Làng nghề truyền thống ở Kon Tum – Tiềm năng du lịch hấp dẫn

4634


 

Làng nghề truyền thống ở Kon Tum

 

Tỉnh Kon Tum hiện nay có trên 7 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm và một số dân tộc khác. Trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, còn lại là người Kinh. Hầu hết mỗi dân tộc đều còn lưu giữ một số nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa đặc trưng cho dân tộc mình như: nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn, may thêu, đan lát mây tre, làm rượu cần… mỗi một làng còn một vài nghệ nhân còn giữ được một số nghề truyền thống mang tính gia truyền và vẫn đang duy trì sản xuất.

 



26.6.25

Dệt thổ cẩm – nghề truyền thống đặc trưng của người bản địa.

 

Dưới tác động của kinh tế thị trường, với sự đa dạng và tiện ích của sản phẩm công nghiệp. Một thời gian dài làng nghề ở Kon Tum không được chú trọng nên đã làm mai một nghề thủ công truyền thống. Từ khi có chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn theo Quyết định 132/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn… thì một số ngành nghề mới được khôi phục, phát triển như: nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, làm rượu cần… và một số nghề mới được du nhập như: đồ gỗ cao cấp, chế biến thực phẩm (làm bánh, giò, chả…).

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có những nghề truyền thống chủ yếu:

 

Nghề dệt may thổ cẩm, sản phẩm chủ yếu là dệt vải, may trang phục đồng bào dân tộc, túi sách… làm quà lưu niệm, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố và một số ít ở huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà.

 

Nghề đang lát mây tre, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt sản xuất: gùi, giỏ, phên nứa… tập trung ở địa bàn thành phố và huyện Kon Plông.

 

Làm rượu cần, sản phẩm dùng men lá rừng ủ với gạo nếp, hạt kê, bắp, sắn… đựng trong các ghè, ché, hầu hết đồng bào ở các huyện, thành phố đều có nghề này.

 

Nghề rèn với sản phẩm chủ yếu là các dụng cụ sản xuất: dao, rựa, cuốc… được phân bố đều khắp trên các làng ở các huyện, thành phố.

 

Nghề chế biến thực phẩm truyền thống: sản phẩm chủ yếu là bánh tráng, bún, phở khô, giò, chả… tập trung ở địa bàn thành phố và thị trấn các huyện.

 

Nghề mộc dân dụng, đồ gỗ cao cấp: bàn, ghế, giường, tủ… tập trung chủ yếu ở địa bàn thành phố và một số ít ở thị trấn các huyện.

 

Tiềm năng du lịch hấp dẫn 

 

Yếu tố thuận tiện cho mọi người dân đó là nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và quy trình sản xuất ra sản phẩm chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp thủ công, từ khâu sơ chế nguyên liệu đến khâu sản xuất ra sản phẩm đều bằng kỹ năng khéo léo của người thợ.

 



26.6.26
Đan lát vật dụng phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

 

Những nghề truyền thống kể trên là những nghề đã nổi bậc trong lịch sử văn hóa, văn minh Việt Nam. Ở đó không chỉ là một nghề hay những nghề thủ công sản xuất ra những sản phẩm phục vụ cho đời sống con người mà là nơi hội tụ các thợ và nghệ nhân tài khéo, tạo ra những sản phẩm có bản sắc riêng, nơi khác khó bề bắt chước được.

 

Lịch sử phát triển nền văn hóa cũng như lịch sử phát triển kinh tế của Kon Tum, luôn gắn với lịch sử phát triển làng nghề ở đây. Bởi những sản phẩm thủ công trên không chỉ là những vật phẩm sinh hoạt bình thường hàng ngày mà nó chính là những sản phẩm nghệ thuật biểu trưng của nền văn hóa xã hội, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của các dân tộc nơi đây.

 

Đồng thời, các làng nghề không chỉ đơn thuần sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa như một cái công xưởng. Làng nghề truyền thống là cả một môi trường văn hóa – kinh tế – xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ đời này sang đời khác, chung đúc ở các nghệ nhân tài năng, với những sản phẩm có bản sắc riêng của mình, nhưng lại tiêu biểu và độc đáo của các dân tộc Việt Nam nói chung và của Kon Tum nói riêng.

 

Môi trường văn hóa làng nghề cũng chính là khung cảnh làng quê mộc mạc hiện hữu từ bao đời nay…, các hoạt động lễ hội, phong tục tập quán, nếp sống đậm chất dân gian của người Kinh, người Ba Na, Gia Rai… và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Truyền thống đó từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể thiếu và làm phong phú thêm truyền thống văn hóa đa sắc tộc ở Kon Tum.

 

Đây là một lợi thế rất lớn khi khai thác sự phát triển du lịch sinh thái kết hợp với làng nghề truyền thống tại Kon Tum.

 

Yến Trân



Đi đến nguồn bài viết