Xe đưa chúng tôi vượt qua cây cầu treo Kon Klor thơ mộng như “chiếc võng khổng lồ” vắt qua dòng sông Đăk Bla huyền thoại để hướng về làng Kon K’Tu (dân tộc Ba Na), nằm phía Đông thành phố Kon Tum khoảng chừng 8km. Phong cảnh bên núi, bên sông thật hữu tình, quyến rũ, khiến du khách bị cuốn vào cái mênh mông của những ruộng ngô, khoai, sắn hòa cùng màu xanh đậm của cây rừng chạy tít tắp lên đến những ngọn núi xa xa và thấp thoáng trong rừng cây ấy là những mái nhà Rông kiêu dũng như đang khao khát vươn mình chạm tới bầu trời hay muốn gần gũi hơn với đấng siêu nhiên để cầu mong sự che chở…?!
Mặc dù trên con đường dẫn đến làng chỉ có 20 phút nhưng chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều điều kì thú. Nào là cảnh những chiếc xe bò đang chở những thành quả lao động như ngô, sắn trở về làng, đôi khi trên xe còn cả gia đình hay bạn bè ngồi quây quần như đang tận hưởng phút giây thư giãn sau một ngày lao động vất vả. Hay cảm giác được bềnh bồng trên lưng chừng núi với những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn và ngay bên dưới là cảnh người dân đi làm về trên những chiếc xuồng độc mộc đang lững lờ trôi như những chiếc lá nhỏ xíu giữa dòng sông xanh…
Phụ nữ và trẻ em làng Kon K’Tu ra sông tắm giặt và lấy nước.
Đang miên man với phong cảnh nên thơ, xe đã nhẹ nhàng dừng lại cuối con đường trải nhựa. Chúng tôi đã đến với làng cổ Kon K’Tu vào một buổi chiều đầu Thu với ánh nắng vàng dịu nhẹ đang dần lùi về phía sau dãy Trường Sơn hùng vĩ và trong những cơn gió nhè nhẹ, mát lành – đặc trưng của Miền Cao, thổi miên man từ trên mái nhà Rông cao vút rồi liên tục phả vào đoàn khách lạ như đang reo vui cùng với Già làng A xép, thôn trưởng A Khéo chào đón đoàn chúng tôi đến thăm quan, xem biểu diễn cồng chiêng và nghỉ tại làng đêm nay.
Nhà Rông của làng Văn hóa Du lịch Kon K’Tu.
Nhìn mái nhà Rông kiêu hãnh nhưng không kém phần duyên dáng và những nếp nhà sàn quây quần đầm ấm xunh quanh nhà Rông đã nói lên trí tuệ, sự tài hoa của người dân làng Kon K’Tu từ bao đời qua sống định cư nơi này dù có trải qua bao biến cố như chiến tranh, dịch bệnh nhưng với sức mạnh của một cộng đồng luôn đề cao sự đoàn kết, yêu thương đã giúp họ có được nhiều kinh nghiệm quý báu để lao động, sản xuất và duy trì sự sống.
Minh chứng cho điều này, Già làng A Xép đã bùi ngùi kể lại: trước năm 1920, làng rất đông dân sống vui vẻ bên nhau nhưng rồi đã xảy ra một trận dịch bệnh đậu mùa, thấy người bị bệnh chết quá nhiều nên những người còn khỏe mạnh đã sợ hãi bỏ làng ra đi, sau một thời gian cơn đại dịch lắng xuống, những người sống sót tìm về làng cũ nhưng chỉ còn lại ba gia đình nhỏ. Nhưng họ vẫn quyết tâm xây dựng lại làng và đặt tên là Kon K’Tu – có nghĩa là làng gốc, làng hoang. Từ một làng nhỏ bên bờ sông ngày ấy chỉ có ba gia đình khoảng chừng 30 người, vậy mà giờ đây đã trở nên một làng đông đúc với 110 gia đình và dân số đã trên 700 khẩu, chưa tính số hộ gia đình đã tách ra theo chính sách dãn dân của địa phương, đã tạo dựng nên một làng nhỏ, gọi là làng Kon K’Tu Mới – cách làng gốc chừng 2km về hướng thượng nguồn sông Đăk Bla.
Nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ của Già A Xép, chúng tôi thả bộ về phía cuối làng, nơi ấy có con đường đất nhỏ uốn lượng quanh co theo dáng núi. Nghe người dân bảo nếu đi theo con đường này thì có thể đến rẫy, rừng rồi có thể qua tỉnh Gia lai… Chúng tôi dừng lại ở một khúc cua rộng, bằng phẳng và khá đẹp. Trên tay luôn sẵn sàng chiếc máy ảnh để kịp ghi lại những khoảng khắc tuyệt vời chỉ có ở nơi này, đó là cảnh người dân đi làm về, trên lưng người phụ nữ nào cũng có chiếc gùi xinh xắn, trong đó có nhúm rau rừng, ít ốc, con cá mới xúc được hay củ quả vừa hái trên nương để về lo bữa tối… Thật ấn tượng với những nụ cười hiền lành của các bà, các chị hay nụ cười bẽn lẽn, dễ thương của các cô thôn nữ khi bắt gặp chúng tôi đang đưa máy ảnh lên, lập tức họ lấy tay che mặt và nói “mình đi làm về xấu lắm, đừng chụp”, nói vậy nhưng khi nghe chúng tôi bắt chuyện họ cũng nán lại một chốc để trả lời rồi nhanh nhẩu bước lên đỉnh dốc về làng như sợ ông mặt trời sẽ đi ngủ sớm.
Các thiếu nữ đang nhanh chân rảo bước về làng.
Chúng tôi cũng trở về nhà làng, đêm nay đoàn sẽ ngủ tại nhà Rông. Nhìn chăn nệm sạch sẽ, sắp đặt sẵn sàng ngay ngắn trong nhà rông làm tôi không dấu được sự ngạc nhiên, thì ra Công ty du lịch đã bố trí cho chị Y Van – nhà ở gần nhà Rông chuyên lo công tác này mỗi khi có đoàn đến.
Và thật thú vị vô cùng không biết có sự vô tình hay hữu ý mà trước bữa cơm tối đoàn chúng tôi đã được thi đấu giao lưu bóng chuyền với thanh niên trong làng, kết quả là đội tôi đã thua nhưng đã khiến chúng tôi hào hứng thật sự, đó quả là kỉ niệm khó quên của đoàn với những chàng trai với nước da rám nắng, khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc nhưng thật hiền lành, hiếu khách và chơi bóng rất cừ.
Bữa cơm tối của đoàn ngon miệng và khá đặc biệt vì được bố trí ngay trong nhà rông, thức ăn được bày trên một tấm khăn thổ cẩm với những món đặc trưng của vùng như: Cơm lam, thịt gà nướng muối ớt, cá thác lát nấu chua, măng rừng xào… và tất nhiên không thể thiếu ghè rượu cần bằng nếp than cay cay ngọt lịm. Đoàn chúng tôi luôn chuyền tay nhau thử cái cảm giác uống rượu bằng cần thật ngon và lạ, trong khi ấy người hướng dẫn giới thiệu nhiều nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Ba Na và người Tây nguyên…
Đang cuốn hút với những câu chuyện đặc trưng về nền văn hóa bản địa thì Già làng A Xép đứng dậy đến bên cái kẻng lớn treo trên cột nhà rông, trước khi đánh mấy hồi kẻng báo hiệu cho dân làng và đội cồng chiêng biết là đến giờ biểu diễn cồng chiêng, ông không quên ra hiệu cho chúng tôi bịt tai lại để giảm âm thanh khủng khiếp ấy.
Quả là kì diệu, chỉ với vài tiếng kẻng có lẽ đã được quy ước, chỉ 10 phút sau đội cồng chiêng đã có mặt đông đủ, một vài tiếng thử chiêng binh bong trầm bổng cất lên lên bóng tối nghe như tiếng con nai đang gọi bầy trong rừng thẳm hay tiếng của quá khứ đang vọng về khiến tôi bồi hồi khôn tả…
Đội cồng chiêng và xoang đang biểu diễn cùng du khách.
Khi thấy chúng tôi đã sẵn sàng, họ bắt đầu đốt đống củi to chất tại trung tâm sân nhà rông. Qua ánh lửa bập bùng tôi thấy các cô gái Ba Na xinh xắn trong trang phục truyền thống đang đứng tụm năm, tụm bảy trò chuyện rất rôm rả, thỉnh thoảng lại cười khúc khích nhưng tôi chẳng hiểu được gì vì họ đang nói tiếng bản ngữ, và dưới gốc cây sung lớn, cánh đàn ông đang tranh thủ nhắc lại những cách đánh cơ bản của từng bài chiêng cho các cậu thiếu niên và tất cả họ đều mặc áo thổ cẩm, đóng khố đúng với phong cách truyền thống của người Ba Na chứ không giống như những trang phục đi làm hay đi chơi phố mà chúng ta thấy ngày thường. Đặc biệt hơn là có rất nhiều trẻ em và người lớn tuổi cũng đến để xem biểu diễn. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là: Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã hiện ra thật hoàn hảo đến không ngờ… Tôi thấy rất vui và tự hào khi được chứng kiến cảnh tượng đặc sắc này.
Khi ngọn lửa đã bùng lên, ché rượu cần được bày ra, những chàng trai, cô gái Ba Na tiến lại gần thì đâu đây một tiếng hô to “monh, bar, pieng”- “một, hai, ba” và những tiếng hú dài đồng thanh cất lên nghe rất hoang dã, đậm chất Tây Nguyên vang vọng báo hiệu cho đêm sinh hoạt tại làng bắt đầu.
Nhịp chiêng lúc khoan, lúc nhặt nghe như tiếng nước chảy, tiếng reo vui hòa ca thắng trận, như bài dân ca dịu dàng của mẹ đang vỗ về con trẻ hay như lời tự sự của đôi tranh gái yêu nhau đang trao lời hò hẹn trong mùa trăng…Tiếng chiêng ấy như dội vào vách núi vọng lại rồi mới lan tỏa đi xa theo những cơn gió rì rào đến những cánh rừng thâm u tĩnh mịch… Và đội xoang của các thiếu nữ với đôi chân trần nhẹ nhàng, uyển chuyển, những động tác thành thục duyên dáng đến lạ kì…
Xen giữa những bài chiêng, chúng tôi tiếp tục thưởng thức ché rượu cần nồng nàn với các thiếu nữ cùng ánh lửa bập bùng để xua tan hết cái lạnh của sương rừng đang thấm vào da thịt người nào cứ đứng im bất động…Sau các bài chiêng, chúng tôi tiếp tục hát giao lưu với nhau nhiều bài hát nữa. Đêm đã khá khuya mà chúng tôi vẫn đứng giữa đất trời chuyện trò bịn rịn mãi không nỡ chia tay, dẫu biết rằng ngày mai các cô còn phải lên nương.
Đêm hôm đó đoàn chúng tôi cứ thao thức mãi với sự nuối tiếc vì ngày mai phải rời làng không biết khi nào mới có dịp gặp lại những con người hồn nhiên, chân chất nơi này. Đêm đã quá khuya, ngoài kia chỉ có tiếng côn trùng nỉ non, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy xa xa, hay tiếng người mẹ ru hời vỗ về con trẻ…rồi tiếng giã gạo thậm thịch rất gần đã đánh thức chúng tôi. Không ai bảo ai, đoàn chúng tôi đi dạo một vòng quanh làng, xuống con dốc nhỏ, ra bến sông nơi có bãi cát rộng phẳng lì chắc là nơi hay nô đùa của lũ trẻ … trước khi lên xe tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Xe đưa chúng tôi trở lại con đường ngoằn ngoèo trên lưng núi, trong tâm trạng buâng khuâng khó tả, tôi ngoái đầu qua ô cửa kính nhìn về phía làng Kon K’Tu chỉ còn thấy mái nhà Rông thấp thoáng dưới những tia nắng đầu tiên của mặt trời vừa nhô lên phía đằng Đông và đang dần xua tan làn sương mỏng trên những tán cây, ngọn cỏ. Cảm giác mát ngọt, dịu dàng của ban mai thật dễ chịu, tôi hít căng lồng ngực như cố giữ lấy những phút giây tuyệt vời này và thầm hứa sẽ trở lại làng cổ Kon K’Tu vào một ngày không xa./.
Bài, ảnh: Tường Lam