Thanh niên say mê học làm rượu cần

792

17/09/2019 13:04

Hiện nay trên thị trường có đủ loại các thức uống; sản xuất trong nước có, ngoại nhập có; nấu thủ công có, công nghiệp có… Thế nhưng, nhiều đoàn viên thanh niên tại xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) đã chọn cho mình hướng học nghề làm rượu cần để giữ lại truyền thống văn hóa của dân tộc Ba Na nói riêng và bản sắc văn hóa DTTS tại Kon Tum nói chung.

Say mê học nghề

Vừa gặp chúng tôi, A Kam (26 tuổi), thôn Măng La Klah liền vào nhà lấy ra một ít bánh men rượu cần mới làm xong rồi phấn khởi khoe: Sau khi học xong, em đã tự làm men rượu bằng vỏ cây hyam đấy. Làm rượu cần khó nhất ở công đoạn làm men, và bây giờ em tự tin làm rượu cần ngon rồi.

Xã Ngọc Bay có đến 98% dân số là người Ba Na. Cuộc sống ngày càng hiện đại, thức uống công nghiệp đa dạng các chủng loại, nhưng bà con nơi đây vẫn giữ truyền thống uống rượu cần vào những lễ hội, ngày vui của gia đình, của làng.

Làng của A Kam cũng vậy. Mỗi khi có lễ hội hay các sự kiện quan trọng, mọi người vẫn say mình bên hương vị cay, thơm, ngọt của những ché rượu cần.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì việc làm men rượu không dễ, hơn nữa cây hyam ngày càng hiếm nên mọi người thường mua men sẵn về nấu. “Rượu nấu bằng men mua sẵn không rõ nguồn gốc, không chất lượng, không có vị đậm đà. Hơn thế, khi uống rượu xong rất đau đầu. Thấy việc uống rượu như vậy rất có hại cho sức khỏe nên khi Đoàn xã có thông báo về việc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên thuộc Tỉnh đoàn mở lớp dạy học nghề làm rượu cần, em liền đăng ký học để biết cách nấu rượu bằng men truyền thống” – A Kam nói.

Thanh niên say mê học làm rượu cần A Kam khoe những bánh men rượu tự làm. Ảnh: HT 

A Kam là thành viên nam duy nhất trong lớp có 35 đoàn viên thanh niên. Tham gia lớp học, A Kam không nghỉ ngày nào. Kam nói, hồi giờ cứ uống rượu có sẵn, không nghĩ việc làm rượu cần lại nhiều công đoạn và khó đến thế.

“Để có một ché rượu thơm ngon, đậm đà, buộc phải thực hiện đúng các công đoạn. Tham gia lớp học em rất hứng thú, em ghi lại từng công đoạn cụ thể để sau này áp dụng vào làm” – A Kam bộc bạch.

Dưới sự đồng thuận cao của cả gia đình, chị em Y Trên, Y Lôi ở làng Kơ Năng cũng hào hứng đăng ký học nghề làm rượu cần để giữ nếp truyền thống của dân tộc.

Y Lôi (19 tuổi) cho biết, mẹ em cũng là một trong những người nấu rượu cần ngon nhưng em vẫn đi học để biết, để hiểu kỹ hơn về cách làm rượu. “Trong quá trình học, được cô giáo truyền thụ kiến thức cộng với sự hào hứng của các bạn khiến em càng đam mê với việc làm rượu cần hơn. Bản thân em thấy việc học nghề truyền thống rất ý nghĩa” – Y Lôi bày tỏ.

Y Yên (24 tuổi) có chồng là người Kinh ở làng Măng La Ktu. Nhập gia tùy tục, dù người Kinh ít uống rượu cần nhưng khi nghe có lớp học rượu cần, cả nhà liền ủng hộ để em theo học. Say mê học trên lớp, về nhà em còn hỏi thêm mọi người để nắm rõ cách làm rượu.

“Từ nhỏ đến lớn em chỉ được nhìn các bà, các mẹ làm rượu cần chứ chưa tự tay làm bao giờ. Bây giờ tự tay làm được men rượu, tự tay nấu nên một ché rượu cần, em thấy vui lắm” – Y Yên phấn khởi.

Còn Y Ngọc Nhi, Y Thương, Y Ngân (Măng La Ktu)… dù mới là học sinh cấp III nhưng các em vẫn tranh thủ 1 tháng nghỉ hè để trải nghiệm, theo học nghề làm rượu cần. Các em nói rằng, học và hướng về truyền thống là điều cần thiết. Các mẹ, các chị biết làm rượu cần cũng đã lớn tuổi, các em muốn theo học để giữ lại nét truyền thống trong văn hóa Ba Na.

Ý tưởng khởi nghiệp từ rượu cần

Lớp học kết thúc, trở về nhà, Y Lôi liền vận dụng kiến thức, kỹ năng học được, bắt tay vào tự nấu một ché rượu cần. “Sắp đến, vào ngày cưới của em, em sẽ mang ché rượu đó ra đãi mọi người. Bây giờ và cả sau này, khi gia đình có công việc hay lễ hội…, em sẽ tự tay nấu rượu để đảm bảo sức khỏe cho mọi người”  – Y Lôi cười phấn khởi.

Không chỉ cùng chung suy nghĩ sẽ tự tay làm men, làm rượu cần để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người sử dụng, sau khi học xong, nhóm các bạn trẻ tại xã Ngọc Bay còn có hướng sẽ phát triển nghề nấu rượu cần trên địa bàn xã.

571 Thanh niên say mê học làm rượu cần Sau thời gian học, các bạn đã tự tay làm nên ché rượu thơm ngon, đậm đà. Ảnh: HT 

Các bạn nói rằng, rượu cần là một trong những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên và mang tính định hình văn hóa đặc trưng của người Ba Na. Tuy nhiên, hiện nay, các thức uống công nghiệp ngày càng nhiều, ít người tìm hiểu cũng như sử dụng rượu cần.

“Hiện tại, chúng em sẽ tự làm rượu cần để cho gia đình và mọi người thưởng thức, góp ý, nếu nấu ngon, cả nhóm sẽ cùng chung vốn, nấu rượu rồi bán để vừa giữ nghề, vừa giới thiệu hương vị rượu cần truyền thống đến mọi người. Chúng em sẽ đặt tiêu chí ngon, sạch, sử dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên với cách làm men truyền thống lên hàng đầu để tạo nên những ché rượu cần mang vị ngọt tự nhiên, đậm đà” – A Kam nói.

Đa số các đoàn viên tham gia học làm rượu cần đều làm nông, phát triển nghề làm rượu cần là một trong những hướng mở hợp lý. Để hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên phát triển ý tưởng để khởi nghiệp, anh A Tin – Bí thư Đoàn xã Ngọc Bay cho biết, sau khi lớp học kết thúc, anh đã giới thiệu cho đoàn viên thanh niên một số nguồn vốn vay để đầu tư. Cùng với đó, nếu đoàn viên thanh niên quyết tâm làm, Đoàn xã sẽ hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với đông đảo mọi người. Đồng thời kết nối, giúp đoàn viên thanh niên xây dựng thương hiệu rượu cần truyền thống.

“Chúng tôi luôn đồng hành cùng với các bạn. Chúng tôi cũng mong muốn các bạn sẽ đam mê, sống được với nghề truyền thống, qua đó vừa tạo việc làm ổn định, vừa phát huy giá trị văn hóa của dân tộc” – anh A Tin chia sẻ.

Hoài Tiến

Đi tới nguồn bài viết