Chung tay xây dựng nông thôn mới ở thôn Hòa Bình

8

www.bienphong.com.vn

Biên phòng – Thôn Hòa Bình được xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum lựa chọn xây dựng thôn nông thôn mới nhằm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh”. Để đạt được mục tiêu, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân thôn Hòa Bình đã chung sức, đồng lòng, quyết tâm đưa địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

crop 649114415am 1152 649114415am54114307am68325527pmtrao quyet dinh dat chuan thon nong thon
Trao quyết định đạt chuẩn thôn nông thôn mới cho thôn Hòa Bình. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Ngô Tấn Quyết, Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết: Thôn Hòa Bình có 139 hộ/503 khẩu, trong đó, có hơn 90% dân số là đồng bào Mường. Để đưa thôn Hòa Bình đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo đúng kế hoạch, UBND xã đã tổ chức 4 hội nghị quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể thôn Hòa Bình kiểm tra, đánh giá thực trạng các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, phối hợp với Ban quản lý thôn Hòa Bình xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Cùng với đó, xã đã thành lập Tổ hỗ trợ thôn Hòa Bình, trong đó, thành viên gồm cán bộ xã; tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi với nhân dân trên địa bàn thôn Hòa Bình, cùng nhau xây dựng thôn nông thôn mới. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Xác định các tuyến đường là bộ mặt của thôn, xã đã huy động, bố trí nguồn lực để bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, nội thôn; phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên tổ chức nạo vét mương thoát nước hai bên, phát quang bụi rậm, trồng hoa, chăm sóc cây xanh dọc các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Hương, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Bình cho biết: “Mỗi tháng, thôn sẽ tổ chức ra quân dọn dẹp 2 lần. Mỗi gia đình sẽ cử đại diện tham gia, mọi người cùng nhau dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan cho thôn. Cùng với đó, khi xã tổ chức bê tông hóa các tuyến đường trong thôn, bà con sẽ cùng nhau đóng góp ngày công lao động. Như trong năm qua, bà con đóng góp hơn 300 ngày công để bê tông hóa hơn 700m đường vào khu sản xuất. Nhờ đó, đến nay, 100% tỷ lệ km đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 70% đường trục thôn, ngõ xóm đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp. Các tuyến đường có rãnh thoát nước, cây xanh bóng mát, có hệ thống đèn chiếu sáng”.

117114307am77925613pmcac tuyen duong noi thon hoa binh duoc b
Các tuyến đường nội thôn Hòa Bình được bê tông hóa, có hệ thống đèn chiếu sáng về đêm. Ảnh: Thanh Tùng

Bên cạnh việc xây dựng các tuyến đường, thôn Hòa Bình còn chú trọng vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nâng cao thu nhập. Bí thư chi bộ Đinh Thị Hương cho biết, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo luôn đi đôi với nhau. Khi thu nhập người dân tăng, người dân sẽ thoát nghèo. Do vậy, thời gian qua, thôn tích cực vận động người dân chuyển đổi sang trồng các giống lúa cho năng suất, giá trị cao như ST24, ST25; chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê, mắc ca, cây ăn quả. Cùng với đó, thôn lựa chọn các mô hình điểm về phát triển kinh tế để người dân dễ dàng học hỏi.

Một trong những gương điển hình của thôn được nhắc nhiều chính là gia đình ông Sa Văn Kiểm. Từ diện tích 6ha, ông Kiểm đã mạnh dạn đầu tư trồng cà phê, cao su, đào ao, đầu tư hệ thống tưới tự động. Đồng thời, ông Kiểm cũng đầu tư mua máy cày để giải phóng sức lao động. Giờ đây, mỗi năm, trừ mọi chi phí, ông Kiểm thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Nhờ các mô hình kinh tế điển hình như ông Kiểm mà nhiều nông dân trên địa bàn thôn đã chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo phong trào hăng hái thi đua sản xuất. Nhờ vậy, đời sống của bà con trong thôn từng bước được ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt khoảng 40 triệu đồng/năm/người. Hộ làm ăn khá ngày càng tăng. Số hộ nghèo hiện còn 3 hộ, hộ cận nghèo còn 7 hộ.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi để phát triển kinh tế, thôn còn vận động người dân đẩy lùi những hủ tục, phong tục không còn phù hợp; làm chuồng trại chăn nuôi để mang lại hiệu quả; đào hố rác, làm hàng hào để giữ gìn vệ sinh nhà cửa. Bên cạnh đó, để củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, xã phối hợp với thôn tăng cường vận động học sinh và gia đình học sinh tiếp tục cho trẻ 6 tuổi được vào lớp 1, học đúng độ tuổi và 100% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học trung học cơ sở; đồng thời vận động người dân trong độ tuổi lao động tham gia học các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp ngắn hạn và dài hạn gắn với đầu ra.

Ông Ngô Tấn Quyết cho biết: Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn thôn, đến nay, thôn Hòa Bình đã hoàn thành 10/10 tiêu chí thôn nông thôn mới. Từ đó, làm thay đổi sâu sắc nhận thức của nhân dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; phát huy được vai trò chủ thể, nhất là việc tự bỏ vốn đầu tư cho sản xuất, chỉnh trang nhà, vườn, tích cực tham gia đóng góp và trực tiếp tham gia xây dựng các cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; phát triển ngành nghề nông thôn ở từng gia đình, từng khu dân cư…

Thanh Tùng


Nguồn bài viết:
https://www.bienphong.com.vn/chung-tay-xay-dung-nong-thon-moi-o-thon-hoa-binh-post479329.html