Hương vị Tây Nguyên trong ly cafe Kon Tum

1606

[Tin Kon Tum] – Tôi không dám nhận mình là Người sành cafe nhưng tôi tin mình là Tín đồ của thứ nước uống đầy mê hoặc ấy. Với tôi, buổi sáng chỉ có thể bắt đầu từ ly cafe đen sóng sánh, nhấm nháp chút hương vị quyến rũ ấy, cảm giác tỉnh táo đến lạ lùng và cũng say đắm đến ngất ngây. Như mơ hồ tìm về kí ức xa xưa, như thấy dư vị kỉ niệm quấn quýt đâu đây, như với tay chạm vào quá khứ ngọt ngào,…

Kết quả hình ảnh cho Cổng vào cafe Adam - Eva.

Sài Gòn có cafe bệt, cafe đá, cafe ba tầng… Hà Nội nổi tiếng với cafe Nhân, cafe trứng, cafe nhạc Trịnh,… Ngày còn học ở Hà Nội, tôi thích đến những quán cafe Nhạc Trịnh bởi không gian nhỏ và ấm cúng, buổi tối mùa đông lạnh lẽo, lắng nghe một bản hòa tấu nhạc Trịnh, uống ly café tinh tế nơi này, cảm nhận sự thư thái, yên ả trong tâm hồn. Thế nhưng khi trong tay là ly cafe Hà Thành, tôi lại nhớ da diết cafe Phố núi Kon Tum, rồi nảy ra cái sự so sánh kì lạ: cafe Hà Nội là cô gái kiêu kì đài các, được pha chế quá cẩn thận, thành ra…mất hết cái hương vị đặc trưng của cafe nguyên chất. Ngược lại, cafe Phố núi Kon Tum đúng là cô sơn nữ, hồn nhiên, ngây thơ, không quá chú trọng đến từng chi tiết, cho nên ly café rất đậm đà, giữ được vẻ quyến rũ một cách hoang sơn. Tôi nhớ sự hòa quyện giữa vị đắng cứng nhắc với vị ngọt mềm mại, nhấp môi một chút, cảm nhận vị cafe luân chuyển êm ái từ môi, sang lưỡi, xuống đến cổ, một chút rồi lại muốn nhấp thêm, nhấp thêm nữa… Khiến cho những du khách đã một lần trót thưởng thức (như tôi chẳng hạn) điêu đứng vì thích thú, đến khi uống cafe nơi khác mà lòng chỉ chăm chăm so sánh với cafe Phố núi… Tuy nhiên, có một điều tôi không thể phủ nhận được là: “thức uống ngon phải có không gian đẹp”. Đành rằng người ta có thể ngồi uống cafe nơi quán cóc ven đường, nơi vỉa hè chật chội mà vẫn thấy cafe ngon. Nhưng để cảm nhận hết hương vị tuyệt vời, đi đến cái tinh túy của cafe Phố núi thì nhất định phải đến được nơi có không gian đậm sắc màu Tây Nguyên, đó chính là cafe Eva và cafe Adam – Eva, cùng nằm trên đường Phan Chu Trinh, giữa lòng thành phố Kon Tum.

Kết quả hình ảnh cho Cổng vào cafe Adam - Eva.

Tôi bước chân lên Phố núi Kon Tum vào một chiều mùa đông se lạnh, những cụm hoa cúc quỳ vàng rực dọc đường đi, như muốn níu chút nắng chiều ấm áp. Người bạn dắt tôi đến Eva cafe với lời giới thiệu rất hoành tráng “Một trong 10 quán cafe đẹp nhất Việt Nam, và cũng là một trong những quán pha chế cafe tuyệt vời nhất Việt Nam”. Và quả thực, Eva cafe không khiến tôi thất vọng chút nào ngay từ khi nhìn thấy chiếc cổng có thiết kế độc đáo, nâu trầm, cũ kĩ. Bước vào bên trong, tôi lập tức choáng ngợp trong với không khí núi rừng hoang sơ, tiếng suối chảy róc rách, tiếng đàn nước vui tai, tiếng chim hót líu lo,…Rồi đến bộ sưu tập tượng nhà mồ phong phú đủ mọi sắc thái biểu cảm, những dụng cụ trong đời sống người dân tộc Bana…Tất cả đã được bàn tay tài hoa của họa sĩ Ngọc Ẩn – người chủ quán sắp xếp, tạo thành khu vườn ấn tượng, hài hòa trong một không gian xanh trầm mặc. Điểm nhấn độc đáo của Eva chính là bếp lửa Bana lúc nào cũng ấm nóng, được cời than âm ỉ suốt bốn mùa. Trên đó đặt ấm nước trà bằng nhôm bám đầy bồ hóng đen sôi lục bục, tôi đứng tần ngần bên bếp lửa một lúc lâu, như mường tượng ra núi rừng hùng vĩ bao bọc quanh những ngôi nhà sàn Bana. Chọn một chỗ ngồi ở góc quán, bên cạnh dòng suối nhỏ róc rách đêm ngày, và tiếng chiêng khua từng nhịp, tôi gọi ly café đen đầu tiên trên Phố núi. Ly cafe được bưng ra, còn nguyên cả phin, tách với màu đen đông đặc, chứ không phải là ly cafe pha sẵn tôi thường thấy ở Hà Nội, Chủ quán cho biết, ly cafe Eva không chỉ được lựa chọn từ nguyên liệu tốt nhất mà còn được pha trộn theo tỷ lệ nhất định, mới đạt được độ đặc chuẩn và hương vị quyến rũ. Nhấm nháp chút hương vị Tây Nguyên, tôi nhận ra: cafe không phải là thú vui nhẹ nhàng cho lúc thanh thản như trà, cũng không là thức uống mạnh mẽ bạo liệt cho lúc tâm trạng quyết liệt như rượu. Với khoảnh khắc yên bình, tôi nhìn ly cafe như chiếc cầu nối những cung bậc cảm xúc cuộc sống. Khi mang tậm trạng tôi lại nhìn ly cafe đầy day dứt như một bản nhạc có nhiều nốt trầm buồn, u uất nhất. Còn khi tiếng gọi của Tín đồ giáo phái vang lên, lặng người say đắm bên ly cafe thì tôi lại nhìn đó như thứ bùa ngải ghê gớm nhất, dễ gì dứt ra được? Lòng tôi chùng xuống trước ly cafe Eva, trước một “Tây Nguyên thu nhỏ” hoang sơ, hồn nhiên, róc rách tiếng suối chảy và nhịp chiêng đong đưa.

Kết quả hình ảnh cho Cổng vào cafe Adam - Eva.

Nhiều năm sau, trở lại Phố núi Kon Tum vào một ngày tháng Sáu nắng rực rỡ, tôi vẫn muốn đến Eva cafe để được đắm mình trong không khí núi rừng thiêng liêng, thế nhưng lần này, bạn lại dẫn tôi đến cafe Adam – Eva cách đấy không xa. Vẫn là không gian Tây Nguyên nhưng ở đây lại mang cái dáng dấp hùng vĩ đại ngàn chứ không phải là “khu vườn nhỏ” như Eva. Chủ quán đã khéo léo khi sắp đặt trang trí không gian Adam- Eva với  vô số những bức tượng lớn nhỏ minh hoạ sinh hoạt, đời sống tâm linh của người miền núi, mỗi pho tượng đều có dấu ấn thời gian, mang tâm trạng riêng sống động. Không gian trong Adam & Eva rộng lớn, thoáng đãng và rợp bóng cây xanh, như làm dịu đi cái nắng tháng Sáu biết bao nhiêu. Xoay bước chân, đi vào sâu trong quán, tôi được chiêm ngưỡng thỏa thích những vẻ đẹp của cây cảnh được chăm sóc tỉ mỷ, sự kỳ công tỉa tót thiết kế với nhiều ý tưởng độc đáo của người chủ mang tâm hồn nghệ thuật. Hồn Tây Nguyên đại ngàn hiện lên trong từng gốc cây cổ thụ hàng chục năm tuổi, rì rào tiếng gọi núi rừng…Trong ngôi nhà sàn dựng giữa quán, tôi ngồi lặng ngắm những bức tường hoa tím nhỏ xinh, bên thác nước mát lành, chờ đợi từng giọt café rơi xuống, đen lóng lánh. Vẫn là ly café giữa không gian núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, nhưng hương vị cafe nơi đây có một chút ngái ngái chứ không hoàn toàn đậm đà, ngọt ngào. Chạm môi những giọt đầu tiên, tôi khẽ nhăn mặt ngạc nhiện, nhưng đến cái chạm môi thứ hai, thứ ba dường như tôi chấp nhận cái vị ngái ngái ấy dường như cũng có… cái duyên của riêng nó, hòa quyện một cách rất hợp lý cùng với vị đắng đậm và vị ngọt thanh.

Kết quả hình ảnh cho Cổng vào cafe Adam - Eva.

Thả hồn mình theo mùi hương quyến rũ của ly cafe, lòng tôi lãng đãng những dư cảm lạ lùng… Tôi nhớ về Triết lý café “Đừng nên hâm nóng lại café. Bởi nếu hâm nóng lại thì café sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét.” Đó là nguyên tắc cơ bản và quan trọng hàng đầu với mỗi người trót đem lòng yêu thích thứ nước uống đầy mê hoặc này. Cuộc sống có lẽ cũng như vậy. Việc hâm nóng lại cafe cũng như việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ. Nhiều người đang sống trong hôm nay nhưng đầu óc thì vẫn luông trông ngóng về những thứ đã qua. Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa hoặc nhớ nhung về một người nào đó mà quên mất đi rằng – những việc đó chỉ mang lại sự buồn chán và khó chịu thậm chí là gây ra sự đớn đau cho chính họ mà thôi. Quá khứ là những thứ qua rồi, đừng nên khơi nhắc lại mà hãy sống với thực tại thì hay hơn… Bên ly cafe, cuộc sống đã vang lên điều đó.

Trở về với đô thị phồn hoa, lòng tôi vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ hương vị quyến rũ đầy mê hoặc của ly cafe trong không gian núi rừng Tây Nguyên, Tôi biết rằng lòng mình đã trao một phần nhớ thương cho phố núi Kon Tum, những kí ức ngọt ngào như chính cái hậu vị để lại khi giọt cà phê tan vào trong từng tế bào cảm giác…

Hà Oanh