Bà con Xơ Đăng trổ tài cùng các đầu bếp ở thủ phủ sâm Ngọc Linh

311

Tham gia hội thi có 22 đội, bao gồm 11 đội của 11 xã trên địa bàn và 11 đội khách mời là các đầu bếp của các đội thi nổi tiếng đến từ các tỉnh Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang…

Kon-tum_hoi-thi-am-thuc_huyen-Tu-Mo-Rong.jpeg

Hội thi thu hút rất nhiều bà con người Xơ Đăng và các đầu bếp chuyên nghiệp tham gia (Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông).

Hội thi chia làm 2 bảng, trong đó bảng A có sự tham gia của 11 đội đến từ 11 xã, bảng B có 11 đội khách mời. Mỗi đội dự thi nấu ít nhất 5 món ăn chính, trong đó có 3 món bắt buộc sử dụng sâm dây (một cây dược liệu đặc sản của huyện) và 2 món tự chọn theo vùng miền.

Tại hội thi, các chuyên gia, đầu bếp chuyên nghiệp và bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng cùng nấu nhiều món ăn được chế biến từ cây sâm dây. 

Hội thi nhằm giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng. Từ đây, người dân bản địa cùng các đầu bếp sáng tạo thêm các món ăn dinh dưỡng từ đặc sản cây sâm dây và dược liệu trên địa bàn huyện Kon Plông, Kon Tum.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, thu mua và chế biến dược liệu. Đồng thời, kết nối các hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa, khám phá cây quốc bảo sâm Ngọc Linh.

Chị Y Oanh (người Xơ Đăng, cán bộ Lao động-Thương binh và xã hội xã Đăk Hà) cùng chị Lương Thị Thành (người Thái, cán bộ Văn hóa xã Đăk Hà) mang đến hội thi một số món ăn đặc sản như gỏi, chè, giò heo nấu với sâm dây, củ mì luộc, lá mỳ xào, gỏi hoa chuối rừng…  

Kon-tum_hoi-thi-am-thuc_huyen-Tu-Mo-Rong3.jpeg

Lẩu gà hầm sâm được xem là món ăn đặc sản ở vùng thủ phủ sâm Ngọc Linh (Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông).

Chị Y Oanh bộc bạch: “Ở nhà, tôi có mở một quán ăn nhỏ. Thời gian rảnh, tôi thường nấu nhiều món ăn đặc sản để đãi khách và mời bà con trong làng thưởng thức. Nhờ vậy, mọi người có thể góp ý để món ăn giữ đúng vị nguyên bản và thêm phần sáng tạo cho món ăn”.

“Tại cuộc thi, tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm các đầu bếp chuyên nghiệp về nấu ăn, sơ chế nguyên liệu. Tôi hy vọng sau này, bà con bản địa như chúng tôi sẽ nấu được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng để phục vụ du khách đến đây trải nghiệm”, chị Y Oanh chia sẻ.  ‎

Kon-tum_hoi-thi-am-thuc_huyen-Tu-Mo-Rong4.jpeg

Nhiều du khách thích món chuột ăn sâm ở vùng núi Ngọc Linh (Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông).

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, chia sẻ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này rất nhiều dược liệu quý, nhất là sâm Ngọc Linh, sâm dây…

Từ xa xưa, người dân Xơ Đăng đã chế biến thành nhiều món ngon từ các dược liệu quý này. Công thức chế biến món ăn từ sâm dây sẽ được huyện in thành sách nhằm giới thiệu cho người dân cả nước biết, sử dụng, nhằm bồi dưỡng sức khỏe.

Thông qua hội thi, địa phương kỳ vọng người dân tộc Xơ Đăng có cơ hội học thêm nhiều công thức chế biến món ăn bản địa, phù hợp với khẩu vị du khách. Từ đó, bà con có thể chủ động nấu ăn, phục vụ khách du lịch đến địa bàn, tạo ra nguồn thu, nâng cao đời sống.

Kon-tum_hoi-thi-am-thuc_huyen-Tu-Mo-Rong5.jpeg

Thông qua hội thi, bà con Xơ Đăng đã có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đầu bếp chuyên nghiệp (Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông).

Lồng ghép vào hội thi, Ban tổ chức đã mời các chuyên gia, đầu bếp chuyên nghiệp mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng trình bày và chế biến món ăn truyền thống cho bà con người Xơ Đăng.

Dịp này, huyện Tu Mơ Rông đã tặng quà cho du khách Nguyễn Đặng Hiến – du khách thứ 10.000 đến Tu Mơ Rông năm 2023. 

Trong khuôn khổ hội thi, từ 7/12 đến 8/12, còn có hội thi cồng chiêng, múa xoan.

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, trên địa bàn, tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Đây là một kho tàng văn hóa vô cùng độc đáo. Những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách để bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng như tặng chiêng cho các làng, dạy đánh chiêng miễn phí.


Nguồn bài viết:
https://dantri.com.vn/du-lich/ba-con-xo-dang-tro-tai-cung-cac-dau-bep-o-thu-phu-sam-ngoc-linh-20231207201433272.htm