"Ông sáng kiến" ở vùng biên

    164

    Cơn mưa giông ập xuống nhanh, nước dâng lai láng mặt đường. Mưa làm dịu bớt cái nóng, cái gió khắc nghiệt giữa mùa khô của vùng biên giới Gia Lai. “Trời mưa thường làm cho con người nhớ quá khứ. Câu nói của một nhà văn nào đó thật không sai” – mời chúng tôi uống cạn chén trà, Anh hùng Lao động Trần Quang Hùng chậm rãi kể về thuở ban đầu ông và đồng đội đặt chân lên vùng đất này.

    Bám dân, bám bản làng

    “Cách đây khoảng 20 năm, chúng tôi đã mời bà con dân tộc thiểu số ở làng Ghè, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đến dự cuộc họp với mục đích kêu gọi họ tụ tập nhau lập nên làng Mới bây giờ, để thuận lợi cho việc sản xuất và vận động thanh niên vào làm công nhân, giúp họ xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ. Đó là một đêm giá lạnh. Đại diện cho những người lính đi mở đất, tôi nhặt các cành củi khô nhóm một đống lửa lớn. Đống lửa đầu tiên đó đã khởi đầu cho một câu chuyện dài về những người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên gắn bó, đoàn kết như anh em, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa dân tộc” – vị lính già chậm rãi, giọng trầm trầm.

    Ông sáng kiến ở vùng biên - Ảnh 1.

    Bộ đội Binh đoàn 15 hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

    Vùng biên giới này bây giờ khác thuở ấy rất nhiều. Người Gia Rai nơi đây đã tự nguyện về xây làng mới, biết trồng cây và trồng rau sạch trong vườn nhà. Ngày trước, họ đi làm vào lúc 9 giờ, đến 15 giờ đã về nhà, nay đi làm theo mùa vụ. Mùa cạo mủ cao su thì 3 giờ họ đã đi, đến 17 giờ mới về.

    Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết: “Đi lên từ một vùng đất biên giới hoang tàn sau chiến tranh nhưng đời sống của đồng bào các dân tộc ở đây ngày càng no đủ, tình làng nghĩa xóm được củng cố. Người dân địa phương luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ, như rừng cây hướng về mặt trời. Thành quả đó có đóng góp rất lớn của Công ty 74 – Binh đoàn 15 nói chung và những mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực của ông Trần Quang Hùng nói riêng. Đó cũng chính là bài học, là kinh nghiệm rút ra từ công tác dân vận khéo, bám dân, bám bản làng của bộ đội Binh đoàn 15”.

    Ngày tháng trôi qua, ngọn lửa nhen lên trong đêm giá lạnh hôm ấy đã trở thành ngọn lửa đoàn kết, lan nhanh và sưởi ấm tình người, củng cố tình quân – dân trên vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc.

    Đến từng nhà, ra tận rẫy

    Hơn 40 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, cũng chừng ấy thời gian Bộ đội Hùng – tên người dân địa phương thân mật gọi đại tá Trần Quang Hùng, nguyên Giám đốc Công ty 74 – tìm kiếm, đưa ra và tổ chức thực hiện hiệu quả những mô hình sát thực với đơn vị, với cuộc sống người dân, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thoát đói rét, giảm nghèo khổ, vươn lên làm giàu.

    Nắm chặt tay nhau như người thân lâu ngày gặp lại, ông Bah Sor Ba – già làng Mới, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ – bộc bạch: “Để có làng Mới trù phú như bây giờ, từ đầu năm 1993, Bộ đội Hùng đã đến từng nhà, ra tận rẫy động viên bà con tập trung lại thành lập làng biên giới. Chuyện không dễ, vì tập quán ở đây trồng cây gì lạ trong vườn, đặc biệt là làm nhà, phải được “Yàng” đồng ý mới làm được. Biết vậy nên Bộ đội Hùng đã huy động bộ đội san đất làm nền, đào giếng lấy nước, làm đường giao thông, hỗ trợ bà con lương thực, thực phẩm và đặc biệt là đắp đập lấy nước để tưới cà phê, trồng lúa nước. Lúc đầu chỉ vài hộ về ở, họ được bộ đội khai hoang và chỉ cách trồng cây lạ như cà phê, cao su, lúa nước. Thấy không bị “Yàng” phạt mà lại được mùa no ấm, các cháu nhỏ được đi học chữ, người già đau ốm được bộ đội khám và điều trị không mất tiền, thế là bà con quanh vùng biên giới Đức Cơ kéo nhau về làng Mới từ đó”.

    Ông sáng kiến ở vùng biên - Ảnh 2.

    Anh hùng Lao động Trần Quang Hùng (thứ 3 bên phải qua) với các công nhân tham gia mô hình “gắn kết hộ”

    Người Gia Rai có nhà, có vườn đất rộng, đất tốt nhưng xưa không trồng cây trong vườn nhà vì sợ “Yàng” phạt thì trẻ em chết yểu, người già bệnh tật, đói khổ. Theo quan niệm của bà con, “sân nhà là để cho con gà, con heo nó đi chơi, con chó nó tìm bạn”.

    Mùa khô Tây Nguyên nắng nóng như chảo rang. Gió cuộn bay những đám bụi mù mịt. Những căn nhà cô đơn không một bóng cây, cứ ngày ngày tắm mình trong nắng chói chang. Con chim sợ nóng bay đi, con gà chạy ra thành giếng tìm chỗ mát.

    Thương bà con, Bộ đội Hùng lại lặn lội đi vận động “xanh hóa vườn nhà”. Lúc đầu trồng cây che bóng mát, sau đó trồng rau xanh. Thấy được cái lợi, bà con làm theo. Nay thì mô hình “xanh hóa vườn nhà” lan tỏa đến tất cả các bản làng trên biên giới Tây Nguyên.

    Từ việc nghe theo bộ đội nói, làm theo bộ đội làm, lại được bộ đội hướng dẫn tận tình với phương châm “cầm tay chỉ việc”, đời sống của bà con ngày một nâng cao, nhiều hộ đã giàu. Mùa khai thác, nếu ai cạo mủ cao su giỏi, tiền lương đạt tới 8-10 triệu đồng/tháng. Rồi tiền vượt sản phẩm, tiền thu từ các nguồn kinh tế gia đình. Có hộ thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm, là điều chỉ nay mới thấy.

    Mở ra cơ hội mới

    Ngày xưa nếu có tiền, người Gia Rai cứ tiêu xài thoải mái, nhiều lúc rất lãng phí. Năm 2010, Bộ đội Hùng đưa ra cuộc vận động “gửi tiền tiết kiệm – ích nước lợi nhà” cho người lao động. Cuộc vận động có ý nghĩa lớn, mở ra cơ hội mới cho bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhưng không đơn giản để làm, vì bà con không có khái niệm tích lũy. Vậy rồi, giám đốc ngân hàng được Bộ đội Hùng mời xuống tận các đội sản xuất, các bản làng, gặp người lao động để nói rõ lợi ích của việc gửi tiền tiết kiệm. Các đội trưởng, già làng, trưởng thôn cũng được huy động để hướng dẫn, vận động bà con.

    Từ khi người Gia Rai biết mang tiền “đi đẻ”, đời sống cán bộ, công nhân và người lao động ngày một ổn định. Nhiều hộ xây được nhà mới, nhiều hủ tục lạc hậu được loại bỏ. Từ 20 hộ ban đầu, đến nay, trên 1.700 hộ đã tham gia và trở thành “phong trào tiết kiệm”. Đặc biệt, gia đình anh Ksor Chel ở làng Grôn mang đến gửi ngân hàng hơn 3 tỉ đồng, như anh nói là “cho tiền nó đẻ”.

    Ông Rơ Mah Dơn, cán bộ MTTQ xã Ia Dơk, cho biết từ hiệu quả của mô hình “mang tiền đi đẻ”, Bộ đội Hùng đưa tiếp mô hình “gắn kết hộ”. Hộ gia đình người Kinh kết nghĩa với hộ gia đình người dân tộc thiểu số, với mục tiêu vừa xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội vừa xây dựng cơ sở chính trị ổn định, xây dựng thế trận lòng dân.

    Lúc đầu, Bộ đội Hùng cho thí điểm gắn kết 30 cặp hộ. Không “cắt máu ăn thề” như những lễ hội, giao ước của bà con nhưng lễ gắn kết cũng được tổ chức long trọng tại đơn vị và địa phương. Ban đầu, các cặp hộ giúp nhau làm chuồng gà, trồng cây trong vườn nhà, hướng dẫn nhau cách trồng cây cao su, hồ tiêu…, sau đó giúp nhau tiền làm nhà, mua cây giống. Họ đến với nhau hoàn toàn tự nguyện, từ không quen biết đến thân tình “tối lửa tắt đèn có nhau”.

    Đến nay, Công ty 74 đã có trên 1.500 cặp hộ gắn kết. Đó là những mắt xích, là sự kết nối “đoàn kết dân tộc” giữa người Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, cuộc sống của hàng ngàn lao động trên vùng biên giới Gia Lai, Kon Tum đã dần ổn định, nhiều gia đình có của ăn của để.

    Hiệu quả từ các mô hình “Vườn rau sân nhà”, “Mang tiền đi đẻ”…, đặc biệt là mô hình “gắn kết hộ” – thai nghén và ra đời từ Bộ đội Hùng – đã được Binh đoàn 15 nhân rộng trong các đơn vị và lan tỏa rất nhanh. Đến nay, địa phương đã có trên 4.600 cặp hộ gắn kết. Từ hiệu quả của mô hình này, Ủy ban MTTQ các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk đã đến tham quan, học tập và nhân rộng trên địa bàn. 

    Gắn kết như anh em ruột thịt

    Không giấu được niềm vui, anh Ksor Lương – ngụ làng Kòm Yố, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai – thổ lộ: “Gia đình mình gắn kết với gia đình Đậu Văn Lành như anh em ruột thịt. Có công việc gì thì cùng chia sẻ. Nhờ anh Lành hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây, cạo mủ cao su nên đồng tiền, hạt gạo cứ chạy về. Mình giúp anh Lành và công nhân người Kinh biết thêm văn hóa, phong tục của người Gia Rai, Ba Na. Bà con mình ngày càng no cái bụng. Tiền có nhiều nên họ cho con đi học, xây nhà và mua dụng cụ sinh hoạt gia đình. Đó là kết quả của tình đoàn kết anh em Kinh – Thượng, tình đồng chí đồng đội. Bà con mình biết ơn Bộ đội Hùng rất nhiều!”.

    Cuộc thi phóng sự – ký sự 2019 trên Báo Người Lao Động đã nhận được tác phẩm tham dự của các tác giả: Phạm Xuân Dũng (Trên đỉnh Sa Mù), Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Nghiên cứu mỹ thuật để “gặp gỡ” ông ngoại), Văn Trần (Bắt đầm lầy đẻ tiền tỉ), Hà Thanh Tú (Phải lòng ngọc điểm), Ngô Văn Tuấn (Vườn cây của Huệ), Thủy Vũ (Đầu tư tài chính cùng chiếc bánh vẽ), Trương Thanh Liêm (Ông Lộc đa năng), Hồ Thị Xuân Đà (Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng), Huỳnh Văn Nguyệt (Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Nga)…

    Trân trọng cảm ơn các tác giả và rất mong tiếp tục nhận được tác phẩm mới.

    ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

    Ông sáng kiến ở vùng biên - Ảnh 5.Ông sáng kiến ở vùng biên - Ảnh 6.

    Đi tới nguồn bài viết