30/10/2019 13:09
Hằng năm, vào khoảng giữa tháng 10 đến tháng 11, khi màu vàng óng của bông lúa trĩu hạt phủ khắp nương rẫy, là lúc người Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy rộn ràng tổ chức Lễ mừng lúa mới.
Lễ mừng lúa mới bắt đầu bằng việc các thành viên gia đình mang vật phẩm lên trên rẫy làm lễ.
Những người đàn ông chọn nơi lúa tốt, trĩu hạt dựng một cây nêu nhỏ, một dàn thờ để cúng thần linh.
Bà con dân làng mang heo, gà làm lễ cúng, thông báo với thần linh biết gia đình chuẩn bị thu hoạch lúa.
Làm lễ xong, chị em phụ nữ tuốt đầy một gùi lúa mang về làm lễ mừng lúa mới.
Dân làng cùng nhau dựng cây nêu, chuẩn bị các vật dụng cho buổi lễ. Vật hiến sinh dâng lên cảm tạ các thần linh là dê, heo…
Tại nhà rông, các nghi lễ trang trọng được tiến hành.
Già làng khấn xin thần Yang Blut, thần mặt trời, thần sông, thần núi… phù hộ, bảo vệ cho dân làng được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, vụ mùa bội thu, nhà nhà no ấm.
Trong không khí tưng bừng lễ hội, dân làng cùng nhau ăn cơm mới, uống ghè rượu làm từ hạt lúa mới. Họ chúc nhau những điều tốt lành, chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong lao động sản xuất…
Trên Tây Nguyên hùng vĩ, cộng đồng người Rơ Măm cư trú chủ yếu ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Mặc dù là một trong các dân tộc ít người nhất Việt Nam (gần 500 nhân khẩu), nhưng người Rơ Măm lại có truyền thống văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt. Trong tập quán sinh hoạt nương rẫy, cây lúa giữ vai trò rất quan trọng. Vì vậy, người Rơ Măm có cả một hệ thống các lễ hội liên quan đến cây lúa, từ cúng mở cửa kho lúa, trỉa lúa, cúng lúa lên, mừng lúa mới cho đến bỏ lúa vào kho…
THẾ BINH – TRẦN LÂM