Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở Kon Tum

515


 

9.11.16

Nếu trước đây thổ cẩm dân tộc thường được sử dụng với mục đích tặng, biếu, làm của hồi môn, trao đổi sản phẩm qua lại theo hình thức “hàng đổi hàng” thì hiện nay, sản phẩm đó đã có vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế của đồng bào, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình.

 

Bên cạnh việc dệt vải để làm khố, váy, áo, thắt lưng, dây buộc tóc, tấm địu em bé… còn dệt một số mặt hàng thổ cẩm mới như khăn trải bàn, túi thổ cẩm, ví, cặp sách, mũ, tấm rèm, khăn phủ ti vi, gối… Tại một số buôn làng việc sản xuất các mặt hàng thổ cẩm đã được người dân quan tâm từ lâu. Ngoài các nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước, người dân tự bỏ vốn đầu tư khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm đã hình thành các cơ sở sản xuất nghề dệt truyền thống thu hút được nhiều lao động tham gia, đã tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc, hoa văn, có dấu ấn riêng của dân tộc mình. Chính vì thế mà sản phẩm dệt đã được mang đi giới thiệu tại các cuộc triển lãm làng nghề, hội chợ trong nước.

 

Hàng thổ cẩm xuất hiện ở các quầy hàng lưu niệm tại thành phố Kon Tum với một danh mục phong phú, có mẫu mã, hoa văn, màu sắc, kiểu dáng bắt mắt, các sản phẩm dệt mang màu sắc hiện đại, mới mẻ. Bên cạnh việc sản xuất hàng thổ cẩm để bán, người dân còn để dùng cho nhu cầu của chính mình. Phụ nữ các dân tộc tỉnh Kon Tum còn biết dệt những chiếc túi thổ cẩm vừa có hoa văn đẹp, vừa trang trí các chữ số, chữ phổ thông để lưu niệm hoặc dành tặng cho con cái.

Cùng với sự phát triển của du lịch, vải thổ cẩm là mặt hàng lưu niệm được du khách trong và ngoài nước ưa thích không chỉ các sản phẩm truyền thống như chiếc khăn, bộ trang phục mà nhiều du khách khi đến Kon Tum cũng không quên mua sắm những mặt hàng mới như túi thổ cẩm, ví, khăn trải bàn, bộ thời trang thổ cẩm…

 

Từ chỗ chỉ là nghề phụ, tận dụng thời gian nhàn rỗi, một số thợ thủ công đã chuyển sang nghề ổn định,mang tính chuyên nghiệp và hàng thổ cẩm tạo ra sắc thái mới cho nghề dệt truyền thống các dân tộc tỉnh Kon Tum. 

Văn Phát



Đi đến nguồn bài viết