Làm sao cho tất cả người dân đều có nhà ở

0

baokontum.com.vn

Đó là phát biểu của đồng chí Nghe Minh Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Khoảng 146 tỷ đồng đã được giải ngân từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, gần 3 năm qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 139 hộ người đồng bào DTTS.

Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 487 hộ chưa có hoặc còn thiếu đất ở; 1.035 hộ cần phải giải quyết nhà ở; 313 hộ chưa có hoặc còn thiếu đất sản xuất. Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, có một số địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng đã được Nhà nước hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chưa được một số địa phương coi trọng nên số đối tượng này tuy đã có nhà ở, đất ở, đất sản xuất nhưng họ vẫn chưa thật sự yên tâm. Khi được hỏi về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và các dụng cụ hỗ trợ chuyển đổi nghề có được từ đâu, có giấy tờ để chứng minh sở hữu tài sản này không thì phần đông các đối tượng được thụ hưởng chính sách đều nắm không rõ hoặc hiểu chưa hết. Trong khi đó, vẫn còn một số địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện hai chương trình này.

172625PCT%20Nghe%20Minh%20H%E1%BB%93ng%20l%C3%A0m%20vi%E1%BB%87c%20v%E1%BB%9Bi%20UBND%20t%E1%BB%89nh

Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghe Minh Hồng làm việc với UBND tỉnh. Ảnh: T.L

 

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về hai chương trình MTQG, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghe Minh Hồng trăn trở: “Làm sao cho tất cả người dân trong tỉnh đều có nhà ở”. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.

Để sớm đạt được mục tiêu đề ra, theo Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Dương Quang Phục, trước mắt phải “kéo” cho được người dân vào việc thực hiện hai chương trình này, nhất là những người đã được thụ hưởng chính sách này để người dân gắn bó tình cảm và trách nhiệm của mình với ngôi nhà, với mảnh đất được Nhà nước hỗ trợ, từ đó nỗ lực hơn nữa trong sản xuất, ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Muốn vậy, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương có liên quan cần nghiên cứu, lựa chọn phương pháp, cách thức thông tin, tuyên truyền để người dân và các đối tượng thụ hưởng chính sách thấu hiểu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội để họ không có, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc so bì khi mức hỗ trợ của Nhà nước có tăng trong thời gian tới.

 Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có quy định: “Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội (không có khả năng lao động, không có thu nhập để đối ứng) thì địa phương quyết định mức hỗ trợ cao hơn phù hợp với thực tế từ nguồn xã hội hóa”. Có như vậy thì hiệu quả đầu tư, bản chất nhân văn, tinh thần đại đoàn kết các dân tộc phát huy mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, làm cho bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa không ngừng “thay da đổi thịt”.

172711L%E1%BA%A4Y Gi%C3%A1m%20s%C3%A1t%20nh%C3%A0%20%E1%BB%9F%20x%C3%A3%20%C4%90%C4%83k%20T%C4%83ng Kon%20plong

Giám sát nhà ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Ảnh: TL

 

Mặt khác, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/2024/NQ-HĐND ngày 12/11/2024 của HĐND tỉnh về chính sách đất đai đối với cộng đồng đồng bào DTTS và cá nhân người đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần khẩn trương điều tra, rà soát, thống kê đầy đủ đối tượng được thụ hưởng chính sách, vì trên thực tế có những hộ nhà ở tuy còn tạm bợ nhưng họ vẫn đăng ký thoát nghèo.

Qua đó, cần xác định rõ đối tượng được miễn, được giảm, mức giảm đối với từng đối tượng; nguồn lực đất đai; đối tượng ưu tiên; phương pháp, cách thức, thời gian thực hiện, thời hạn phải hoàn thành. Đồng thời, quán triệt cho đội ngũ công chức địa chính cấp xã, cấp huyện phải xác định cho rõ đối tượng thụ hưởng chính sách khác, những đối tượng khác khi được cấp có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc, nhất là ở cơ sở để giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, không để ách tắt, không để sơ sót khi thực hiện chính sách này.

Làm sao cho tất cả người dân trong tỉnh đều có nhà ở? Câu trả lời rõ ràng nhất là cả hệ thống chính trị của tỉnh phải khẩn trương vào cuộc ngay từ bây giờ. Có như vậy, thì trong năm 2025, Kon Tum có thể cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tài Lương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/lam-sao-cho-tat-ca-nguoi-dan-deu-co-nha-o-44278.html