Hoàn lương đón Tết sum vầy

15

baokontum.com.vn

07/02/2024 13:14

Mỗi người đều từng sa ngã, nhưng hiện họ cùng chung một lối hướng thiện. Họ không ngần ngại kể về những lỗi lầm của mình bởi xem đây là bài học đắt giá. Và sự khoan hồng, quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự sâu sát của các cấp, các ngành, cộng đồng đã dang rộng vòng tay chào đón họ trở về địa phương làm lại cuộc đời.

Đánh đổi…

Gió xuân khẽ lay nhẹ mái tóc cô con gái, 2 cậu con trai nô đùa ríu rít dưới khoảnh sân rợp nắng vàng. Trìu mến nhìn những đứa nhỏ, tết năm nay, chị Nguyễn Thị Thắm (41 tuổi) có lẽ là người mẹ hạnh phúc nhất khi được sum vầy cùng các con sau chuỗi ngày trả giá cho lỗi lầm.

“Thắm pháo” – cái tên mà nhiều người dân xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi thường gọi chị Nguyễn Thị Thắm, bởi nhiều năm trước chị Thắm từng là tay buôn pháo lậu có tiếng ở địa phương này.

Chị Thắm nhớ lại, sau khi ly hôn chồng vào năm 2014, bản thân chị gồng gánh nuôi 4 con. Áp lực cơm, áo, gạo, tiền đã khiến chị Thắm nhúng tay vào con đường phạm pháp buôn pháo lậu.

Với những chiêu trò, ma mãnh, Thắm đã nhiều lần qua mặt lực lượng chức năng để buôn bán, vận chuyển pháo lậu. Năm 2018, trong một chuyến giao hàng sang Đăk Lăk, Thắm đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Lúc ấy Thắm hiểu ra không ai có thể đứng trên pháp luật.

Sau hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, chị Thắm nhận mức án 3 năm 3 tháng tù giam về tội “Vận chuyển hàng cấm”. Nghe tòa tuyên án, chị Thắm như c h ế t lặng, hình ảnh 4 người con cứ quanh quẩn trong tâm trí chị.

102147Ch%E1%BB%8B%20Th%E1%BA%AFm%20c%C3%B9ng%20c%C3%A1c%20c%C3%A1c%20con%20%C4%91%C3%B3n%20t%E1%BA%BFt%20sum%20v%E1%BA%A7y.

Chị Thắm cùng các con đón tết sum vầy. Ảnh: VT

 

Thời điểm chị Thắm chuẩn bị đi chấp hành án vào cuối năm 2020, cậu con trai nhỏ nhất đang học mẫu giáo, cô con gái lớn nhất chuẩn bị vào đại học. Biết mẹ mình không yên tâm khi phải rời xa các con, cô con gái thứ 2 khi ấy đang học lớp 9 đã xin mẹ được nghỉ học để ở nhà làm “mẹ”.

Nghe con mình tâm sự lý do nghỉ học để thay mẹ đi làm chăm em, hỗ trợ chị đi học đại học, chị Thắm chỉ biết tự trách, dằn vặt bản thân bởi vì chị mà con mình phải đánh đổi cả tương lai, sự nghiệp đèn sách.

Chị Thắm nhớ như in ngày 3/12/2020, ngày đầu tiên chị đặt chân vào trại giam để bắt đầu thụ án tù. Nỗi nhớ con cứ thế ùa về, chị Thắm sợ những đứa con xa mẹ sẽ đi sai đường, bị kẻ xấu dụ dỗ, phải chịu một cuộc sống cơ cực, thiếu thốn. Nhiều đêm liền, trong bóng đêm, chị Thắm vắt tay lên trán mà nước mắt chảy hai hàng, hối hận về việc làm của bản thân, khi ấy chị mới nhận thấy sự quý giá của tự do, sự nghiêm minh của luật pháp.

Những lá thư tay được chị Thắm gửi cho các con gói ghém tình cảm cùng sự hối lỗi của người mẹ, những người con cũng động viên mẹ bằng những câu chuyện về cuộc sống hiện tại để mẹ yên tâm chấp hành án.

Chị Thắm tâm sự: Bức thư đầu tiên mà các con tôi gửi vào, những câu chuyện chân thật, hồn nhiên đã tạo sự đồng cảm cho cán bộ trại giam. Họ đã gọi tôi ra nói chuyện riêng, động viên tôi cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được đoàn tụ với các con.

Được cán bộ động viên, chị Thắm có những nhận thức tốt hơn về môi trường trại giam, chị xem đây là một ngôi trường để bản thân tiếp tục học cách sống, học cách hoàn thiện bản thân, sau này trở về làm công dân có ích cho xã hội. Chị Thắm luôn nỗ lực làm tốt những công việc mà trại giam phân công, từ làm đồng, trồng rau, đến chăm sóc đàn heo, khai thác mủ cao su. Tuy nhiên, điều khiến chị Thắm cảm thấy sợ nhất là mỗi dịp tết đến.

Chị Thắm kể, cứ hễ gần đến tết, những đứa con lại vào trại thăm mẹ. Có năm chúng mang theo hộp bánh, có năm mang theo thùng mì tôm cùng những câu chuyện về chị gái sắm đồ tết cho các em, khiến người mẹ ngậm ngùi, rưng rưng nước mắt. Để quên đi nỗi nhớ con vào những ngày tết, chị Thắm đăng ký thay các phạm nhân khác làm việc, chỉ mong ngày tết trôi qua thật nhanh.

Và rồi, những nỗ lực cải tạo của chị Thắm cũng được ghi nhận. Chị Thắm nhớ rõ, vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm 2023, sau khi được cán bộ trại giam chúc tết, chị Thắm bất ngờ là phạm nhân duy nhất được tha tù trước thời hạn 11 tháng. Chị vỡ òa trong cảm xúc, nghĩ về những ngày tháng sắp tới, hoàn lương làm lại từ đầu, được làm mẹ chăm sóc những đứa con thơ.

Cũng từng trả giá cho lỗi lầm của bản thân, anh A Bàn (26 tuổi, thôn Tân Ba, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) nhiều ngày ngồi sau song sắt nhớ về gia đình. Ngày A Bàn đi chấp hành án về tội “Trộm cắp tài sản”, khi ấy đứa con đầu lòng chỉ vài tháng tuổi, vườn tược đành bỏ hoang vì không ai chăm sóc.

Năm tháng trong trại giam, A Bàn hiểu rõ sự nghiêm minh của pháp luật, giá trị của sự tự do. Ngày anh trở về, nhìn những mảnh vườn cằn cỗi do thiếu người chăm sóc, đứa con nhỏ còi cọc do thiếu tình cảm của cha, A Bàn chỉ biết tự trách mình. Ngày đầu về nhà, A Bàn mặc cảm, dằn vặt vì lỗi lầm mình gây ra nhưng nhờ sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, A Bàn hòa nhập cộng đồng, bỏ sau lưng những mặc cảm của bản thân để chăm lo gia đình và phát triển kinh tế.

Hoàn lương

Người đời thường nói “sa ngã có năm bảy đường nhưng hoàn lương chỉ một lối”, mỗi người có những lỗi lầm khác nhau nhưng khi quay đầu sẽ cùng chung một lối hướng thiện.

Sau 3 cái tết trong trại giam, chị Nguyễn Thị Thắm đã biết trân quý sự tự do, giá trị, ý nghĩa của những đồng tiền chân chính. Bước ra khỏi cánh cổng trại giam, chị Thắm không quên gửi những lời cảm ơn tới cán bộ công an đã giúp bản thân chị thay đổi nhận thức, hoàn thiện bản thân; gửi những lời động viên đến những phạm nhân đang chấp hành án hãy cải tạo thật tốt để trở về với gia đình.

Trở về nhà, những đứa con quây quần bên mẹ mãi không rời. Chị Thắm ôm chặt những đứa con sau bao năm xa cách, lòng tự nhủ phải cố gắng để bù đắp cho các con. Chị đi nhiều nơi tìm việc, ai kêu gì làm nấy mà không nề hà. Ngoài ra, với kinh nghiệm học may vá từ nhiều năm trước, chị đã sắm một chiếc máy may, nhận sửa đồ tại nhà để có thêm thu nhập vào mỗi tối.

Ngày qua ngày, với những nỗ lực của bản thân, sự quan tâm, giúp đỡ của hàng xóm, chính quyền địa phương, chị Thắm nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, chăm lo làm ăn lương thiện, chăm sóc các con học tập thật tốt.

“Thời gian tới, tôi mong được tạo điều kiện vay vốn để chăn nuôi, chăm sóc cây trồng tăng thêm thu nhập” – chị Thắm bày tỏ.

Thiếu tá Đinh Hà Thiếu – Cán bộ Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Ngọc Hồi cho biết: Sau khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện, chị Thắm đã nhận thức được lỗi lầm, nỗ lực hoàn thiện bản thân, làm ăn lương thiện để chăm cho gia đình. Vừa qua, để tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù có nguồn lực phát triển kinh tế, ngày 17/8/2023 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm (Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg). Công an huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ chị Thắm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để được vay vốn làm ăn theo Quyết định trên.

102348%C4%90%C6%B0%E1%BB%A3c%20h%E1%BB%97%20tr%E1%BB%A3%20vay%20v%E1%BB%91n,%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20anh%20A%20B%C3%A0n%20%C4%91%C3%A3%20%C4%91%E1%BA%A7u%20t%C6%B0%20mua%20b%C3%B2%20gi%E1%BB%91ng%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20kinh%20t%E1%BA%BF.

Được hỗ trợ vay vốn, gia đình anh A Bàn đã đầu tư mua bò giống phát triển kinh tế. Ảnh: VT

 

Cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh A Bàn nhanh chóng được tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg làm “cần câu” cho người hoàn lương, anh A Bàn được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng để chăn nuôi bò.

Dẫn chúng tôi thăm đàn bò, anh A Bàn phấn khởi nói:  Sau khi phạm tội, bản thân tôi đã phải trả giá bằng những năm tháng tuổi trẻ. Trở về địa phương, dù vẫn có những mặc cảm nhất định, nhưng được chính quyền địa phương, lực lượng công an động viên, khuyên bảo, tôi đã cởi mở tư tưởng và ra sức làm ăn. Mới đây, được vay 100 triệu đồng, gia đình tôi đã mạnh dạn mua 3 con bò giống, sắp tới số tiền còn lại sẽ dùng để xây chuồng trại, mua phân bón cho vườn cà phê. Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực làm ăn, tiết kiệm, chăm lo con cái học tập thật tốt, dãy dỗ chúng nên người.

Thượng tá Lê Xuân Thủy – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Cơ quan Thi hành án hình sự, Công an tỉnh đã tiếp nhận 1.513 người chấp hành xong án phạt tù từ các cơ sở giam giữ về cư trú ở địa phương, trong đó hiện lực lượng công an đang quản lý 646 người chấp hành án phạt tù chưa được xóa án tích. Những người này đều có những hạn chế từ bản thân, thường mặc cảm với xã hội nên rất cần sự quan tâm, chung tay giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Chính vì thế, Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an thực hiện tốt việc tiếp nhận, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, tha tù trước thời hạn trở về địa phương sinh sống.

“Thời gian qua, lực lượng công an đã thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp, các doanh nghiệp hỗ trợ, tìm kiếm việc làm, tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, tha tù trước thời hạn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ khi triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ cho 22 người vay vốn để học nghề nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với tổng số tiền 1,878 tỷ đồng. Với nguồn vốn vay, nhiều người có thêm động lực để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội” – Thượng tá Lê Xuân Thủy cho biết thêm./.                                                          

Văn Tùng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/hoan-luong-don-tet-sum-vay-37156.html