Đam mê cồng chiêng Ba Na

84

01/03/2021 13:03

Từ khi còn nhỏ, anh Lê Huy Vũ (52 tuổi, trú tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) thường xuyên xuống làng Kon H’ra Chót, ngôi làng nằm bên dòng sông Đăk Bla, cách nhà khoảng vài trăm mét để vui chơi cùng bạn học cùng lớp là người Ba Na. Hơn 50 năm gắn bó với làng Kon H’ra Chót, anh Vũ như người con của làng. Anh am hiểu văn hóa và nói tiếng Ba Na rất giỏi. Anh cũng là thành viên quan trọng trong đội cồng chiêng của làng.

Năm 1995, khi mới 26 tuổi, anh Vũ bắt đầu tìm hiểu văn hóa cồng chiêng của người Ba Na ở làng Kon H’ra Chót. Bộ cồng chiêng của làng khi ấy chỉ có 12 chiếc (tương ứng với 8 nốt nhạc), được dân làng sử dụng trong các lễ hội, giao lưu văn hóa, đám cưới hay đám tang. Vì đam mê cồng chiêng nên những lúc rảnh rỗi, anh Vũ lại xuống làng tìm gặp những người biết về cồng chiêng để học hỏi cách đánh.

Năm 2000, trong một lần tham dự hội diễn cồng chiêng các tỉnh Tây Nguyên tại Trại phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum), chứng kiến đội cồng chiêng gồm 24 người của dân tộc Gia Rai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) biểu diễn, anh Vũ thấy được sự khác biệt. Số lượng chiêng nhiều nên các nốt nhạc cũng nhiều hơn, qua đó giúp các bài chiêng được đánh với tiết tấu dày, sôi động, tạo phấn khích cho người nghe hơn. Sau hội diễn ấy, anh Vũ ấp ủ ý định đi Gia Lai mua thêm 1 bộ chiêng để giúp làng Kon H’ra Chót mở rộng đội cồng chiêng.

Đam mê cồng chiêng Ba Na
Anh Vũ (đứng) đánh cồng chiêng và ca hát cùng bạn thân ở làng Kon H’ra Chót. Ảnh: ĐT

Mong muốn của anh Vũ được dân làng Kon H’ra Chót ủng hộ. Năm 2002, anh Vũ cùng các thành viên trong đội cồng chiêng của làng Kon H’ra Chót qua huyện Chư Pưh mua chiêng. Để thuyết phục được người Gia Rai ở Chư Pưh bán bộ chiêng, anh Vũ phải nhờ đến nhiều mối quan hệ từ những người uy tín. Số tiền mua bộ chiêng (3 triệu đồng) là tiền tiết kiệm và vay mượn từ người thân của anh Vũ.

Theo những người lớn tuổi trong làng Kon H’ra Chót, bộ chiêng anh Vũ mua về cho làng là bộ chiêng cổ, có tuổi đời trên 100 năm. Bộ chiêng này có thể có xuất xứ từ nước Lào hoặc Myanmar vì chất đồng được đúc không giống đồng mà người Ba Na hay người Gia Rai ở Tây Nguyên sử dụng để đúc cồng chiêng.

Có được bộ chiêng quý, anh Vũ cùng dân làng Kon H’ra Chót tập luyện cách đánh để hòa hợp với bộ chiêng truyền thống của làng. Số lượng chiêng tăng lên 24 chiếc (tương ứng với 16 nốt nhạc) đòi hỏi những người đánh phải bắt nhịp và hiểu chiêng của nhau. Dẫu vậy, với sự cố gắng của mình, khoảng 2 tuần sau, anh Vũ cùng những thành viên trong đội cồng chiêng đã đánh thuần thục các bài chiêng cổ và cả những bài chiêng mới mà làng Kon H’ra Chót hay sử dụng như: Gặt lúa đông xuân, Quê đất Kon Tum, Sông Đăk Bla 4 mùa, Hơ Ren lên rẫy…

Những bài chiêng được đánh với tiết tấu mới khiến dân làng Kon H’ra Chót thích thú. Tiếng lành đồn xa, những người Gia Rai ở thị xã Ayun Pa hay huyện Chư Pưh cũng đến thăm làng Kon H’ra Chót để xem đội cồng chiêng của làng biểu diễn. Họ hoàn toàn bất ngờ vì không nghĩ chiêng của người Gia Rai lại được người Ba Na đánh hay như vậy, thậm chí có một số bài nổi tiếng của vùng đất Tây Nguyên các anh cũng đánh hay hơn. Điều đó khiến anh Vũ và các thành viên trong đội cồng chiêng càng thêm động lực để tập luyện và đánh chiêng nhiều hơn.

Đam mê cồng chiêng Ba Na
Anh Vũ biểu diễn cồng chiêng cùng nhạc công người Pháp. Ảnh: Lê Huy Vũ

Là người đánh chiêng nốt Son (nốt cầm trịch cho dàn chiêng nền), anh Vũ hiểu rõ vai trò của mình đối với đội cồng chiêng. “Những người đánh dàn chiêng nền cũng giống như bàn tay trái của người đánh đàn organ hay piano, nó bổ sung âm nền cho bài chiêng hoặc bài hát, bổ trợ người đánh solo những chiếc chiêng có nốt cao hay bàn tay phải của người đánh đàn. Người cầm trịch cho dàn chiêng nền tốt, sẽ đóng góp 50% thành công cho việc biểu diễn bài chiêng”, anh Vũ chia sẻ.

Có được bộ cồng chiêng lớn cùng phong cách biểu diễn độc đáo và có thể hòa tấu chiêng cùng với các loại nhạc cụ khác như đàn ting ning, đàn t’rưng hay đàn guitar, những năm sau đó, anh Vũ và các thành viên trong đội cồng chiêng làng Kon H’ra Chót có nhiều cơ hội để đi biểu diễn ngoài làng, thông qua các hoạt động của chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân.

Năm 2014, anh Vũ và các thành viên trong đội cồng chiêng làng Kon H’ra Chót vui mừng và phấn khởi vì Ban nhạc Jazz đến từ nước Pháp mang tên Mezcal Jazz Unit (thuộc Poussières de vie, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ đào tạo nghề, viện trợ nhân đạo và thực hiện các dự án văn hóa tại Việt Nam) liên hệ để công diễn cùng. “Không thể diễn tả cảm xúc của mọi người khi ấy. Một phần vui mừng nhưng cũng lo lắng và hồi hộp vì không biết mình có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không”, anh Vũ nhớ lại.

Với tài năng của các thành viên trong đội cồng chiêng cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của những nhạc công người Pháp, buổi công diễn nhạc Jazz kết hợp với cồng chiêng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014 diễn ra thành công tốt đẹp.

Như một sự kết hợp hoàn hảo, năm 2018 và 2019, Ban nhạc Mezcal Jazz Unit và đội cồng chiêng làng Kon H’ra Chót tiếp tục công diễn tại thành phố Kon Tum, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đặc biệt, vào tháng 12/2019, cả hai đã cùng ra mắt đĩa CD với bản thu âm mang tên Kon Tum Songs (bài ca Kon Tum) với 8 bài gồm: Travelling to Kon Tum, Kon Tum Rain, Moonlight in Kon Tum, Kon Tum Song, Poussières de vie, Kon Tum Festum, Bahnar Waltz, Old Pleiku Song. Những bài hòa tấu này đều có bản quyền và hiện nay được phát hành trên các website, ứng dụng nghe nhạc có trả phí.

“Gắn bó với cồng chiêng đã lâu, ngoài những thành công bước đầu, góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá văn hóa cồng chiêng cho làng Kon H’ra Chót, bản thân tôi cũng có những giai đoạn trầm lắng và buồn. Đó là ngày bộ cồng chiêng của làng bị lấy cắp. May sao, sau đó dân làng cũng tìm lại được vì kẻ trộm chưa kịp tẩu tán; hay ngày người đánh solo của đội cồng chiêng là anh A Hmửi qua đời vì bạo bệnh. Thiếu người đánh solo tài năng, đội cồng chiêng giống như mất đi một phần hồn”- anh Vũ tâm sự.

Hiện nay, ngoài thời gian lái xe du lịch và bán cà phê, anh Vũ đang phối hợp với những thành viên trong đội cồng chiêng truyền dạy đánh chiêng cho trẻ em trong làng. Thỉnh thoảng anh cũng đi chỉnh chiêng cho các làng khác. Với anh Vũ, cồng chiêng hay làng Kon H’ra Chót có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống.

Đức Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/dam-me-cong-chieng-ba-na-18002.html