baokontum.com.vn
09/03/2024 13:15
Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ngày 10/10/2023 xác định bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng cho doanh nhân phát triển.
Việc xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách giải pháp được đưa ra và thực thi, đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng lớn mạnh.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh luôn xác định đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.
Phương châm “chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân” và “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” được quán triệt và tuân thủ nghiêm túc, ngày càng đi vào thực chất.
Tăng cường đối thoại, lấy doanh nghiệp, doanh nhân làm chủ thể, là trung tâm phục vụ. Ảnh: HL
Với sự quan tâm đặc biệt ấy, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh ngày càng lớn mạnh. Trong hai năm 2022-2023, dù bị tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, vẫn có khoảng 635 doanh nghiệp thành lập mới; tổng vốn đăng ký khoảng 9.650 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 3.973 doanh nghiệp; 261 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã và hàng chục nghìn hộ kinh doanh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Kon Tum đã không ngừng phát triển về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo. Hiện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh có 165 hội viên, hoạt động ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau.
Đặc biệt, qua 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có thể khẳng định doanh nghiệp và doanh nhân Kon Tum đã vượt qua được “con sóng dữ” một cách kiên cường và mạnh mẽ. Tích cực và chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, ổn định sản xuất.
Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đúng dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đồng hành, phục vụ doanh nghiệp là nguyên tắc và cũng là mục tiêu của bộ máy hành chính. Ảnh: H.L
Nghị quyết 41 thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển.
Đồng thời đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Đối với tỉnh ta, ngày 12/1/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 74-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Và ngày 23/2/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 644/KH-UBND thực hiện Chương trình số 47- CT/TU.
Mục tiêu là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Phấn đấu có khoảng 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào năm 2025 và khoảng 6.550 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào năm 2030.
Định hướng đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, có vị thế, uy tín trong nước và quốc tế.
Kế hoạch 644 xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong việc xây dựng đội ngũ doanh nhân “mạnh” về quy mô, năng lực, trình độ và “khỏe” về tiềm lực kinh tế.
Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện chất lượng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI).
Tích cực đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao sự hài lòng của doanh nhân và doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, kinh doanh. Từng bước mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn doanh nhân trong xây dựng, hoạch định, thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Mặt khác, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh, vi phạm pháp luật.
Về phần mình, đội ngũ doanh nhân cũng phải nêu cao tinh thần tuân thủ pháp luật, văn hóa kinh doanh. Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với xã hội; phát huy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết; đảm bảo chất lượng trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ, giữ gìn uy tín thương hiệu doanh nghiệp.
Hồng Lam
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/xay-dung-doi-ngu-doanh-nhan-manh-va-khoe-38598.html