Tuyệt đối không chủ quan sẵn sàng công tác ứng phó với bão Trami

3

petrotimes.vn

Sáng nay (27/10), tại Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp trực tuyến với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão số 6. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe báo cáo trực tiếp từ Đài Khí tượng Quảng Trị về diễn biến cấp gió giật, cường độ mưa, lũ trên các sông, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất… Trong đó, trọng điểm là mưa lớn ở khu vực phía Nam, sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Tây.

Tuyệt đối không chủ quan, sẵn sàng công tác ứng phó với bão Trami Dự báo vị trí và hướng di chuyển bão Trami lúc 10h00 ngày 27/10 (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 27/10, bão Trami đang ở trên vùng biển Nam Quảng Trị – Đà Nẵng. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Dự báo trưa 27/10, bão Trami sẽ đi vào đất liền khu vực Nam Quảng Trị – Đà Nẵng, vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông dịch chuyển ngược trở lại biển, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp và tan dần.

Dự báo, từ sáng 27/10 đến hết ngày 29/10, khu vực Quảng Bình – Quảng Ngãi tiếp tục mưa to từ 200-400 mm, có nơi trên 600 mm. Khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh; khu vực Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 400 mm. Khu vực Bắc Nghệ An, Gia Lai có mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Khả năng xuất hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi ở mức báo động 2- báo động 3, các sông ở Quảng Bình báo động 2, các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum báo động 1.

Từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có trên 30 huyện và khu đô thị với 365 xã có nguy cơ ngập lụt. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức cao đến rất cao ở các sườn đồi dốc, taluy tại khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, bão Trami là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào miền Trung năm 2024. Đây là cơn bão có cơ chế hoạt động hết sức đặc biệt khi vào đất liền lại quay ra biển nên ảnh hưởng của gió mạnh trên đất liền kéo dài, lượng mưa lớn. Do đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và đài khí tượng các địa phương cần đưa ra dự báo chính xác về thời điểm bão đổ bộ và triều cường để tập trung xử lý các khu vực đê biển xung yếu. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ các địa phương sử dụng thiết bị bay không người lái khảo sát các khu vực đông dân cư, khu vực có bản đồ đứt gãy về địa chất để sớm phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở, di chuyển người dân đến nơi an toàn.


Nguồn bài viết:
https://petrotimes.vn/tuyet-doi-khong-chu-quan-san-sang-cong-tac-ung-pho-voi-bao-trami-719710.html