Tâm huyết với phong trào văn hóa

32

baokontum.com.vn

29/08/2022 13:02

Dù không học qua trường lớp nào, nhưng ông Võ Ngọc Dũng (59 tuổi, thôn Kon Slạc, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy), được biết đến là người tâm huyết, đam mê và rất hiểu về văn hóa nghệ thuật. Ông được mọi người vẫn gọi vui là “biên đạo nghệ thuật” của thôn, làng.

154411%C3%94ng%20V%C3%B5%20Ng%E1%BB%8Dc%20D%C5%A9ng%20lu%C3%B4n%20c%C3%B3%20m%E1%BB%99t%20ni%E1%BB%81m%20%C4%91am%20m%C3%AA%20m%C3%A3nh%20li%E1%BB%87t%20v%E1%BB%9Bi%20c%C3%A1c%20l%E1%BB%85%20h%E1%BB%99i%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20c%E1%BB%A7a%20%C4%91%E1%BB%93ng%20b%C3%A0o%20DTTS
Ông Dũng luôn có niềm đam mê mãnh liệt với các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS. Ảnh: HT

 

Một lần chứng kiến ông Dũng hướng dẫn và tập luyện cho đội nghệ nhân của xã Đăk Ruồng để chuẩn bị cho Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Kon Rẫy lần thứ I-2022, chúng tôi ấn tượng với cách ông chỉ dạy các bạn trẻ tập luyện.

Tiết mục ông tập cho các em để tham gia tại Hội thi lần này là tái hiện lại Lễ hội bắc máng nước của dân tộc Ba Na. Trong từng động tác, kỹ thuật, ông Dũng hướng dẫn cho các em nhỏ một cách tỉ mỉ, chi tiết như những nghệ nhân và biên đạo thực thụ, mặc dù ông không hề qua một trường lớp văn hóa nào, chỉ xuất phát từ sự tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi.

Ông Dũng cho biết: Văn hóa dân gian của đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên  đến với tôi như một cái duyên, từ tò mò, thích thú rồi say mê lúc nào không hay. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bình Định, từ nhỏ tôi đã có niềm say mê và thích thú với các hoạt động, phong trào văn hóa tại địa phương nên thường xuyên tham gia nhiều vai trò như múa, hát, diễn kịch… Dù đảm nhận vai trò nào, tôi cũng đều thấy rất vui và cố gắng tập luyện.

Tốt nghiệp Trung cấp lâm nghiệp, ông được điều động về công tác tại một số vùng ở tỉnh Gia Lai và Kon Tum từ năm 1992, trong đó có xã Đăk Ruồng.

“Những lần đóng chân tại xã Đăk Ruồng, tôi gặp rất nhiều khó khăn và đau ốm liên miên vì không quen khí hậu. Nhưng lâu dần thành quen, tôi cảm thấy hợp và trở nên có tình cảm đặc biệt với vùng đất này” – ông Dũng chia sẻ.

Nhận ra Đăk Ruồng có tiềm năng phát triển, đặc biệt là còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây, ông Dũng muốn ở lại và gắn bó với mảnh đất này. Năm 2002, ông xin nghỉ hẳn công tác tại ngành Lâm nghiệp và chuyển gia đình về thôn Kon Slạc sinh sống.

Ông tập trung làm kinh tế để ổn định đời sống, bắt đầu từ trồng cây ngắn ngày như mì, chuối rồi đầu tư trồng bời lời, điều… Thời gian đầu, ông cũng gặp rất nhiều khó khăn và chật vật nhưng với quyết tâm bám trụ lại mảnh đất mà mình tâm huyết, dần dần ổn định cuộc sống.

Cuộc sống ổn định đã tạo điều kiện cho ông tiếp tục với đam mê mà mình ấp ủ bấy lâu, đó là nghiên cứu văn hóa dân gian nơi đây. Từ đó, ông thường xuyên tham gia các lễ hội, hoạt động của bà con trong làng.

“Thời gian dài gắn bó với bà con nơi đây đã cho tôi rất nhiều tư liệu sống động về cuộc sống và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Ba Na. Chính những điều tưởng như bình thường, giản dị ấy đã giúp tôi có nhiều ý tưởng khi phục dựng lại các tiết mục văn hóa đảm bảo được sự chân thực và tính thẩm mỹ cao, rất được mọi người ủng hộ”.

Tích cực tham gia và đóng góp cho các phong trào văn hóa tại địa phương, nên vào năm 1999, ông Dũng được chính quyền xã Đăk Ruồng giao làm trưởng ban văn hóa của xã, trực tiếp chịu trách nhiệm biên đạo, dàn dựng các tiết mục văn hóa, văn nghệ. Đến năm 2015, vì lí do sức khỏe, ông xin thôi làm trưởng ban văn hóa của xã, nhưng mỗi khi địa phương cần, ông luôn sẵn sàng tham gia bằng tất cả tâm huyết.

Nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ do ông dàn dựng đã đạt giải cao. Gần đây nhất là tiết mục tái hiện Lễ hội bắc máng nước của dân tộc Ba Na tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Kon Rẫy lần thứ I-2022 do ông dàn dựng đã đạt giải Nhì, được đi thi cấp tỉnh vào cuối năm nay.

Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: “Ông Võ Ngọc Dũng rất được bà con yêu mến bởi sự nhiệt huyết, tận tâm. Mỗi khi địa phương có việc gì, ông đều tham gia nhiệt tình, không nề hà bất cứ việc gì. Chúng tôi ghi nhận những đóng góp của ông cho sự phát triển của phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương”.

Chính sự tận tâm và đam mê của ông Võ Ngọc Dũng đã góp phần truyền lửa cho thế hệ trẻ nơi đây gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/net-dep-doi-thuong/tam-huyet-voi-phong-trao-van-hoa-26101.html