thức ăn tốt nhất. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến thịt rừng gác bếp nổi tiếng của người đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum. Thịt thú rừng săn về ăn không hết, được xẻ thành từng miếng, ướp chút muối rồi treo lên phía trên bếp. Qua một thời gian, hơi nóng tỏa lên miếng thịt săn lại, được bọc thêm một lớp bồ hóng nên có màu nâu trầm tự nhiên, giữ nguyên vị ngọt, nướng sơ trên bếp than đã nghe thơm lừng cánh mũi. Khách đến nhà, ngồi bên bếp lửa trò chuyện, thưởng thức thịt rừng gác bếp, thêm chút rượu ghè, thật khos có khoảng khắc nào tuyệt vời hơn.

 

23 7 2013 3 dulich Người phụ nữ H’re bên bếp lửa – Ảnh: Đình Dũng

 

Giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, bếp lửa là nơi diễn ra mọi sinh hoạt hàng ngày giản dị. Nơi người lớn gặp gỡ nhau, bàn tính chuyện làm ăn, dựng vợ gả chồng cho con cái, chia sẻ những buồn vui… họ quan niệm rằng, lửa sẽ xua tan đi bao điều không tốt lành và đem đến những điều may mắn, ấm áp. Khách đến nhà nhóm lửa lên là tỏ lòng hiếu khách, chân tình, chủ nhà và khách quây quần bên bếp lửa hồng tâm tư, trò chuyện, Bếp lửa luôn luôn đỏ để đem đến sự no đủ, giữ cái hồn trong gia đình. Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho mỗi gia đình… Trên nương rẫy, mỗi gia đình có cái chòi nhỏ để canh lúa ngô cũng đặt một bếp lửa nhỏ để nấu nướng, canh giữ những sản phẩm của họ trên nương rẫy. Ban đêm, bếp lửa trong chòi nhỏ để che chở cái lạnh mùa đông, xua đuổi rắn rết, thú rừng, là tín hiệu mừng cho những ai lỡ độ đường xa. Trước khi rời khỏi nương rẫy, bao giờ chủ nhân cũng vùi lửa, vun tro than thành đụn và đặt lên đó một hòn đá như là dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần lửa, không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua. Những mùa đông về, không gì ấm áp hơn cảnh cả gia đình quần tụ bên bếp lửa bập bùng, nghe già làng kể chuyện xưa, sử thi, con cháu ngồi xung quanh, lắng nghe từng câu chuyện. Cũng có những ngày hội, cả dân làng cùng tập trung, người già ngồi với nhau, cùng ôn lại kỉ niệm xưa. Đám thanh niên vừa ca hát, vui chời, là dịp để trai gái ngỏ lời, bày tỏ lòng mình.

 

Ngày nay, kinh tế phát triển và để phù hợp với môi trường sống mới, nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới xong đã xin phép hai bên gia đình ra ở riêng, làm nhà riêng những vẫn thực hiện nghi lễ quan trọng khi lập bếp. Nền văn hóa cũng có nhiều đổi thay đáng kể nhưng đối với người đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum bếp lửa vẫn giữ ý nghĩa linh thiêng, và những tập tục chung quanh bếp lửa vẫn giữ nguyên vẹn./.

 

Hà Oanh

Đi đến nguồn bài viết