ĐBQH: Một chữ thay đổi trong luật quyết định an sinh cả đời người lao động

18

www.baogiaothong.vn

Hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng nay (27/5), Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đánh giá nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

ĐBQH: Một chữ thay đổi trong luật quyết định an sinh cả đời người lao động- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình).

“Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH)”, đại biểu Thu nói.

Về điều kiện hưởng BHXH một lần, bà Thu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó, phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.

Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua.

Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng BHXH một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội.

Hướng tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Đại biểu Thu cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. 

Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội, lao động – việc làm.

“Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật… để vượt qua khó khăn trước mắt”, bà Thu nói.

ĐBQH: Một chữ thay đổi trong luật quyết định an sinh cả đời người lao động- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum).

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này đã được đã tiếp thu, chỉnh lý, đảm bảo đáp ứng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

Điều này có ý nghĩa to lớn trong điều kiện nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới đang gặp nhiều khó khăn do những hậu quả của dịch bệnh Covid-19 cũng như những xung đột chính trị thế giới tác động rất lớn đến thu nhập, việc làm của người lao động.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần:

Phương án 1, người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được rút BHXH một lần.

Phương án 2, người lao động chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Do đó, đại biểu Thu Phước cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo Luật, đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động.

“Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời”, đại biểu Phước nói.

ĐBQH: Một chữ thay đổi trong luật quyết định an sinh cả đời người lao động- Ảnh 3.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP Cần Thơ).

Người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động

Góp ý về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP Cần Thơ), cho rằng phạm vi điều chỉnh hiện nay quy định tại dự thảo luật hiện rất rộng, khó quản lý đối với cơ quan chức năng. 

Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lao động nên tính khả thi chưa cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu nội dung này rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động, đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng BHXH cho người lao động.

Về trách nhiệm của cơ quan BHXH, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND cùng cấp về tình hình, các vấn đề liên quan đến BHXH và định kỳ 5 năm đánh giá khả năng cân đối Quỹ hữu trí, tử tuất trong báo cáo tình hình quản lý Quỹ BHXH là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại. 

Do đó, đại biểu đề nghị giảm thời gian quy định tại Điều này theo hướng: Cơ quan BHXH định kỳ 3 tháng báo cáo với cơ quan quản lý, 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan; 6 tháng báo cáo với UBND cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. 

Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.

Về BHXH một lần, đại biểu đoàn TP Cần Thơ tán thành với phương án 2. Đại biểu cho rằng phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; giữ chân người lao động tham gia BHXH lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.


Nguồn bài viết:
https://www.baogiaothong.vn/dbqh-mot-chu-thay-doi-trong-luat-quyet-dinh-an-sinh-ca-doi-nguoi-lao-dong-192240527102455765.htm