Giữ hồn làng

121

Từ câu chuyện với nghệ nhân A Hải và những người Xơ Đăng có uy tín ở làng Kon Kôm, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà), tôi nhận thấy những giá trị văn hóa đã tạo nên hồn cốt của một cộng đồng, một dân tộc. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là nền tảng quan trọng để người dân vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

1. Hòa trong không khí hân hoan mùa xuân, tôi về làng Kon Kôm, thôn Đăk Rơ Đương, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà). Nghe có người từ tỉnh về tìm hiểu việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, nghệ nhân A Hải – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn  Đăk Rơ Đương, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) cùng một số người già vui vẻ đón khách.

Trong câu chuyện, tôi được biết người Xơ Đăng ở làng Kon Kôm cũng như nhiều thôn, làng khác ở Đăk Pxi thường có truyền thống tiếp khách ở nhà rông. Cũng đúng thôi, bởi từ trong tiềm thức, người dân xem không gian văn hóa cồng chiêng gắn với các lễ hội truyền thống tại nhà rông là “hồn làng”. Chính vì vậy, khi tiếp tôi, nghệ nhân A Hải cùng những người già, có uy tín trong làng mang theo cồng chiêng của làng đến nhà rông.

Nghệ nhân A Hải chậm rãi pha trà mời khách, rồi tự tay xếp bộ cồng chiêng ra giữa nhà rông. Nhấp ly trà, người ông tươi tỉnh hẳn lên. Giọng trầm ấm, A Hải thong thả vào chuyện: Người Xơ Đăng từ bao đời nay rất quý cồng chiêng, xem cồng chiêng như báu vật linh thiêng của làng. Bộ cồng chiêng của làng Kon Kôm là bộ cổ 12 chiếc, quý hiếm. Trong các hoạt động văn hóa và lễ hội (mừng năm mới, nhà rông, máng nước, ăn lúa mới, “đuổi dịch”…) của làng, từ bao đời nay, không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng.

Giữ hồn làng
Nghệ nhân A Hải giới thiệu bộ cồng chiêng quý. Ảnh: V.N

“Theo quan niệm của người xưa, bộ cồng chiêng quý là bộ cồng chiêng khi tấu lên thanh âm trong, vang xa, có thể thức tỉnh Yàng về ăn thịt, cơm lam, uống rượu cần, múa xoang, vui với dân làng… Nếu như cồng chiêng rè, phải chỉnh sửa lại, không thì khi cúng Yàng không chứng” – A Hải tâm sự.

Trong các hoạt động văn hóa và nghi thức lễ hội, qua tiếng cồng chiêng ngân lên và với lời khấn nguyện của già làng, dân làng Kon Kôm tin Yàng sẽ về vui với làng, phù hộ cho dân làng mạnh khỏe; mùa màng tốt tươi, lúa nhiều bông, bắp nhiều hạt; gia súc, gia cầm sinh sôi đầy vườn; mọi nhà ấm no, có của ăn của để.

Trong các giá trị văn hóa, cồng chiêng được xem linh hồn của làng. Chính vì vậy, dân làng luôn duy trì đội cồng chiêng và múa xoang.

Qua trao đổi, tôi được biết dù xã hội phát triển, lớp trẻ lo làm kinh tế, sao nhãng với những giá trị văn hóa quý của dân tộc mình, nhưng những người lớn tuổi am hiểu các giá trị văn hóa như già làng A Đim, A Hải, A Weng, A Trang… luôn trân quý những giá trị văn hóa, nặng nợ với cồng chiêng, múa xoang, làn điệu dân ca, với tiếng đàn ting ning… Và lo lắng trước lớp trẻ không còn mặn mà với vốn văn hóa của dân tộc, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng trách nhiệm những người lớn tuổi có uy tín trong làng, nghệ nhân A Hải mở lớp dạy cồng chiêng cho thiếu niên trong làng.

“Đáng mừng, khi được nghệ nhân A Hải truyền “lửa”, các cháu trong  làng rất thích học đánh cồng chiêng và yêu quý cồng chiêng. Từ đó, các cháu đều nắm vững những thao tác diễn tấu và những bài chiêng cơ bản. Vì vậy, trong làng hiện nay có hai đội cồng chiêng: Đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng thiếu nhi. Dân làng không còn sợ giá trị văn hóa cồng chiêng bị mất” – già làng A Đim thừa nhận.

2. Ở làng Kon Kôm, nghệ nhân A Hải là người đa tài. Không chỉ giỏi cồng chiêng, A Hải còn là người giỏi chế tác và đánh đàn ting ning; chế tác và bắn nỏ cũng giỏi có tiếng ở địa phương. Điều làm nghệ nhân A Hải và người già trong làng lo ngại là số người biết chơi đàn ting ning ở làng Kon Kôm cũng như các làng khác ở xã Đăk Pxi hiện nay còn rất ít, tính không quá hai bàn tay.

“Hồi trước, trong làng Kon Kôm có nhiều người biết chơi đàn ting ning. Tuy nhiên, số người lớn tuổi biết chơi đàn ting ning trước đây dần theo Yàng  hết rồi. Trong làng Kon Kôm hiện  nay chỉ còn 2 người biết chơi đàn ting ning. Việc tôi biết chơi đàn ting ning là ngày trước đam mê, học và làm theo các cụ. Trước đây, dân làng làm lễ mừng lúa mới hay các lễ hội khác, không thể thiếu tiếng đàn ting ning. Tiếng đàn ting ning thường được gảy lên khi có người hát dân ca. Ngày trước, các cô gái và phụ nữ thích tiếng đàn ting ning và hát dân ca”- A Hải trải lòng.

Giữ hồn làng
Nhà rông làng Kon Kôm. Ảnh: V.N

Nói rồi nghệ nhân A Hải cầm đàn ting ning so dây và gảy lên một trường đoạn. Tiếng đàn ting ning A Hải gảy lên như đưa tôi vào hội làng, như nhịp chiêng ngân, như làn gió thoảng… Tay gảy đàn, đôi mắt mơ màng, ông như sống lại với những ký ức đẹp một thời.

 Theo lời A Hải, tiếng đàn ting ning phải có không gian hòa hợp của nó. Không gian ông muốn nói ở đây là hội làng hay trên chòi rẫy giữa tiếng nước suối róc rách và lời ca của phụ nữ. Trong không gian đó, người chơi đàn sẽ được hòa mình với thiên nhiên, với cộng đồng và thể hiện lòng mình với những người thân yêu.

Có người còn nói, tiếng đàn ting ning còn là tiếng gọi tình yêu. Cách nói này không phải không có lý.

Lặng nghe nghệ nhân A Hải bàn về tiếng đàn ting ning, già làng A Đim chia sẻ: Nếu như trong những năm qua, nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng có nhiều quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, thì tiếng đàn ting ning của người Xơ Đăng và nhiều DTTS ở Tây Nguyên cũng cần được quan tâm bảo tồn và phát triển. Không có sự quan tâm truyền dạy việc đánh đàn theo các làn điệu dân ca, sợ mai này trong làng không còn ai biết chơi đàn ting ning nữa.

Nghe các cụ bộc bạch, nghệ nhân A Hải thật lòng: Nếu các cấp, các ngành quan tâm và tạo điều kiện, tôi có thể dạy cho các cháu học đàn ting ning, yêu tiếng đàn ting ning. Bây giờ có nhiều thứ để học quá. Các cháu lo học chữ. Người lớn học cách ứng dụng khoa học sản xuất, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, ít chú ý đến khía cạnh văn hóa nghệ thuật. Giữ tiếng đàn ting ning cũng là giữ hồn làng, giữ một nét văn hóa đẹp của người Xơ Đăng.

Ông còn nói mình cũng có thể dạy cho dân làng chế tác nỏ và bắn nỏ. Không khó hiểu khi tôi được biết, trong các cuộc hội thi bắn nỏ ở xã, huyện tổ chức, A Hải là người đại diện cho làng Kon Kôm trực tiếp tham gia và luôn giành giải cao nhất, đem vinh dự về cho làng. Tiếng lành đồn xa, mới đây, Ban Dân tộc tỉnh đặt ông làm một chiếc nỏ bằng gỗ trắc để trưng bày. Vào thăm nhà, tôi thấy ông đang treo mấy cái nỏ do chính tay ông làm.

Đánh giá cao những nghệ nhân như A Hải và những người có uy tín trong việc giữ “hồn làng”, ông Nguyễn Phúc Đoan – Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, trong những năm qua, các cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Xơ Đăng ở địa phương. Trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, không chỉ có làng Kon Kôm, UBND xã còn phối hợp với cấp, các ngành ở địa phương còn hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà rông văn hóa; hỗ trợ mua cồng chiêng và truyền dạy cồng chiêng; khôi phục, phục dựng lại một số lễ hội; kiểm kê văn hóa phi vật thể… ở các làng DTTS khác trên địa bàn xã.

Có ý thức giữ “hồn làng”, hay nói rõ hơn, là những giá trị văn hóa sẽ góp phần tạo nền tảng tinh thần để đồng bào DTTS vững bước xây dựng cuộc sống mới ấm no và hạnh phúc.

VĂN NHIÊN


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/giu-hon-lang-18202.html