Ba đời giữ “hồn thiêng” dân tộc

519

 

Đến nhà A Thút thấy những chồng sách Sử thi Tây Nguyên để đầy trong phòng khách, trên tường treo kín bằng khen, chứng nhận của tây và ta.

 

Đưa cồng chiêng đi… Tây

14.1.21

Già A Bek (bên phải) cùng con trai A Thút (thứ 3 từ phải sang) và vũ điệu cồng chiêng.

A Thút kể, cha ông – già A Bek (sinh năm 1930) là một trong số rất ít nghệ nhân dân gian của Kon Tum. Thuở nhỏ, ông thường theo cha sang các làng kể sử thi. Các sử thi cha kể đã ăn vào máu thịt của A Thút.

 

Là người được học hành đến nơi đến chốn (ông đỗ tú tài II năm 1972) nên A Thút rất có ý thức giữ gìn và truyền bá sử thi Tây Nguyên. Năm 1998, Đảng và Nhà nước có chủ trương sưu tầm sử thi Tây Nguyên, ông đã tham gia dự án và dịch lại toàn bộ sử thi của cha mình.

 

Nói về việc UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản của thế giới, gương mặt A Thút rạng ngời: “Làng mình đã mang hồn thiêng của làng qua trời Tây đấy”. A Thút kể về bộ cồng chiêng 100 tuổi, gia bảo của dòng họ: Những năm thực dân Pháp tràn lên Tây Nguyên vơ vét của cải, ông ngoại A Thút trước lúc dời làng tránh Pháp đã đào hầm chôn bộ chiêng.

 

Pháp thất bại ở Đông Dương, gia đình A Thút về làng lấy bộ chiêng lên. Khi đế quốc Mỹ xâm chiếm nước ta, gia đình ông lại đem cồng chiêng lên núi giấu vào hang đá. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bộ chiêng quý được đem về đánh trong ngày ăn mừng chiến thắng 30-4-1975.

 

Năm 1983, bà ngoại của A Thút qua đời, những người trong gia tộc đòi bán bộ chiêng, A Thút giận lắm. Ông quyết định bán 3 con bò (tài sản lớn duy nhất của gia đình lúc đó) để giữ lại bộ chiêng quý.

 

Truyền dạy cho thế hệ trẻ

 

Gia đình dần khấm khá, A Thút sang Lào tìm mua 2 bộ chiêng quý. Bộ chiêng gia bảo của dòng tộc, ông cất kỹ, khi có hội làng quan trọng mới đem ra sử dụng. Hai bộ chiêng mua từ Lào về, ông để truyền dạy cho lớp trẻ. Lớp học đánh chiêng của A Thút thường xuyên có 20 cháu.

 

Đến nay, tất cả trai trẻ làng Đăk Wơk đều biết đánh cồng chiêng. A Thảo – con trai A Thút (đội trưởng đội cồng chiêng trong các dịp lễ hội) cùng cha truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. A Thảo hứa: “Sẽ tiếp tục sự nghiệp giữ gìn, truyền tụng hồn của dân tộc qua cồng chiêng và sử thi”. Dịp làng Đăk Wơk mang cồng chiêng đi “đánh” ở trời Âu, nhà A Thút có 3 thế hệ đi cùng, là A Bek, A Thút và cháu nội A Thảo.

 

Năm 2001, A Thút được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân dân gian. Năm nay đã bước qua ngưỡng tuổi “tri thiên mệnh” nhưng A Thút vẫn được người dân xã Hơ Moong tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch xã (ông giữ chức vụ này gần 10 năm nay).

 

Ông bảo: “Dân làng bây giờ no cái bụng rồi. Nhưng cái bụng của mình chưa vui vì ở xã vẫn còn một số bà con nghe theo kẻ xấu. Tuy nhiên, khi mình giải thích dân làng đã nhận ra cái đúng, cái sai”.

 

Chia tay buôn làng Đăk Wơk, trong chúng tôi vẫn vang mãi lời ca của bài “Rủ nhau đi hái rau rừng”. Bài hát này A Thút cùng dàn nhạc của đội cồng chiêng đã đi biểu diễn tại Lễ hội Smithsonian năm 2007 ở Mỹ…

 

Năm 2007,16 người con của làng đã sang Thủ đô Washington (Mỹ) biểu diễn cồng chiêng, hát sử thi, đẽo thuyền độc mộc và đan gùi… tại Lễ hội Smithsonian, với chủ đề “Mê Kông-Dòng sông kết nối các nền văn hóa”. Sau đó, đoàn cồng chiêng của làng đã đi biểu diễn trên 140 quốc gia khác.

 

A So

Theo Dân Việt

Đi đến nguồn bài viết