Gìn giữ và phát huy giá trị của lễ hội

35

baokontum.com.vn

21/11/2023 13:11

Với sự đa dạng về thành phần dân tộc, trong đó có 7 DTTS tại chỗ đã giúp tỉnh ta có một kho tàng lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú. Nhờ nỗ lực trong công tác bảo tồn, các lễ hội đã dần được khôi phục, tạo môi trường gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc.

“Ơ Thần lúa, hôm nay hồn lúa về với làng chúng tôi, chúng tôi cầu mong thần lúa cho chúng tôi sang năm mới và mãi mãi đừng thiếu lúa để ăn, dân làng không phải đói. Xin hồn lúa hãy ở với chúng tôi, cho chúng tôi được no đủ” – lời khấn của già làng A Nan vang vọng dưới mái nhà rông làng Đăk Wấk (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei). Xung quanh nhà rông, bà con dân làng tụ họp, thành kính cầu mong một năm mới bội thu, nhiều lúa, nhiều bắp, trâu, bò hơn nữa.

Già làng A Nan cho biết: “Như bao dân tộc khác tại Tây Nguyên, dân tộc  Gié – Triêng (nhánh Gié) chúng tôi có rất nhiều lễ hội xen lẫn nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Và trong số đó, lễ hội “Mừng lúa mới” được xem là một nghi lễ lớn, quan trọng trong năm”.

Nối nhịp xoang xung quanh cây nêu tại Lễ Mừng lúa mới. Ảnh: H.T

 

Ngay từ sáng sớm, già làng cùng những người có uy tín bày biện lễ vật, thanh niên chuẩn bị rượu thịt, phụ nữ giã gạo, nổi lửa chế biến món ăn. Lúa được chọn từ những đám lúa đẹp nhất, đều hạt, chắc mẩy, thể hiện tấm lòng của buôn làng đối với các Yang. Nấu nướng xong xuôi, già làng sẽ thực hiện nghi lễ mời các thần linh. Các lễ vật trong lễ cúng thường có rượu cần, cơm mới, con gà, nhiều loại hạt giống như hạt bí, lúa, dưa rẫy và các loại hạt khác.

Lễ cúng lúa mới của người Gié  – Triêng thường diễn ra vào khoảng tháng 8, 9 âm lịch hàng năm, sau khi vụ mùa đã thu hoạch xong. Kết thúc phần lễ, tất cả dân làng sẽ cùng nhau ăn uống vui vẻ, không phân biệt tầng lớp hay địa vị. Bà con dân làng có dịp giao lưu, học hỏi, tăng sự đoàn kết, ước nguyện nhiều điều tốt đẹp, hướng đến sự ấm no, hạnh phúc.

Cũng giống như cộng đồng người Gié – Triêng, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông cũng có nhiều lễ thức trong năm như Lễ bắc máng nước (gọi là On đtrô kneng tea), Lễ mừng lúa mới (Kapa neo và On đrô tơtriêng), Lễ ăn trâu (Ka Pô). Trong đó, Lễ mừng lúa mới là một nghi lễ cực kỳ quan trọng, thường được bà con Xơ Đăng tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi đồng lúa đã chín rộ.

Nghệ nhân A Ương (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: “Lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng (nhánh Xơ Teng) chúng tôi chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là ăn lúa mới tại mỗi gia đình (gọi là Kapa Neo) và giai đoạn tiếp theo là uống rượu mừng lúa mới tại nơi sinh hoạt cộng đồng của làng (On đrô tơtriêng). Khi tất cả các gia đình trong làng đã ăn mừng lúa mới từng gia đình xong, già làng tập trung các chủ hộ để thông báo chuẩn bị thức ăn như thịt rừng, chim chuột, cá suối, rau măng, rượu ghè cho Lễ hội tại nhà rông của làng.

Lễ cúng xua đuổi tà ma, dịch bệnh của người Ba Na. Ảnh: H.T

 

Còn với người Xơ Đăng ở xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi), lễ mừng lúa mới còn là dịp để mọi người, mọi nhà chủ động sửa sang lại nhà cửa, cùng nhau góp rượu cần, cơm lam, thịt nướng để ăn mừng. Qua đó, thể hiện tình đoàn kết, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi nhà được hạnh phúc, ấm no.

Ông A Thoa ở thôn Đăk Giá I (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ: “Từ xa xưa, vì điều kiện canh tác rất khó khăn nên bà con luôn mong cuộc sống no đủ, đó chính là lý do lễ mừng lúa mới ra đời và trở thành một nghi lễ quan trọng, không thể thiếu. Già làng sẽ xem ngày tốt nhất để tổ chức, huy động dân làng đi bắc máng nước về làng để mừng lúa mới. Trong quá trình làm lễ ngoài sân nhà rông thường có cây nêu, cồng chiêng, múa xoang, rượu ghè, thịt, cá rừng để thể hiện sự sung túc, no đủ”.

Có thể thấy, hệ thống lễ hội của đồng bào các DTTS ở Kon Tum rất phong phú và đa dạng, có thể chia làm 3 loại: hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời con người (lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới, tang ma, bỏ  mả); hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời cây lúa trong sản xuất nông nghiệp (lễ phát rẫy, lễ trỉa lúa, lễ ăn lá lúa, lễ ăn giống lúa thừa, lễ mừng lúa mới, lễ mở kho lúa); hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến cộng đồng (lễ lập làng mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng nhà mới, lễ dời làng, lễ cầu mưa, lễ cầu an).

Theo ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, ngành Văn hóa tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phục dựng, truyền dạy nhiều lễ hội trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, phát huy các giá trị bản sắc tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp.

164056Ph%E1%BA%A7n%20l%E1%BB%85%20k%E1%BA%BFt%20th%C3%BAc,%20b%C3%A0%20con%20qu%C3%A2y%20qu%E1%BA%A7n%20b%C3%AAn%20nhau%20sinh%20ho%E1%BA%A1t,%20u%E1%BB%91ng%20r%C6%B0%E1%BB%A3u%20gh%C3%A8

Phần lễ kết thúc, bà con quây quần bên nhau ăn uống vui vẻ. Ảnh: H.T

 

Đến nay, tỉnh ta đã phục dựng được trên 20 lễ hội truyền thống như: Lễ hội mừng lúa mới của người Xơ Đăng, Ba Na, Gié-Triêng; Lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới của người Xơ Đăng, Gia Rai, Gié-Triêng; Lễ hội bắc máng nước của người Xơ Đăng; Lễ hội mừng nước giọt của người Ba Na; Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm; Lễ Et “Đong” (tết con dúi) của dân tộc Ba Na (Jơ Lơng); Lễ mở kho lúa của dân tộc Rơ Măm tại làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy); Lễ cưới truyền thống của dân tộc Gié – Triêng tại thôn Nông Nội (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) và Lễ ăn than (Cha K’chiah) của dân tộc Gié – Triêng tại thôn Đăk Ga (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei). Kết thúc công tác phục dựng, cộng đồng các dân tộc tiếp tục duy trì tổ chức định kỳ hàng năm, góp phần nâng cao nhận thức của bà con trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị của lễ hội.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Hoàng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hiện nay nhiều nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc đang bị mai một dần và mất đi. Nhiều lễ hội được tổ chức theo hình thức đơn giản hóa hoặc không còn duy trì thực hành, nhất là hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến vòng đời cây lúa trong sản xuất nông nghiệp.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lễ hội, đẩy mạnh việc kiểm kê, phân loại, khôi phục các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của các lễ hội để bảo tồn, phát huy. Bên cạnh đó, quan tâm đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ với những người có uy tín, người có công lưu giữ, truyền dạy, tạo môi trường và động lực để các nghệ nhân dân gian – những “chủ thể” văn hóa tiếp tục duy trì, truyền bá những giá trị văn hóa lễ đặc sắc”- ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-cua-le-hoi-33921.html