Làng dệt trong phố của người Ba Na

170
Chị Y Blanh chia sẻ cách dệt hoa văn truyền thống xưa
Chị Y Blanh chia sẻ cách dệt hoa văn truyền thống xưa
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những người phụ nữ Ba Na giữa lòng thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) miệt mài bên khung cửi. Đôi bàn tay khéo léo của họ làm nên từng họa tiết hoa văn trên những bộ trang phục truyền thống. Nhờ vậy, nghề dệt được gìn giữ và phát huy trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đêm làng dệt

Như bao đứa trẻ Ba Na khác, từ thuở lên 9 tuổi bà Y Aoh (làng Kon Ngol Klăh, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum), đã được mẹ dạy dệt thổ cẩm. Qua bao năm gắn bó, bây giờ ở tuổi 65 bà vẫn miệt mài bên khung dệt mỗi ngày. Hiện bà là một trong những người có tay nghề giỏi nhất nhì làng Kon Ngol Klăh.

“Thời xưa, người ta thường hái bông về làm sợi dệt. Đồng bào thường dùng các loại củ, quả để nhuộm sợi bông. Màu đỏ được nhuộm từ củ dền đỏ, màu vàng từ nghệ,… nguyên thủy hơn là nhuộm màu từ đất đỏ. Tuy màu nhuộm từ tự nhiên, nhưng không bị phai màu và được người làng ưa chuộng hơn sợi chỉ bây giờ”, bà Y Aoh chia sẻ.

Giữa lòng thành phố Kon Tum, những người phụ nữ Ba Na vẫn ngày đêm miệt mài bên khung cửi để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhờ vậy mà nghề dệt được giữ gìn và phát huy trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa của làng có phần giao thoa với người Kinh, đồng thời thế hệ trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống. Những khung cửi của các hộ gia đình đồng bào Ba Na tưởng trôi vào quên lãng nay đã hoạt động trở lại. Những người phụ nữ Ba Na các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Kon Tum đang cố gắng giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bà Y Trech (làng Kon Klor, TP Kon Tum) là một trong những người có thâm niên dệt lâu năm ở làng Kon Klor cho hay: “Phụ nữ ở làng mình chỉ dệt vải vào ban đêm, vì ban ngày ai ai cũng phải lên nương, lên rẫy. Nghề này thu nhập không cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng nhưng hầu hết chúng tôi làm quen cái tay rồi, không làm thì nhớ nên hằng ngày dù mệt vẫn bỏ thời gian ra làm”.

Làng dệt trong phố của người Ba Na ảnh 1
Phụ nữ Ba Na giới thiệu về sợi bông truyền thống

Theo bà Y Trech, dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp. Tấm vải một mét thì mất 3 đến 4 ngày làm liên tục, còn nếu chỉ tranh thủ làm thì thời gian lâu hơn. Dệt vải yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, phụ nữ thì thường là váy- áo, đàn ông thì áo- khố, ngoài ra còn có khăn, tấm choàng để địu con. Họa tiết trên thổ cẩm chủ yếu là do khách hàng đặt. Mỗi họa tiết sẽ có công thức riêng, đó là đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm.

Gia đình thổ cẩm

Cái nắng của buổi chiều trải vàng trên con đường làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung (TP Kon Tum). Trong ngôi nhà sàn, bà Y Chrưt (84 tuổi) đang miệt mài bên khung dệt. Bà Y Chrưt kể rằng, từ khi lên 10 tuổi đã thích xem người già trong làng dệt thổ cẩm. Bà không ngại nắng mưa theo chân họ vào rẫy, lên rừng để tìm cây bông về kéo sợi; tìm các loại củ, rễ cây để chế biến, nhuộm màu. “Thời trước, điều kiện kinh tế khó khăn, để học nghề, bà phải đi tước từng sợi chỉ trong thân cây chuối ra dệt thử; đến khi dệt thành công, mẹ mới cho tiền mua chỉ dệt”, bà trải lòng.

Niềm đam mê, cái tài ấy của bà đã truyền lại cho 6 cô con gái. Mặc dù không còn ở thời theo phong tục con gái lớn lên phải biết nghề dệt mới được con trai trong làng để ý, nhưng các cô con gái của bà vẫn luôn ý thức được giữ nghề cũng chính là giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Chị Y Thoach (con bà Y Chrứt) là một người dệt có tiếng ở Plei Tơ Nghia. Chị có thể dệt được hoa văn truyền thống xưa của người Ba Na, đây là loại hoa văn mà ngày nay rất ít người làm được. Tại nhà, Y Thoach còn nhận ráp, may thành trang phục cho dân làng. Ngoài làm việc ở rẫy, chị dành hết thời gian để dệt thổ cẩm. Chịu khó, chăm chút, tỉ mỉ, các sản phẩm do chị làm ra có chất lượng không thua kém gì bà Y Chrưt, vì thế đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khách.

Chị Y Blanh, tổ trưởng tổ liên kết nhà dệt thổ cẩm ở làng Plei Tơ Nghia cho biết: “Nhà dệt Plei Tơ Nghia hiện nay có 16 thành viên, hầu hết là người phụ nữ dân tộc Ba Na. Nhờ có nhà dệt mà chị em có thêm việc làm, cải thiện thêm được thu nhập, đồng thời qua đó giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Ba Na. Phụ nữ ở trong làng cũng rất tích cực truyền dạy cho con gái. Đây cũng là lớp kế cận tương lai trong việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống”.

Giữa lòng thành phố Kon Tum, những người phụ nữ Ba Na vẫn ngày đêm miệt mài bên khung cửi để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhờ vậy mà nghề dệt được giữ gìn và phát huy trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

https://tienphong.vn/lang-det-trong-pho-cua-nguoi-ba-na-post1333173.tpo