Đường gập ghềnh của cô giáo 25 tuổi trúng cử Đại biểu Quốc hội

114

Nàng Xô Vi – cô giáo Brâu đầu tiên trúng cử Đại biểu Quốc hội nói mình biết ơn ân tình của những người dân bản làng Đák Mế–những người đã góp từng gói bột ngọt, chai dầu gội, thậm chí là đi ký nợ để Vy được đi học.

Sinh ngày 11/2/1996, Nàng Xô Vi (giáo viên Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H’Drai, Kon Tum) là người trẻ nhất trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, cũng là người dân tộc Brâu đầu tiên trúng cử vị trí này.

Cô giáo sinh năm 1996 sinh ra ở bản làng Đák Mế, xã Pờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum), nơi chỉ có khoảng 500 nhân khẩu. Để đi tới trường, Vi nói, mình may mắn khi nhận được rất nhiều ân tình của người dân trong bản, kể từ khi cô bắt đầu theo học tại trường nội trú tỉnh cách nhà khoảng 70 km hay cả khi đã là sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Huế.

Lưu bản nháp tự động
Cô giáo Nàng Xô Vi khi còn công tác tại Trung tâm giáo dục phổ thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM


Người Brâu đầu tiên đỗ đại học

Ở tuổi 15 – 16, khi các bạn đồng trang lứa đã lấy chồng, sinh con, cô gái dân tộc Brâu quyết định phải tiếp tục đi học. “Quyết tâm ấy bắt nguồn từ cảm giác rất đau khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình trong làng, hay cảnh những đứa trẻ bồng bế nhau do sinh đẻ quá nhiều”. Vì thế, Xô Vi mong muốn được bước ra khỏi cánh cổng làng để “đi ra bên ngoài và xem thế giới ngoài kia”.

Vi nói ước mơ này với bố, bố Vi khẽ khàng nói với con: “Thôi con ạ, nhà mình còn khó khăn. Học đến lớp 9 là được rồi, sau này kiếm được ai đó trong làng mà lấy”.

Nhưng Vi lại nói với bố: “Con rất muốn đi học. Nếu bố bắt con nghỉ, chắc chắn con sẽ không ở nhà”.

Nói rồi, Vi xuống gặp bác trưởng thôn bày tỏ nguyện vọng được đi học. Đó là những ngày giữa tháng 7, Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum đã ngừng tuyển sinh. Nhưng bác trưởng thôn vẫn dắt Vi xuống Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum để nộp hồ sơ xin học.

“Cháu có hứa mình sẽ không bỏ học không?”, vị cán bộ của Sở GD-ĐT hỏi Vi.

Cô bé 15 tuổi khi ấy dù nói tiếng Kinh chưa rành, nhưng vẫn gật đầu xin hứa. May mắn, hồ sơ của Vi được chấp nhận.

2 tháng đầu học ở trường nội trú, với Vi, “như một sự cực hình”. Tiếng Kinh không rành, nói thiếu dấu và viết sai chính tả, cô bé người Brâu sợ sệt và ngại giao tiếp với bạn bè.

Người đồng hành với Vi lúc này chính là thầy giáo dạy Văn, cô chủ nhiệm và ban giám hiệu trường. Vi cũng cố gắng theo chân các anh chị lớp 12 phải ôn thi buổi đêm, xin được ngồi cùng học. Hết học kỳ 1, nữ sinh đã có sự tiến bộ vượt bậc.

Những ân tình của các thầy cô, anh chị khiến Vi mong muốn cũng được trở thành giáo viên đứng trên bục giảng. Vì thế, mùa hè năm 2014, Vi về nhà nói với mẹ mong muốn được đi học đại học.

“Đại học là cái gì? Học có tốn tiền không?”, người phụ nữ Brâu cảm thấy vừa lo, nhưng cũng không nỡ từ chối giấc mơ của con. Vì thế, bà đã đi vay mượn được 2 chỉ vàng làm hành trang cho con lên đường đi thi đại học.

“Có quá nhiều sự hi sinh trên hành trình ấy, nên em quyết tâm mình phải đỗ đại học bằng mọi giá”, Nàng Xô Vi nói.

Năm đó, Vi là người Brâu đầu tiên và cũng là học sinh duy nhất của trường nội trú trúng tuyển đại học.

Nhận được giấy báo đỗ, trước ngày nhập học, Vi vẫn đắn đo có nên tiếp tục theo đuổi giấc mơ này hay không. Bài toán kinh tế là một gánh nặng khiến Vi chùn bước.

Thế nhưng, cô gái sinh năm 1996 may mắn luôn có sự đồng hành của dân làng. Trước ngày lên đường nhập học, bác trưởng thôn kêu gọi tất cả mọi người trong bản, nói: “Giờ bản làng ta có một cháu đỗ đại học. Cháu sẽ là người đầu tiên mang ánh sáng về cho bản mình”.

Sau lời kêu gọi ấy, người góp gạo, người góp chén bát, người mang bột ngọt, thậm chí còn ký nợ dầu gội đầu, nước mắm,… cả thảy đựng đầy hai bao lớn để Vi làm hành trang lên đường.

“Tháng 7, tháng 8 là mùa mưa, các cô bác không làm gì ra tiền, nhưng tất cả đều chung sức để cho em được đi học. Thậm chí, có những cụ bà chỉ có vài đồng 1.000 – 2.000, họ đã giữ rất lâu, nhưng cũng đều lấy ra cho em làm lộ phí lên đường. Em cảm thấy mình quá may mắn khi được dân làng yêu thương”.

Lưu bản nháp tự động

Nhận được quá nhiều sự giúp đỡ nên Vi cũng muốn được cho đi. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, dù được Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhận làm giáo viên thỉnh giảng, nhưng khi tỉnh Kon Tum tổ chức thi viên chức, Vi vẫn quyết định quay trở về.

Như một cái duyên, Vi đỗ vào chính ngôi trường nội trú tỉnh mà trước đây mình học. Cô được phân về Phân hiệu huyện Ia H’Drai để công tác.

“Đó là nơi còn khó khăn về rất nhiều mặt. Trường mượn đồn biên phòng làm nơi học tập cho học sinh. Giờ đây, dù đã được xây mới nhưng vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Cả trường 6 lớp gồm hơn 180 học sinh cấp 3”.

Đi dạy cách nhà 150 cây số, cô giáo trẻ cũng phải thuê nhà tạm bợ, chỉ cần một trận mưa cũng đủ dột khắp nhà. Dẫu vậy, điều khiến Vi cảm thấy hạnh phúc, là học trò và phụ huynh rất yêu thương cô giáo.

“Em mong muốn mình sẽ trở thành tấm gương cho các em học sinh, giúp các em ý thức được rằng, không có gì quan trọng bằng việc học. Học chính là ngọn đèn soi sáng tương lai của mình. Dù có thể không trở thành ông nọ, bà kia, nhưng nhờ con chữ, mình cũng có thể thay đổi cuộc sống hiện tại”.

Trở thành nữ Đại biểu trẻ nhất Quốc hội

Ngày 10/6, biết tin mình trúng cử Đại biểu Quốc hội, không giấu nổi sự xúc động, Vi nói mình biết ơn khi được người dân địa phương tín nhiệm, nhưng đây cũng là trách nhiệm nặng nề với bản thân cô khi tuổi vẫn còn khá trẻ.

Lưu bản nháp tự động
Nàng Xô Vi cùng đồng nghiệp

Trên địa bàn Vi sinh sống có hơn 34 dân tộc anh em. Do đó, mối quan tâm lớn nhất mà Vi mong muốn đưa đến nghị trường Quốc hội là vấn đề giáo dục và hướng nghiệp cho thế hệ thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy bình đẳng giới.

Vi kể, ở huyện nơi mình sinh ra, nhiều học sinh lớp 5, lớp 6 đã bỏ học. Trai gái 15 – 16 tuổi đã “theo nhau” kết hôn. Vì thế, điều Vi mong muốn là thay đổi nhận thức của người dân về việc đưa tri thức vào đời sống.

“Phải thay đổi từ tri thức rồi mới đi đến thực hiện hành động và việc làm thực tế. Điều này rất cần đến sự thay đổi của giáo dục, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, Vi nói.

Chứng kiến những khó khăn tại địa phương mình và các tỉnh miền núi, mong muốn của Vi là sâu sát với đời sống nhân dân, trình lên Quốc hội những thực trạng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân, để có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa những vùng miền này phát triển về kinh tế, xã hội.

“Dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất; điện – đường – trường – trạm có thể chưa đầy đủ, nhưng với lòng yêu nghề của tất cả các giáo viên vùng cao và có được sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của nhà nước, thì giáo dục miền núi chắc chắn sẽ có những đổi mới tốt đẹp hơn”, Nàng Xô Vi nói.

Thúy Nga