Măng Đen chuyển mình

10

baokontum.com.vn

Từ vùng đất hoang sơ, sau nhiều năm kiến thiết và xây dựng cùng với sự đồng sức, đồng lòng của đồng bào các dân tộc tại chỗ, mảnh đất Măng Đen đang chuyển mình mạnh mẽ bứt phá vươn lên trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Điểm đến hấp dẫn

Nói đến Măng Đen là người ta nghĩ ngay đến vùng đất hoang sơ với những cánh rừng xanh bạt ngàn, những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc tại chỗ và đặc biệt là khí hậu quanh năm mát mẻ. Vùng đất này đã được người Pháp phát hiện ra từ những năm đầu thế kỷ 20. Măng Đen có độ cao trên 1.200m, khí hậu mát mẻ và có nhiều cảnh đẹp, thác nước hùng vĩ. Do đó, họ muốn biến nơi đây thành địa điểm nghỉ dưỡng và đã trồng vô vàn cây thông ở đây. Cũng nhờ đó, Măng Đen bây giờ ngoài được bao bọc bởi bạt ngàn rừng nguyên sinh với vô vàn loại cây gỗ quý thì còn được bao bọc bởi những cánh rừng thông xanh mướt. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khi khí hậu mát mẻ quanh năm. Đến Măng Đen, du khách sẽ quên cái nóng bức, khói bụi, sự xô bồ của chốn phồn hoa phố thị, được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời với những cánh rừng già, rặng thông vi vu gió ngàn; được ngắm những thác hồ nằm ẩn khuất trong rừng.

100133%C4%91%E1%BB%95i%20thay%20m%C4%83ng%20%C4%91en

Đổi thay Măng Đen. Ảnh: PN

 

Điểm hấp dẫn nữa ở Kon Plông là nơi hội tụ của người Mơ Nâm, Ca Dong đã sống bao đời. Ở họ, có những nền văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, đặc trưng còn lưu giữ đến tận ngày hôm nay. Từ những lợi thế riêng có của Măng Đen nên năm 2013, Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen. Đây cũng là thế mạnh để Măng Đen ngày càng được khách du lịch lựa chọn.

Một điều thuận lợi là từ thành phố Kon Tum, chỉ mất khoảng 60km di chuyển theo Quốc lộ 24 là đến thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Quốc lộ 24 giờ đã được sửa chữa, nâng cấp mở rộng thuận lợi trong đi lại. Con đường đã được làm mới đẹp như dải lụa, uốn lượn quanh sườn núi, luồn qua những cánh rừng nguyên sinh, qua những rặng thông bạt ngàn vi vu gió ngàn. Đường thay đổi nhưng những cánh rừng nguyên sinh toàn cây cổ thụ dày đặc, những vạt đồi thông xanh ngắt, khí lạnh, sương mù và gió rét thì vẫn như vậy. Chỉ cần đi đến giữa đèo Măng Đen (cách trung tâm huyện chừng 10km) là có thể thấy sự đổi thay của khí hậu. Giữa lưng chừng đèo, chúng ta có thể thấy cái lạnh đột ngột bao trùm.

Cũng nhờ tiềm năng đó, trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều quyết sách nhằm đưa vùng đất Măng Đen đang “ngái ngủ” trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Kon Tum và cả nước. Từ đây, Măng Đen đã có bước chuyển mình rõ rệt khi lượng khách du lịch ngày một tăng.

Minh chứng là từ năm 2016 đến nay, Khu du lịch sinh thái Măng Đen đón hơn 3,5 triệu lượt khách, trong đó, có hơn 3,3 triệu lượt khách nội địa và hơn 34.000 lượt khách quốc tế. Những ngày cuối tuần và vào những dịp lễ tết, Măng Đen luôn trong tình trạng cháy phòng.

100206du%20kh%C3%A1ch%20th%C3%ADch%20th%C3%BA%20ch%E1%BB%A5p%20h%C3%ACnh%20%E1%BB%9F%20m%C4%83ng%20%C4%91en

Du khách thích thú chụp hình ở Măng Đen. Ảnh: P.N

 

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (46 tuổi, quê Bắc Ninh) chia sẻ: Tôi nghe đến Măng Đen khá lâu rồi. Nhưng hè này gia đình tôi mới có dịp đưa cả gia đình đến đây. Trong 2 ngày khám phá Măng Đen, tôi thực sự ấn tượng bởi khí hậu nơi đây thật mát mẻ, trong lành, khung cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Tôi thích nhất là những rặng rừng thông và những thác hồ giữa cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp. Do đó, hè năm sau tôi và gia đình sẽ quay trở lại Măng Đen.  

Sự hấp dẫn của Măng Đen đã thu hút không ít người từ các tỉnh thành khác tìm đến đầu tư, kinh doanh. Một trong những người đầu tiên là bà Nguyễn Thị Kim Dung (55 tuổi) đã bỏ cả việc kinh doanh với trên 100 nhân viên ở thành phố Hồ Chí Minh để lên Măng Đen xây nhà hàng, khách sạn. Ban đầu, khách ít ỏi, đã có nhiều lần bà Dung muốn trở về, nhưng tình yêu với mảnh đất này nên lưu luyến. Đến nay, sau gần 20 năm xây dựng, cơ sở kinh doanh của bà Dung đã trở thành nơi hút khách bậc nhất Măng Đen.

Hay như chị Thái Huyền Trang (29 tuổi, Nghệ An), cách đây 2 năm, chị cùng nhóm bạn quyết định đến Măng Đen lập nghiệp. Nhóm chị Trang xây dựng homestay, mở quán cà phê, tiệm ăn chay và bán đặc sản địa phương trên nền tảng online. Mới nhất là nhóm chị tổ chức tour Măng Đen. “Măng Đen không chỉ có thiên nhiên đẹp mà còn có nền văn hóa rất độc đáo. Tour du lịch về Măng Đen mà nhóm tổ chức sẽ giúp du khách không chỉ thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn trải nghiệm văn hóa, con người nơi đây. Rất nhiều du khách thích thú với tour du lịch này”- chị Trang kể.

Giàu lên nhờ du lịch

Không chỉ nhà đầu tư ngoại tỉnh, người dân đồng bào tại chỗ cũng đang hưởng lợi từ phục vụ du lịch. Làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen) có hơn 70 hộ dân, nằm nép mình bên ruộng lúa, bên trên là rừng thông tốt tươi bình yên và thơ mộng. Đồng bào nơi đây còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc riêng. Năm 2019, thấy làng Kon Pring gần trung tâm huyện, còn rất hoang sơ và xung quanh có phong cảnh hữu tình nên huyện Kon Plông đã chọn để xây dựng thành một làng du lịch cộng đồng. Ban đầu, huyện đã xây dựng 3 ngôi nhà dài trong làng để đón du khách tới lưu trú. Dần dần, tiếng lành đồn xa, du khách tìm tới đông nên người dân tự mở rộng thêm các phòng, đầu tư xây dựng các homestay để phục vụ du khách. Từ đó, các homestay của đồng bào tại chỗ cũng được nhiều du khách tín nhiệm thuê ở. Trong số đó, bà Y Lim (thôn Kon Pring) là một trong những người tiên phong. Cơ sở lưu trú homestay của bà Y Lim đã hoạt động từ 4 năm trước, hiện có 5 phòng và 1 nhà sàn. Ngoài phục vụ lưu trú, bà còn nhận phục vụ ăn uống, biểu diễn cồng chiêng, đốt lửa trại cho khách. Có thời điểm, cơ sở của bà đón 100 khách/ngày. “Để đáp ứng nhu cầu của khách, gia đình đã liên kết với 22 người trong thôn cùng làm du lịch như tổ chức nấu ăn, phục vụ cồng chiêng, bán đặc sản địa phương. Nhờ đó, khách đến làng mỗi năm một đông. Du khách khắp các tỉnh đều đã từng ghé làng này du lịch nhưng đông nhất vẫn là khách tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng”- bà Y Lim nói.

Theo bà Y Lim, trước đây người dân quanh năm chỉ bám vào vài đám lúa nước, đám rẫy trồng mì để sinh sống. Không chỉ gia đình bà, mà người dân làng Kon Pring thường xuyên chịu cảnh thiếu ăn vào những mùa giáp hạt. Thế nhưng từ khi làng được công nhận là làng du lịch cộng đồng, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhiều nên đời sống của bà con cũng khấm khá dần lên. Nhờ khách du lịch, đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt, mọi người ngoài canh tác nông nghiệp thì đã dần chuyển đổi sang làm dịch vụ ngày một bài bản, chuyên nghiệp.

100232b%C3%A0%20con%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20t%E1%BA%A1i%20ch%E1%BB%97%20gin%20gi%E1%BB%AF%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20ph%E1%BB%A5c%20v%E1%BB%A5%20du%20kh%C3%A1ch

Bà con dân tộc tại chỗ gìn giữ văn hóa phục vụ du khách. Ảnh: P.N

 

Hiện, tại làng Kon Pring có 12 hộ chuyên phục vụ khách du lịch bằng các dịch vụ lưu trú, nấu những món ăn đặc sản và làm các sản phẩm thủ công như gùi, nỏ để bán cho khách du lịch. Các hộ khác không trực tiếp làm dịch vụ nhưng cũng hỗ trợ bằng việc lên rừng hái đọt mây, ống lồ ô, rau rừng để về phục vụ cho khách du lịch, mỗi tháng cũng kiếm được hàng chục triệu đồng. “Nhờ làm dịch vụ phục vụ cho khách du lịch mà đời sống người dân làng tôi đã thay đổi không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả trong văn hóa, giao tiếp, ứng xử cũng khác hẳn ngày xưa”- bà Y Lim cho biết.

Ở thị trấn Măng Đen, bà con ai cũng nể phục sự chăm chỉ, nhiệt tình, giỏi giang của chị Y Tuấn. Những năm trước gia đình chị Y Tuấn dù chăm chỉ cấy lúa, trồng mì nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi phải gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học. Từ khi thị trấn Măng Đen nổi tiếng, du khách đổ về cũng là thời điểm mà chị Y Tuấn bắt đầu trồng cây dược liệu, buôn bán thêm các mặt hàng nông sản của người dân bản địa. Cuộc sống gia đình từ đó bắt đầu khá dần lên. “Hai vợ chồng mình vừa mua ô tô hơn 500 triệu đồng để thuận tiện cho việc đi lại, chở con cái, phục vụ du khách. Gia đình  cũng đã xây dựng homestay với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng để phục vụ khách du lịch”- chị Y Tuấn khoe.

Theo đồng chí Đào Duy Khánh- Bí thư Huyện ủy Kon Plông, huyện xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tổng hợp, nên thời gian tới, huyện sẽ triển khai nhiều quyết sách để phát triển mạnh hơn nữa ngành du lịch. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư cho phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung hỗ trợ, khuyến khích các làng DTTS bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống để tạo ra sản phẩm phong phú, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, giúp cho du lịch Măng Đen phát triển lên một tầm cao mới.

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/mang-den-chuyen-minh-42225.html