Người anh hùng nặng nghĩa với Kon Tum

212

Tháng 12, đọc sách viết về người lính, nhớ công lao của các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc, vì sự phồn vinh của đất nước hôm nay. Mỗi cuốn sách là một bài học về nhân cách, đạo đức, lẽ sống. Với cuốn Hồi ký Kon Tum sâu nặng ân tình của Đại tá, Anh hùng LLVTND Thái Phước Hiệp (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân -2022), người ta không chỉ bắt gặp khí phách của một anh hùng trong chiến trận mà còn ẩn chứa tấm chân tình của người cán bộ đối với chiến sĩ, một người công dân với mảnh đất Kon Tum mà ông gắn bó suốt tuổi thanh xuân.

Bìa cuốn Hồi ký "Kon Tum sâu nặng ân tình". Ảnh: An Nhiên

Bìa cuốn Hồi ký “Kon Tum sâu nặng ân tình”. Ảnh: An Nhiên

Đại tá Thái Phước Hiệp quê ở Điện Phước (Điện Bàn, Quảng Nam), năm 1952, ông rời quê hương nhập ngũ, chiến đấu trên chiến trường Đại Lộc, Quảng Nam. Tháng 5-1955, trong đội hình của Trung đoàn 93, Sư đoàn 324, ông lên đường tập kết ra miền Bắc. Tháng 4-1958, ông được cử đi học tại Trường sĩ quan Lục quân 1. Ra trường với quân hàm trung úy, Thái Phước Hiệp được điều động về công tác tại Cục Nông trường quân đội – Bộ Quốc phòng. Về đơn vị mới, ông được cử đi học lớp quản lý kinh tế do chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy và lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y. Bấy giờ, Chính phủ và Bộ Quốc phòng có chủ trương giải thể Cục Nông trường quân đội. Vì vậy, vừa mới học xong lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y, Thái Phước Hiệp chuyển ngành về công tác tại Nông trường quốc doanh Lệ Ninh, đóng ở phía tây H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Những năm tháng công tác trên mặt trận kinh tế, ông đã xây dựng gia đình. Khi người vợ trẻ mang thai người con thứ nhất, Thái Phước Hiệp có thông báo trở lại quân đội để quay về miền Nam chiến đấu như nguyện vọng của ông lúc còn học sĩ quan. Việc nước đành gác lại tình riêng, đôi vợ chồng trẻ chia tay không hẹn ngày tái ngộ, chỉ mong đất nước sớm thống nhất để gia đình đoàn tụ. Sau hơn 3 tháng huấn luyện chiến đấu tại tỉnh Phú Thọ, đầu năm 1964, ông về miền Nam và được biên chế về Quân khu 5. Bộ tư lệnh Quân khu điều ông lên nhận công tác tại tỉnh Kon Tum. Từ đây, cuộc đời ông gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Hơn 32 năm công tác, ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau như: Chuyên viên văn phòng Tỉnh ủy; Đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền thị xã Kon Tum, Thị đội phó, Thị đội trưởng thị đội Kon Tum; Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai – Kon Tum…

Quãng đời “nếm mật, nằm gai” với đồng bào Tây Nguyên đã lắng đọng trong ký ức người anh hùng biết bao kỷ niệm khó phai. Ông không thể nào quên được những con người đã cùng ông “vào sinh ra tử” như: A Viu, Hồ Lanh, Tám Bá, A Núi, Mai Tâm…Mỗi bước chân ông đi, mỗi hành động ông làm đều có sự chở che, đùm bọc của CBCS và cơ sở cài sâu trong đội hình địch. Để thâm nhập vào nội đô thị xã Kon Tum, họ đã đào hầm bí mật ở nghĩa địa Trung Lương. “Tôi “chấm” nghĩa địa này vì điều kiện đi lại thuận tiện, có người ra người vào, mình có thể đóng vai người đi chăn bò hoặc người đi thắp nhang và đặc biệt là địch không bao giờ nghĩ tới cộng sản “dám ở chung với ma”. Vị trí đào hầm bí mật ở đây khá dễ, mình chỉ cần đào ngay giữa hai ngôi mộ cũ để đề phòng người thân đến thắp nhang”. Từ những căn hầm bí mật “nằm giữa hai quan tài” này, Đội trưởng Đội công tác thị xã Kon Tum Thái Phước Hiệp cùng đồng đội đã ra vào nội đô để thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, diệt ác ôn ở dinh điền Tri Đạo, ấp Ngô Trang, bắt sống tên lưới trưởng tình báo N.H.v.v.

Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông không thể nào quên được hình ảnh người chiến sĩ A Núi: “Lúc anh em tôi đang giằng co thì có 10 chiếc xe tăng địch chạy từ thị xã Kon Tum theo đường Bà Triệu chạy ra phía bắc thị xã. A Núi lập tức giương súng bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu. Đoàn xe tăng địch khựng lại, A Núi không bỏ lỡ thời cơ, bắn cháy chiếc thứ hai. Hết đạn, anh vứt súng xuống cho tôi và nói thều thào: “Em chết đây anh Hiệp à”. Sau ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhưng Tây Nguyên vẫn chưa thể im tiếng súng. Anh hùng LLVTND Thái Phước Hiệp cùng đồng đội tiếp tục cuộc chiến đấu mới: Truy quét FULRO. Tình hình giặc giã tạm lắng, ông lại bắt tay vào chỉ huy dò gỡ mìn để giải phóng đất đai, gieo lại màu xanh cho Tây Nguyên. “Tôi trực tiếp làm trước. Nhờ có kinh nghiệm trong chiến tranh, tôi tiến hành dò gỡ trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ với diện tích 150m2, bề ngang khoảng 1,5m, bề dài khoảng 100m đã gỡ được 1 quả mìn nhảy, 4 quả mìn rít và 1 quả mìn chống tăng. Từ khoảnh đất của tôi, anh em gỡ bề ngang rộng ra khoảng chừng 1m. Tôi bảo mọi người cứ thế thận trọng làm rồi lấy ghế ngồi chính giữa phía trước để anh em yên tâm”.

Cuốn sách dày gần 250 trang chứa ngồn ngộn tư liệu lịch sử, ăm ắp những ân tình của đồng bào Tây Nguyên dành cho cách mạng. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là hình ảnh một người cán bộ quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tin tưởng Trung đội trưởng nghĩa quân Nguyễn Đức Bá (Tám Bá). Khi chống FULRO, ông tin đồng bào, giao súng cho họ để đánh FULRO. Một lần dự hội nghị bàn biện pháp tiêu diệt FULRO, ông khảng khái phát biểu: “Chúng ta cảnh giác thì phải cảnh giác, nhưng chúng ta phải tin dân”. Lời khẳng định đó đã nói lên tấm chân tình ông dành cho đồng bào Kon Tum. Năm 1996, Đại tá, Anh hùng LLVTND Thái Phước Hiệp về hưu, sinh sống cùng gia đình tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, tấm lòng của ông vẫn luôn hướng về mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Nguyễn Bình An

https://cadn.com.vn/nguoi-anh-hung-nang-nghia-voi-kon-tum-post270962.html