Đội cồng chiêng làng Kon Pring

801


11/07/2019 13:08


Đến thăm Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) vào một buổi chiều cuối tháng 6/2019, tôi gặp chị Y Lim cùng 2 cô gái trẻ Y Vứt và Y Nhúa đang náo nức chuẩn bị biểu diễn chiêng xoang phục vụ đoàn khách du lịch sắp tới…

Chiều muộn. Những đám mây ùn ùn kéo đến, phủ lên những đồi thông. Ánh nắng mặt trời chỉ còn le lói trên đỉnh nhà rông của Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring.

Dù có vẻ thấm mệt sau một ngày làm rẫy vất vả, nhưng trên gương mặt của 3 người vẫn tràn ngập niềm vui. Y Lim vừa giúp Y Vứt chỉnh lại trang phục vừa phấn khởi nói: Đến nay thì mọi người đã quen dần với việc làm du lịch, khi mà khách đến tham quan Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring ngày càng nhiều.

Vài năm trở lại đây, ngoài việc lên rẫy, mỗi thành viên đội cồng chiêng ở Kon Pring còn có thêm nguồn thu nhập 3 – 5 triệu đồng/tháng từ việc làm du lịch, nhờ đó cuộc sống của các gia đình cũng được cải thiện – Y Nhúa nhỏ nhẹ kể.




Đội cồng chiêng làng Kon Pring
Chị Y Lim (ngoài cùng bên trái) đang trang điểm cùng Y Vứt và Y Nhúa. Ảnh: ĐT

 

Ở những ngôi nhà sàn khác, các thành viên còn lại của đội chiêng xoang cũng đang tất bật chuẩn bị. Cách nhà chị Y Lim không xa, anh A Đron cùng nhóm đàn ông đánh chiêng cũng đang tập hợp lại. Hiện tại A Đron là người phụ trách nhóm đánh chiêng của đội, nhiệm vụ mà anh tiếp nhận lại từ bố vợ của mình – già làng A Đreng.

Đội chiêng xoang làng Kon Pring có gần 30 người, trong đó 20 người là thường xuyên tham gia biểu diễn, được chia thành 2 nhóm: nhóm đàn ông đánh chiêng và nhóm phụ nữ múa xoang. Những người còn lại làm công tác hậu cần và thay thế khi người biểu diễn chính không tham gia được. Ngoài việc biểu diễn trong những lễ hội quan trọng của làng, đội tham gia biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch khi có yêu cầu.

Trên con đường bê tông dẫn đến nhà rông, chị Y Lim cùng các thành viên trong đội cồng chiêng rảo bước nhanh, đoàn khách du lịch sắp đến nên ai cũng vội vã; một số người bưng những mâm thức ăn nóng hổi, được sắp đặt đẹp mắt, hoặc ôm những ghè rượu thơm ngào ngạt…

Từ khi làm du lịch, ngoài biểu diễn chiêng xoang, các thành viên trong đội còn kiêm luôn đầu bếp, chuẩn bị thức ăn cho khách đến tham quan. Tùy theo số lượng khách đặt, mọi người sẽ tư vấn phù hợp để khách du lịch vừa được thưởng thức bữa tiệc đứng theo kiểu buffet với đầy đủ các món ăn dân dã, truyền thống, đặc trưng của vùng, lại vừa xem được cồng chiêng múa xoang bên ánh lửa bập bùng tại sân nhà rông.

Để không ảnh hưởng cho việc biểu diễn, bàn thức ăn được bố trí ở ngay góc sân, cạnh cầu thang lên xuống của nhà rông. Giữa sân nhà rông, việc chất củi để đốt lửa trại cũng đang gấp rút được hoàn thành.

Khi mọi người vẫn đang chuẩn bị, từ phía xa, tại nơi giao nhau giữa Quốc lộ 24 với con đường bê tông dẫn vào Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring, chiếc xe ô tô 24 chỗ chở khách du lịch dần tiến vào.

Chị Y Lim vẫn bình tĩnh hướng dẫn các thành viên trong đội hoàn thành các phần việc của mình như đã định. Với kinh nghiệm tiếp đón các đoàn khách du lịch, chị Y Lim hiểu rằng, khi khách đến làng, họ sẽ không vào nhà rông thưởng thức các món ăn và xem biểu diễn chiêng, xoang ngay, mà họ sẽ đi tham quan khung cảnh của làng trước.

Và đúng như chị dự đoán, khi đoàn khách vừa bước xuống xe, tất cả đều reo vui trước khung cảnh bình yên và không khí trong lành ở Kon Pring. Sau khi bắt tay chị Y Lim và chào các thành viên của đội, du khách dạo quanh các con đường trong làng, tham quan nhà rông, ghé thăm từng ngôi nhà sàn, tíu tít hỏi chuyện và chụp hình cùng với bà con.

Du khách nào cũng tỏ ra thích thú với không gian hữu tình, còn mang nét hoang sơ của Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring. Bản thân tôi, dù đã không ít lần về với Kon Pring nhưng vẫn bị hút hồn, nói gì những người lần đầu đặt chân đến. 

Làng Kon Pring có những con đường bê tông uốn lượn với hai bên là thảm cỏ xanh mướt, những ngôi nhà sàn với hàng rào gỗ, những đầm sen, những con suối nhỏ nước chảy róc rách, những cánh đồng bậc thang, chưa kể khuôn viên trong làng được giữ gìn rất sạch sẽ cùng những bụi hoa được trồng khắp mọi nơi… tất cả những điều này đều gây ấn tượng và có sức hút mạnh mẽ đối với du khách.

Sau khi tham quan ngôi làng, đoàn khách du lịch bắt đầu tập trung về lại sân nhà rông để thưởng thức chương trình văn nghệ do đội cồng chiêng làng Kon Pring thực hiện. Tiếng cồng chiêng bắt đầu vang lên, từ dưới sàn nhà rông, chị Y Lim dẫn đầu nhóm phụ nữ múa xoang đi chân trần từ từ bước ra theo nhịp, đôi tay đong đưa với những điệu múa tái hiện lại cảnh sản xuất, sinh hoạt đời thường của người Xơ Đăng. Nhóm đàn ông vừa đánh chiêng vừa bước theo sau nhóm phụ nữ, mọi người tạo thành vòng tròn, cứ thế đi quanh đống lửa.

Thích thú với màn biểu diễn của đội chiêng xoang, một số du khách tiến vào vòng tròn tham gia biểu diễn cùng, một số du khách khác thì cầm máy quay phim và chụp hình để lưu lại kỷ niệm, số còn lại thì thưởng thức các món ăn với những lời khen ngợi.

Mặt trời khuất sau dãy núi, đống củi giữa sân được châm lửa, cháy rừng rực, soi sáng cả khoảng sân rộng. Đội chiêng xoang cùng du khách say sưa nhảy múa, hương rượu cần bay xa… Trời về đêm se lạnh, hơi ấm của lửa, của men rượu cần gắn kết mọi người lại với nhau.




1562828368 569 Đội cồng chiêng làng Kon Pring
Đội cồng chiêng làng Kon Pring biểu diễn bên ánh lửa bập bùng. Ảnh: ĐT

 

Cứ thế, mọi người chìm đắm trong văn hóa cồng chiêng và khám phá ẩm thực của đồng bào Xơ Đăng ở làng Kon Pring. Việc biểu diễn cồng chiêng chỉ thực hiện trong khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng chương trình giao lưu giữa du khách và đội cồng chiêng cùng bà con trong làng thì được kéo dài đến gần nửa đêm, khi than từ đống củi ở giữa sân đã tàn.

Chị Y Lim cùng các thành viên trong đội tranh thủ dọn dẹp, trả lại khuôn viên sạch sẽ cho ngôi nhà rông. Đoàn du khách bịn rịn chia tay làng Kon Pring với những tình cảm đong đầy, hứa một ngày không xa sẽ quay trở lại.

ĐỨC THÀNH

Đi tới nguồn bài viết