baokontum.com.vn
04/03/2024 13:22
Trước đây, đi từ thành phố Kon Tum hay Quảng Ngãi lên Măng Đen khiến nhiều người khiếp sợ với đèo Vi Ô Lăk và đèo Măng Đen ngoằn ngoèo, uốn lượn. Nhưng nay, Quốc lộ 24 đẹp xuyên qua những rừng già, rừng thông bạt ngàn, vắt qua các ngọn núi cao vút, tạo lên con đường đẹp như dải lụa giữa đại ngàn Trường Sơn. Có được con đường ấy là nhờ vượt bao khó khăn gian khổ của những con người thầm lặng.
Gian nan công tác đền bù
Quốc lộ 24 dài trên 168 km (trong đó, qua Quảng Ngãi 68 km, Kon Tum 100 km). Ở địa bàn Kon Tum, Quốc lộ 24 đi qua thành phố Kon Tum và 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông. Đây là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng, huyết mạch nối tỉnh Kon Tum cùng các tỉnh Tây Nguyên với khu công nghiệp Dung Quất, các trung tâm kinh tế, các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định. Đặc biệt, tuyến đường lại nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội các địa phương dọc tuyến đường ngày càng phát triển.
Để con đường đẹp như hiện nay, tạo thuận lợi cho đi lại của người dân là cả sự vất vả, vượt khó của đội ngũ kỹ sư, công nhân mở đường. Gần 3 năm xây dựng, con đường mới hoàn thành. Trong gần 3 năm ấy, để tạo nên cung đường đẹp, những người kỹ sư xây dựng, công nhân lái máy đã phải “vượt nắng, thắng mưa”, ngày đêm đào, đắp, bạt hơn 30 ngọn núi, xuyên rừng để xây nên con đường kết nối thông thương.
QL 24 xuyên qua cánh rừng thông tạo vẻ đẹp ấn tượng. Ảnh: P.N
Con đường hoàn thành đã và đang mở ra tương lai sáng nơi con đường đi qua nhưng vẫn còn đọng lại trong sâu thẳm ký ức gian khó, vất vả của những người đi mở đường.
Nhớ lại thời điểm khi mở đường, ông Phan Mười- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã phải thừa nhận, chưa bao giờ thấy công tác giải phóng đền bù gian nan, khó khăn như khi thực hiện dự án này. Việc giải phóng mặt bằng không phải khó khăn tại các đoạn đi qua rừng già, hay rừng thông cả trăm năm tuổi, mà ở sát thành phố Kon Tum và ở địa bàn huyện Kon Rẫy. Cái khó là khi thực hiện đền bù gần kết thúc, thì Luật Đất đai thay đổi có hiệu lực, ngành giao thông và chính quyền phải ngồi lại làm lại quy trình từ đầu.
Đơn cử, tại huyện Kon Rẫy, đầu năm 2014, mọi quy trình đền bù giải phóng mặt bằng đã ổn. Chủ đầu tư tiến hành bàn giao cho Hội đồng bồi thường huyện hồ sơ và hướng tuyến. Ngay sau khi nhận bàn giao hồ sơ, UBND huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường huyện tiến hành triển khai các bước lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo đúng trình tự như thông báo điều chỉnh dự án, đo đạc, kiểm kê tài sản trên đất, áp giá bồi thường.
Tuy nhiên, đến ngày 1/7/2014, Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành. Sau đó, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc quy định cụ thể một số nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Khi ấy, Hội đồng bồi thường huyện lại phải thực hiện áp giá lại và công khai phương án bồi thường theo quy định. Sau khi kết thúc thời gian công khai, Hội đồng bồi thường huyện mới lập thủ tục đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường. Chính việc này, khiến cho việc bàn giao mặt bằng thi công mở rộng, nâng cấp tuyến QL24 bị chậm tiến độ.
QL 24 đoạn qua dốc Ba tầng là đoạn khó khăn nhất trong quá trình thi công. Ảnh: P.N
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho hay: Công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp nhận mức giá đền bù, theo quy định của tỉnh cũng phải rất linh hoạt mới tạo được sự đồng thuận của người dân. Đầu tiên là họp dân, thông báo về dự án, thông báo danh sách những hộ dân bị ảnh hưởng mặt bằng khi tuyến đường được nâng cấp mở rộng. Nhưng đến khi công khai mức giá đền bù, thì dân mới phản đối. Thậm chí có người khiếu kiện lên tận tỉnh. Khi đó UBND huyện chỉ đạo cho ban đền bù, phối hợp các xã, đến từng nhà vận động. Sau khi đã thông tư tưởng, người dân thống nhất nhận đền bù, bàn giao mặt bằng. Quá trình đó thực sự gian nan, vất vả và mất nhiều thời gian.
Nhọc nhằn mở đường, chạy tiến độ
Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24 từ Quảng Ngãi đến Kon Tum, gồm hai dự án thành phần được thực hiện từ năm 2020. Trong đó, dự án thành phần 1 dài hơn 10km đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành vào tháng 8/2021.
Dự án thành phần 2 có chiều dài 31,3km gồm 3 gói thầu xây lắp do Sở Giao thông Vận tải Kon Tum làm chủ đầu tư và theo tiến độ yêu cầu phải hoàn thành tháng 12/2021. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022 dự án chậm tiến độ do bị vướng mắc về mặt bằng và do thời tiết mưa nhiều không thi công được. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chấp thuận gia hạn lần 2 đến tháng 7/2022, đồng thời, yêu cầu bổ sung dây chuyền, thiết bị, tăng ca tăng kíp để đưa dự án về đích theo đúng tiến độ điều chỉnh.
Không chỉ khó khăn về thời tiết, ảnh hưởng đến quá trình thi công, dọc tuyến đường này có hàng chục khúc cua, độ cao, vực sâu nguy hiểm phải nắn tuyến, bạt núi, hạ cốt đường để giúp cho người và phương tiện khi hoàn thành lưu thông thuận lợi, an toàn. Trong khi thi công, khó khăn nhất là đoạn dốc Ba tầng qua xã Hiếu huyện Kon Plông. Nhiều đoạn vừa phải hạ độ cao, thậm chí có đoạn phải hạ độ cao từ 30-50m theo phương thẳng đứng. Không chỉ vậy, một số đoạn vị trí thấp lại phải đắp nâng độ cao cốt đường lên từ 7-12m để đảm bảo độ dốc theo chuẩn kỹ thuật của dự án. Khối lượng đào đắp lớn, cộng với thời tiết mưa nhiều khiến việc thi công vô cùng khó khăn, vất vả.
QL24 được đầu tư đoạn qua thành phố Kon Tum. Ảnh: PN
Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu xây dựng phải dùng nhiều biện pháp, tập trung nhiều phương tiện, máy móc, con người chia nhiều mũi khác nhau để thi công toàn tuyến, riêng dốc Ba tầng, nhà thầu phải chia làm 3 mũi thi công, làm việc liên tục, bố trí 2, 3 ca, một số kíp phải làm ca đêm.
Chia sẻ điều này, ông Bùi Hữu Trình – Phó giám đốc Công ty CP Trường Long nhớ lại: Trước sức ép về tiến độ, dù thời tiết khó khăn, chúng tôi phải thường xuyên động viên các kỹ sư, công nhân khắc phục khó khăn, đồng thời,tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp cả ngày lẫn đêm để tổ chức thi công, đáp ứng tiến độ chất lượng công trình theo quy định. Thế rồi, vượt qua bao khó khăn, vất vả, cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành dự án và thông tuyến vào tháng 7/2022, đúng như kế hoạch.
Cũng khó khăn không kém là tại đoạn đường tránh đèo Măng Đen (với 13km). Tuy là dự án thi công tuyến đường mới hoàn toàn không có phương tiện lưu thông khi thực hiện dự án, nhưng lại phải xẻ núi xuyên rừng già cũng gặp vô cùng gian nan vất vả.
Anh Nguyễn Công Anh – công nhân của Công ty TNHH Tiến Dung nhớ lại: “Đường xẻ qua nhiều ngọn đồi, nên phải thi công cuốn chiếu, đường mở đến đâu, lán trại đến đó. Có những khúc cua khó thi công, công nhân phải dùng sức người để vác từng bao xi măng leo đường mòn ngược dốc.Có những đoạn thảm bê tông xi măng nhưng lại khan hiếm nguồn nước, chúng tôi phải đi mua chăn cũ, bao tải sợi gai, để khi thảm bê tông xong xuống suối ngâm chăn, bao tải cho no nước rồi phủ lên mặt đường để bảo quản độ ẩm cho mặt đường bê tông.
Những gian nan, vất vả, khó khăn của những người đi mở QL24 khó mà kể hết được. Chỉ biết rằng, QL 24 từ Kon Tum xuống Quảng Ngãi hiện nay đẹp như dải lụa vắt qua đại ngàn rừng xanh, thuận lợi trong việc đi lại, ngoài niềm vui của người dân khi con đường được hoàn thành thì những người đi mở đường cảm thấy hạnh phúc nhất khi những công lao, vất vả của họ đã và đang góp phần mang đến niềm vui, hạnh phúc cũng như sự phát triển sau này cho những mảnh đất mà con đường đi qua.
Chia sẻ điều này, ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Những năm trước đây, khi QL24 chưa được sửa chữa, mở rộng lượng khách du lịch đến với Măng Đen không nhiều bởi giao thông đi lại khó khăn. Nhưng kể từ khi QL 24 được nâng cấp mở rộng, lượng khách du lịch đến với Măng Đen tăng mạnh. Những dịp vào mùa lễ hội, ngày nghỉ, các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn được khách du lịch đặt kín chỗ. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và nó còn góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển.
Phúc Nguyên
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/ky-uc-nguoi-mo-duong-38616.html