Tuần Văn hóa – Du lịch Kon Tum lần thứ 4: Công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất

    169

    [Tin Kon Tum] – Ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4-2018 cơ bản đã hoàn tất. Một số nội dung công việc như kẻ vẽ pa nô, áp phích tuyên truyền, xây dựng gian hàng triển lãm các sản phẩm du lịch, gỗ để tạc tượng, kịch bản các sự kiện… đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện những khâu cuối cùng.

    Cụ thể, thành phố Kon Tum đã bố trí trên dãy phân cách các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng (từ xã Hòa Bình đến ngã ba Trung Tín); từ vòng xuyến Duy Tân đến xã Đăk Blà để Ban tổ chức treo băng rôn; đề nghị doanh nghiệp tư nhân trang trí Nội thất Lê Nguyễn hỗ trợ một số cụm panô lớn để tuyên truyền tại các khu vực bùng binh cầu Đăk Bla, bùng binh Duy Tân, khu vực Sao Mai, đường Trần Phú…

    Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện 8 cụm pa nô, 1.000 băng rôn dọc, 60 băng rôn ngang; trang trí đường phố 60 cụm, trong đó, khu vực Quảng trường 16/3 có 40 cụm, ngã tư Bà Triệu – Trần Phú 16 cụm; ngã tư Lê Hồng Phong – Bà Triệu 4 cụm và khu vực cầu Đăk Bla, bùng binh Duy Tân…

    Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bình cho biết, theo kế hoạch, Lễ khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 diễn ra tối 14/12 tại Quảng trường 16/3 với chủ đề: Sắc thắm Pơ Lang; dự kiến truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam VTV5/ VTV8; Đài Phát thanh – Truyền hình Kon Tum; Đài Truyền hình các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và HTV tiếp sóng chương trình.

    Tuần Văn hóa Du lịch Kon Tum lần thứ 4 Công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất 1
    Công tác chuẩn bị Tuần Văn hóa – Du lịch ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Q.Đ

    Tham gia biểu diễn nghệ thuật đêm khai mạc có các diễn viên Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum; Vũ đoàn Sài Gòn; các ca sỹ, người mẫu chuyên và không chuyên; Đoàn Nghệ thuật An Giang; Đoàn nghệ nhân tỉnh Attapư (Lào) và tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Chương trình nghệ thuật có 3 chương với thời lượng 92 phút; gồm Chương I – Huyền thoại Đăk Bla, Chương II – Vòng tay bạn bè, Chương III – Kon Tum ngày mới.

    Lễ hội đường phố với chủ đề: “Sắc màu văn hóa” diễn ra từ 16h00 – 18h00 ngày 15/12 theo lộ trình: Quảng trường 16/3 => Lê Văn Hiến => Lê Hồng Phong => Bạch Đằng. Điểm nhấn của lễ hội đường phố là các đoàn dừng lại biểu diễn, hoạt náo từ 5-7 phút tại Quảng trường 16/3, ngã tư Lê Hồng Phong – Bà Triệu,  ngã tư Lê Hồng Phong – Trần Hưng Đạo, ngã tư Lê Hồng Phong – Bạch Đằng.

    Các huyện, thành phố tham gia trình diễn cây nêu truyền thống (1 cây/đoàn, cao khoảng 6-8 mét). Các đơn vị trình diễn cây nêu truyền thống của đồng bào DTTS tiêu biểu trên địa bàn như huyện Đăk Hà là cây nêu Xơ Đăng (nhánh Sơdrá), Đăk Tô với cây nêu Xơ Đăng (nhánh Xơ Teng), Tu Mơ Rông là cây nêu Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng), Ngọc Hồi với cây nêu B’râu, Đăk Glei là cây nêu Giẻ – Triêng, Kon Plông với cây nêu H’Rê, Kon Rẫy là cây nêu Ba Na (nhánh Jilâng), Sa Thầy với cây nêu Rơ Măm, thành phố Kon Tum là cây nêu Gia Rai.

     Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian diễn ra tại nhà rông Kon K’lor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) từ 14-17/12, dự kiến có 32 nghệ nhân các tỉnh tham gia thực hiện 16 tác phẩm; trong đó, tỉnh Kon Tum co 20 nghệ nhân (2 nghệ nhân/1 đơn vị), các tỉnh bạn mỗi tỉnh 2 nghệ nhân. Từ 14-17/12, tại Bảo tàng tỉnh diễn ra các sự kiện: Triển lãm Di sản văn hóa, trình diễn cây nêu truyền thống; trải nghiệm các trò chơi dân gian và tái hiện, triển lãm không gian mùa giữ rẫy; còn tại Nhà hàng Ngọc Linh (30 Bạch Đằng) diễn ra hoạt động  giới thiệu sản phẩm du lịch của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn. Liên hoan ẩm thực diễn ra từ 17h00-19h00 ngày 14/12 tại Sảnh Pơ Lang (Khách sạn Đông Dương) với hàng trăm món ăn, thức uống tiêu biểu, đặc sắc của các thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

    Về du lịch, tổ chức các tour du lịch, đưa khách tham quan trải nghiệm các hoạt động tại Homestay Kon K’tu (thành phố Kon Tum); khám phá các tuyến du lịch mới như chinh phục đỉnh Ngọc Linh, tham quan vườn Sâm Ngọc Linh (Tu Mơ Rông), Vườn quốc gia Chư Mom Ray, vườn Lan, Thác khỉ, Khu cứu hộ động vật, Khu di tích Chư Tan Kra, Làng Baragoc – xã Sa Sơn (Sa Thầy); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen (Kon Plông); làng văn hóa du lịch Kon Du, Khu du lịch Epic Spa (Kon Rẫy); Cột mốc 3 biên, cửa khẩu Bờ Y, làng Văn hóa Đăk Răng (Ngọc Hồi)…

    Lễ bế mạc và trình diễn trang phục truyền thống có chủ đề: “Lời hẹn miền thổ cẩm” diễn ra từ 19h00 – 21h30 tối 16/12 tại Quảng trường 16/3, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh.

    Theo ông Bình, sự kiện này được tổ chức tại tỉnh với mục đích tạo không gian để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời tạo cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp du lịch giới thiệu những sản phẩm mới, kích hoạt, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân các dân tộc trong khu vực.

                                                                                    Quang Định