www.bienphong.com.vn
Biên phòng – Không chỉ cung cấp thông tin, các tổ chức Hội Phụ nữ còn phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành biên giới tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ ở khu vực biên giới. Với sự tiếp sức từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức, nhiều hội viên, phụ nữ vùng biên giới đã có thêm cơ hội phát triển.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở biên cương đã được hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây có giá trị cao, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bích Nguyên
Tự chủ cuộc sống
Những ngày công tác ở biên giới tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã được nghe và chứng kiến sự nỗ lực vươn lên của hội viên, phụ nữ. Chúng tôi gặp chị Hiên Thị Cô trong ngôi nhà mới của chị tại thôn 49A, xã Đăk Pring, huyện Nam Giang. Ngôi nhà được xây dựng khang trang, rộng rãi bên cạnh trục đường chính của xã từ chính sự giúp sức của chị em phụ nữ, cán bộ Biên phòng và bà con trong thôn.
Vợ chồng chị Cô có hai con nhỏ. Hai vợ chồng còn trẻ nên luôn xông xáo, nhiệt huyết với cộng việc của thôn, xã. Với mong muốn có cuộc sống tốt hơn, vợ chồng chị Cô chăm chỉ làm việc nương rẫy, chăn nuôi. Ngoài ra, chồng chị còn làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập.
Hai vợ chồng cố gắng dành dụm tiền để xây dựng nhà kiên cố, nhưng vẫn chưa đủ lực. Đến năm 2023, từ nguồn hỗ trợ 80 triệu đồng của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, vợ chồng chị mới có đủ tự tin để dựng nhà. Chị Cô vui vẻ chia sẻ: “Ở đây, mọi người rất đoàn kết, tương thân, tương ái, hết lòng giúp đỡ nhau. Ngoài 80 triệu đồng do Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ, quá trình làm nhà, vợ chồng tôi còn nhận được sự giúp đỡ của chị em hội viên phụ nữ và mọi người trong thôn. Mọi người tới giúp đổ đất, san nền, lợp mái. Tiền công lao động để làm ngôi nhà này lên tới 300 triệu đồng đó”.
Chị Cô là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 49A, với gần 100 hội viên, đa số là người dân tộc Giẻ Triêng. Đời sống của chị em trong thôn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chị em phụ nữ trong chi hội thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất để vươn lên. “Trong thôn, có một số chị em đau ốm triền miền, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gia đình. Với tinh thần tương thân, tương ái, chúng tôi vận động chị em trong chi hội giúp đỡ rau, gạo và ngày công lao động đi phát rẫy, làm cỏ, thu hoạch lúa hộ. Hiện giờ, chúng tôi cũng đã xây dựng quỹ của chi hội dùng để thăm hỏi, tặng quà khi chị em ốm đau và giúp vốn cho chị em có nhu cầu vay vốn chăn nuôi, sản xuất” – chị Cô cho biết.
Cũng theo lời chị Cô, trước đây, nhận thức của chị em trong thôn 49A còn hạn chế, nhưng hiện tại, nhiều chị được học hành đầy đủ, được tham gia các hội nghị tập huấn thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã vươn lên làm chủ cuộc sống, biết làm kinh tế, gia tăng thu nhập để lo con cái và gia đình. Là một trong những hội viên phụ nữ trẻ, năng động, chị Cô luôn đi đầu trong việc tìm hướng phát triển kinh tế gia đình để hội viên trong chi hội học theo. Với đức tính chịu khó, người phụ nữ này tận dụng đất trống trồng chuối, sắn, bắp, mùa nào thức đó. Chị còn tăng gia nuôi heo, bò, gà. Sản phẩm của gia đình, chị đăng bán trên facebook và zalo.
Gần 2.000 hội viên phụ nữ thoát nghèo
Với sự tiếp sức từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hàng ngàn phụ nữ như chị Cô đã có thêm động lực, sự tự tin để khởi tạo cuộc sống mới. Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, để tiếp thêm động lực cho chị em phụ nữ vùng biên, các tổ chức Hội Phụ nữ đã phối hợp với các đơn vị BĐBP ưu tiên củng cố, xây dựng mới các mô hình sinh kế theo hướng bền vững trên cơ sở phát huy thế mạnh từng địa phương gắn với phương châm “hỗ trợ có điều kiện” và “phát huy nội lực” của hội viên, phụ nữ. Đồng thời, lồng ghép hỗ trợ, hướng dẫn chị em cách sử dụng vốn, quản lý chi tiêu, hỗ trợ tiếp cận kinh doanh, thị trường, chia sẻ, tham quan, học tập mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, bền vững…
Hội LHPN tỉnh Kiên Giang và Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo ở biên giới. Ảnh: Tiến Vinh
Có thể kể đến các mô hình tiêu biểu như: Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây ở Kon Tum; mô hình trồng lúa Ra Dư ở Quảng Trị; mô hình tín dụng, tiết kiệm tại các xã biên giới tại Hà Tĩnh đã hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho gần 400 phụ nữ vay chăn nuôi, buôn bán nhỏ… Các đơn vị đồng hành đã hỗ trợ hơn 1.200 cây giống cho hội viên phụ nữ Đồng Tháp; gần 2.400 con giống cho phụ nữ tỉnh Quảng Nam; 20 mô hình sinh kế cho phụ nữ Tây Ninh…
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội LHPN Việt Nam, năm 2023 tại 26 tỉnh biên giới, các đơn vị đồng hành thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã hỗ trợ duy trì và thành lập mới 534 mô hình sinh kế/1.758 thành viên, trong đó, hỗ trợ hơn 46.000 con giống, gần 48.000 cây giống các loại; hỗ trợ duy trì, củng cố 100 mô hình tiết kiệm, tín dụng – tiết kiệm/1.939 hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế với tổng vốn hơn 23,7 tỷ đồng. Tại 8/26 tỉnh, các đơn vị đồng hành tổ chức 12 lớp hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề tại chỗ cho 317 người…
Từ sự trợ lực của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trong năm 2023, đã có hàng ngàn phụ nữ thoát nghèo. Theo rà soát năm 2023 của 9/26 tỉnh, thành, các hoạt động hỗ trợ sinh kế đã góp phần giúp cho 1.974 phụ nữ và hộ gia đình dân tộc thiểu số miền núi biên giới thoát nghèo… Có thể thấy, các hoạt động an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em và đồng bào khu vực biên giới. Nguồn vốn thiết thực từ chương trình đã hỗ trợ, tạo nhiều cơ hội để hội viên phụ nữ khó khăn có được sinh kế bền vững, sớm ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là động lực để chị em phụ nữ tiếp tục bám đất, bám biên, cùng với BĐBP giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Trong năm 2023, tổng kinh phí các đơn vị đồng hành huy động để thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đạt hơn 62,5 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở đầu số nhắn tin ủng hộ chương trình đợt 3, phát động nhắn tin trong toàn thể các cấp Hội LHPN, BĐBP và toàn xã hội, huy động được hơn 3,4 tỷ đồng thực hiện 34 mô hình sinh kế (trị giá 100 triệu đồng/mô hình) cho phụ nữ nghèo 26 tỉnh biên giới, hải đảo trong chương trình.
Nguyễn Bích
Nguồn bài viết:
https://www.bienphong.com.vn/phu-nu-bien-cuong-manh-dan-tu-tin-xay-dung-cuoc-song-post473693.html